(QBĐT) - Theo Bộ luật Hình sự năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2018), các đơn vị, doanh nghiệp cố tình nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của người lao động sẽ bị các cơ quan BHXH chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để xử lý hình sự.
BHXH là sự bảo đảm thay thế một phần thu nhập của người lao động (NLĐ) khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, hết tuổi lao động… trên cơ sở đóng vào Quỹ BHXH.
Quỹ BHXH được phân bổ: đơn vị sử dụng lao động đóng BHXH 17,5% (trong đó: 3% vào quỹ ốm đau và thai sản, 0,5% vào quỹ tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp, 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất). NLĐ đóng 8% vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Theo BHXH Việt Nam, trong trường hợp doanh nghiệp trốn đóng BHXH, thiệt hại nhiều nhất chính là NLĐ, về lâu dài sẽ gây ra bất ổn lớn, ảnh hưởng tới an sinh xã hội. Việc xử lý hình sự người sử dụng lao động trốn đóng BHXH sẽ hạn chế tối đa tình trạng trốn đóng và nợ đọng BHXH của các đơn vị, doanh nghiệp.
|
Bộ luật Hình sự năm 2015 (có hiệu lực từ 1-1-2018) quy định về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ tại điều 216. Cụ thể:
1. Người nào có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp sau đây, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm:
a) Trốn đóng bảo hiểm từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
b) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng năm đến 3 năm:
a) Phạm tội 2 lần trở lên;
b) Trốn đóng bảo hiểm từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
c) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người;
d) Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:
a) Trốn đóng bảo hiểm 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên;
c) Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 2 điều này.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 điều này, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng.
Phan Phương (T/h)