(QBĐT) - Thời gian gần đây, mô hình văn hóa giao thông cổng trường đang phát huy được hiệu quả và trở thành một phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ tại nhiều trường học trên địa bàn huyện Bố Trạch.
Tây Trạch là đơn vị đầu tiên trên địa bàn huyện Bố Trạch triển khai xây dựng mô hình và đạt được những kết quả tích cực. Toàn xã Tây Trạch có 3 trường học gồm: mầm non, tiểu học và trung học cơ sở.
Các trường đều có vị trí trên cùng một tuyến đường liên xã, lại gần kề nhau, nên những lúc cao điểm như trước giờ vào học và sau mỗi buổi tan trường, tình trạng chen lấn, dựng xe lộn xộn gây ách tắc giao thông dần trở thành câu chuyện phổ biến và là nỗi khổ của mỗi người dân khi tham gia giao thông qua đây.
Đã có nhiều vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra, mặc dù không gây hậu quả nghiêm trọng về người, nhưng những hệ lụy mà nó để lại ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự cũng như ý thức chấp hành giao thông của phụ huynh và học sinh.
![]() |
Anh Nguyễn Văn Hưng, Phó Bí thư Đoàn xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch cho hay, trăn trở trước tình hình mất an toàn giao thông, chúng tôi đã triển khai xây dựng mô hình văn hóa giao thông cổng trường.
Theo đó, Xã đoàn huy động lực lượng đoàn viên thanh niên, cán bộ và giáo viên, các đơn vị đã tổ chức phân làn và chia khu vực để xe, đồng thời túc trực trước cổng trường để hướng dẫn các bậc phụ huynh dựng xe đúng chỗ quy định, tránh gây mất an toàn giao thông cổng trương.
Bà Lê Thị Hồng Duyên, có cháu học tại Trường mầm non Tây Trach chia sẻ: “Trước đây, mỗi khi đưa đón cháu đến trường, tình trạng chen lấn, dựng xe lộn xộn, hành lang giao thông thường bị xâm lấn thường xuyên xảy ra. Nhưng từ khi triển khai mô hình văn hóa giao thông cổng trường, những hình ảnh không đẹp đó cơ bản đã được khắc phục”.
Từ Tây Trạch, chỉ trong một thời gian ngắn phong trào thực sự đã lan rộng mạnh mẽ đến 56 trường học trên địa bàn toàn huyện. Trong những ngày qua, từ miền xuôi đến miền ngược, đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp hình ảnh những đoàn viên, thanh niên của các xã và các trường học tay thước, tay chổi cọ kẻ vạch phân chia khu vực, hành lang dựng xe... Ông Trần Đình Trạm có cháu học ở Trường tiểu học số 1 Đại Trạch tâm sự: “Đây là một mô hình rất hay, bản thân tôi sẽ thực hiện nghiêm túc những quy định của nhà trường đề ra”.
Cô giáo Dương Thị Hà, Tổng phụ trách Liên đội Trường tiểu học số 1 Đại Trạch cho hay: Bên cạnh xây dựng mô hình văn hóa giao thông cổng trường, thông qua các buổi văn nghệ, ngoại khóa chúng tôi cũng đã lồng ghép một số nội dung để tuyên truyền đến các em học sinh ý thức xây dựng văn hóa giao thông cổng trường cũng như nâng cao ý thức khi tham gia giao thông.
Dù mới triển khai, song mô hình văn hóa giao thông cổng trường đã phát huy hiệu quả trong việc giáo dục nền nếp, tác phong, ý thức chấp hành pháp luật của phụ huynh và học sinh. Để mô hình phát huy tối đa hiệu quả và mang tính bền vững, thiết nghĩ, cần có sự chung tay, phối hợp cùng thực hiện giữa nhà trường, phụ huynh và học sinh.
Thành Vinh
(Đài TT-TH Bố Trạch)