(QBĐT) - Bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật (gọi tắt là rác thải bảo vệ thực vật) là một trong những loại rác thải nguy hại, cần được xử lý đúng quy định. Tuy nhiên, hiện nay, ở nhiều địa phương, rác thải bảo vệ thực vật (BVTV) vẫn chưa được thu gom, xử lý đúng cách. Tình trạng rác thải BVTV vứt tràn lan đang đe dọa đến môi trường xung quanh và sức khỏe con người.
Tiện đâu vứt đó
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, năm 2018, toàn tỉnh có 53.726 ha lúa, 8.422 ha rau màu các loại và 21.161 ha cây công nghiệp, cây lâu năm. Với diện tích gieo trồng lớn như vậy, hàng năm, số lượng thuốc BVTV được người dân sử dụng là rất nhiều. Tuy vậy, theo ông Lê Xuân Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV, đa số ở các địa phương, ý thức bảo vệ môi trường, nhất là việc xử lý rác thải BVTV của người dân còn hạn chế. Thuốc BVTV như bao bì, vỏ chai sau khi sử dụng xong bị người dân vứt tại ruộng hoặc dưới mương rãnh, ao hồ. Một số người dân ý thức hơn thì thu gom một chỗ và đốt ngay tại ruộng.
Theo giải thích của nhiều người dân, mặc dù biết rõ vỏ chai, bao bì thuốc BVTV là rác thải nguy hại cho môi trường nhưng vì không có bể chứa nên buộc phải vứt tại ruộng hoặc gom một chỗ và đốt. Với 6 sào ruộng gieo trồng hàng năm, bà Nguyễn Thị Hài (An Ninh, Quảng Ninh) cho biết: Dù diện tích ruộng của gia đình bà ít nhưng để không làm ảnh hưởng đến năng suất, vụ nào bà cũng phải sử dụng thuốc BVTV để phòng trừ một số bệnh hại lúa. Do ngoài đồng không có bể chứa rác nên mỗi lần sử dụng các thuốc BVTV xong, bao bì, chai lọ bà đều bỏ luôn ngoài ruộng.
![]() |
"Ở ngoài đồng, không tìm ra chỗ để vứt vỏ chai, bao bì thuốc trừ sâu, trừ cỏ nên bà con thường tiện đâu vứt đó. Bao bì, chai lọ đã sử dụng hết thuốc nên cũng không gây hại gì cho con người", ông Trần Văn Th. ở Lộc Thủy, Lệ Thủy phân bua. Nhiều loại bao bì, vỏ thuốc BVTV sau khi bị người dân vứt ở ruộng, chỉ sau trận mưa, trôi theo các dòng kênh và hòa vào nguồn nước.
Không chỉ những hộ trồng lúa sử dụng thuốc BVTV, nhiều người dân trồng rau màu hoặc cây ăn quả, cây công nghiệp cũng sử dụng thuốc BVTV để phòng trừ một số sâu bệnh hại cây trồng. Bà Trần Thị B. (Cam Thủy, Lệ Thủy) cho biết, nhà có trồng mấy sào dưa leo. Do cây bị bệnh nên buộc phải phun thuốc BVTV. Sau khi phun thuốc, bà đều thu gom vỏ chai và bao bì đem đốt, có khi cẩn thận thì cho vào túi bóng rồi vứt chung với rác thải sinh hoạt.
Giải pháp từ cơ sở
Vỏ chai, bao bì thuốc BVTV là rác thải nguy hại, cần được thu gom và tiêu hủy đúng quy định. Thực tế, bao bì, vỏ chai thuốc BVTV sau khi sử dụng vẫn còn tồn dư một lượng nhỏ thuốc. Với thói quen của người dân là vứt bao bì, chai lọ thuốc BVTV ngay tại ruộng, dưới mương rãnh, ao hồ, lượng thuốc này sẽ thấm vào đất hoặc bị rửa trôi theo nguồn nước. Trường hợp người dân thu gom và xử lý bằng cách đem đốt cũng gây ô nhiễm đến môi trường.
Trong khi rác thải BVTV đang là "bài toán khó" đối với nhiều địa phương, thì ở Thanh Thủy, Lệ Thủy, giải pháp xử lý đối với rác thải BVTV đã được xã tính đến và triển khai thực hiện. Ông Hoàng Quang Đồng, Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy cho hay: Do thói quen vứt rác bừa bãi của người dân, năm 2017, chính quyền xã đã tiến hành đặt các bể chứa dành riêng cho rác thải BVTV ở ngã ba, ngã tư của các cánh đồng. Mục đích là tận thu nguồn rác thải BVTV của bà con nông dân. Hiện nay, xã Thanh Thủy đã đặt được khoảng 17 bể chứa rác ở các cánh đồng. Bên cạnh việc đặt các bể chứa rác này, chính quyền xã cũng đã tổ chức các cuộc tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức và chấp hành việc vứt rác BVTV đúng nơi quy định. Đến nay, lượng rác thải BVTV ở các cánh đồng của xã Thanh Thủy đã giảm đáng kể, ý thức của người dân cũng được nâng lên.
"Từ khi có các bể chứa rác, tôi và người dân ở đây đều thường xuyên bỏ bao bì, vỏ chai BVTV vào bể chứa. Các bể chứa ở đây cũng được đặt ở các vị trí thuận lợi gần các ngã ba, ngã tư của các đường ruộng nên thuận tiện cho người dân thu gom và đến bỏ", ông Nguyễn Thành, thôn 2, xã Thanh Thủy cho hay.
![]() |
Ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lệ Thủy cho biết: Toàn huyện có 24.886 ha gieo trồng nên tỷ lệ thuốc BVTV được bà con sử dụng hàng năm rất lớn. Tuy nhiên, ý thức thu gom và xử lý rác thải BVTV của người dân còn hạn chế.
Để giảm bớt lượng rác thải BVTV ra môi trường, vừa qua, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Phòng Tài nguyên môi trường huyện đã có chỉ đạo cho các HTX về việc đặt các bể chứa rác BVTV. Đó là một trong những tiêu chí của huyện để xây dựng HTX kiểu mẫu.
Về chủ trương thực hiện, huyện sẽ chọn 3 HTX là: HTX Quy Hậu (Liên Thủy), HTX Lộc Thượng (An Thủy), HTX Thượng Phong (Phong Thủy) làm điểm trong năm tới, sau đó sẽ triển khai ở toàn thể các HTX trên địa bàn huyện.
Điểm đặt các bể rác này là tại các ngã ba, ngã tư, nơi người dân thường xuyên đến lấy nước. Rác sau khi được thu gom sẽ được tập kết và chở lên bãi rác của huyện để xử lý. Bước đầu, 3 HTX làm mẫu này sẽ được UBND huyện hỗ trợ một phần kinh phí để thực hiện, các HTX còn lại phải tự bỏ kinh phí để làm.
"Hiện nay, mô hình bể rác thải BVTV của xã Thanh Thủy mới được triển khai thực hiện. Đây cũng là xã đầu tiên có bể chứa rác BVTV trên địa bàn huyện", ông Vương cho biết thêm.
Có thể nói, bể chứa rác ở xã Thanh Thủy là một trong những mô hình hay, cần có chủ trương nhân rộng ở các địa phương khác. Tuy nhiên, để thực hiện tốt hơn giải pháp thu gom rác thải BVTV thì các bể chứa này phải có nắp đậy và cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân, tránh tình trạng bể đặt xong nhưng rác thải BVTV vẫn nằm ngổn ngang ở ruộng.
Đ.Nguyệt