Mất an toàn giao thông trước cổng trường ở TP. Đồng Hới: Cần có giải pháp hữu hiệu

  • 07:10, 10/10/2018
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ tan học tại một số cổng trường trên địa bàn TP. Đồng Hới, đặc biệt là tại các trường mầm non, tiểu học, THCS từ lâu đã trở thành vấn đề bức xúc của người tham gia giao thông. Mặc dù nhiều trường đã áp dụng các biện pháp khắc phục, nhưng tình hình vẫn không được cải thiện.

Theo ghi nhận của phóng viên, tình trạng lộn xộn, ùn tắc, mất trật tự an toàn giao thông (TTATGT) diễn ra hầu hết tại cổng các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố Đồng Hới như: Trường tiểu học số 3 Nam Lý, Trường tiểu học Đồng Phú, Trường mầm non Nam Lý...

Với số học sinh của mỗi trường từ 600 – 700 em, thì số phụ huynh phải đi bằng phương tiện cá nhân vào giờ học sinh đến lớp, tan học cũng tương đương, nên khu vực trước cổng trường thường xuyên mất TTATGT là điều hết sức dễ hiểu.

Cứ khoảng hơn 16 giờ hàng ngày, tại Trường tiểu học số 3 Nam Lý luôn trong tình trạng ùn ứ phương tiện trước cổng trường học. Hàng trăm xe máy và xe ô tô của phụ huynh đỗ dọc, đỗ ngang dưới lòng đường, trước cổng trường để chờ đón con.

Điều đáng nói, giờ cao điểm, trục đường này còn có rất nhiều phương tiện tham gia giao thông như: xe máy, ô tô, xe tải,... qua lại liên tục. Các phương tiện khác phải cố gắng luồn lách nhưng vẫn khó qua được, tình trạng dồn ứ tại khu vực này ngày nào cũng kéo dài gần 20 phút.

Có con đang học tại Trường tiểu học số 3 Nam Lý, anh Nguyễn Thanh Đạt cho biết: "Nhà trường quy định phụ huynh đưa đón học sinh ngoài cổng trường, nhưng do diện tích trước cổng hẹp nên không còn cách nào khác, chúng tôi phải đợi con ngoài đường".

Tình trạng ùn ứ phương tiện giao thông trước cổng các trường học tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các vụ va quệt giao thông.
Tình trạng ùn ứ phương tiện giao thông trước cổng các trường học tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các vụ va quệt giao thông.

Tương tự, tại cổng Trường tiểu học Đồng Phú, khi tiếng trống tan trường vừa dứt, cả khu vực trước cổng trường gần như tắc nghẽn. Không chỉ xe 2 bánh mà nhiều xe ô tô cũng dừng, đỗ sai quy định tại cổng trường. “Biết vi phạm ATGT, nhưng không còn cách nào khác, vì chúng tôi không biết đỗ xe ở đâu để đón con”, chị Nguyễn Thị Thúy, một phụ huynh cho biết.

Theo ông Nguyễn Đại Trường, Phó Phòng Chính trị - Tư tưởng, Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh, thì: Sự ùn tắc giao thông nghiêm trọng như vậy xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Trước hết, bắt nguồn từ ý thức của các bậc phụ huynh khi đưa, đón con đến trường. Hầu hết, khuôn viên của các trường đều quá nhỏ không có chỗ để xe cho phụ huynh đến đón con. Bên cạnh đó, trước cổng trường hàng quán quá nhiều, tâm lý của học sinh khi tan trường cũng muốn ghé quán mua ly nước, cái kẹo cũng gây ra tình trạng ùn ứ giao thông.

Và nữa, kinh tế ngày càng phát triển, các gia đình có điều kiện đến đón con bằng ô tô riêng ngày một nhiều. Những yếu tố trên chính là nguyên nhân khiến tình trạng giao thông trở nên tắc nghẽn...

Để giải quyết tình trạng trên, hàng năm, ngay khi bắt đầu năm học mới, Sở Giáo dục-Đào tạo đều có công văn gửi các trường yêu cầu tăng cường bảo đảm an ninh trường học. Một số trường học đã đưa ra các biện pháp như: phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức phân luồng giao thông; tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh thực hiện nghiêm túc các quy định ATGT; tổ chức ký cam kết với học sinh và phụ huynh học sinh không đỗ xe dưới lòng đường, lề đường, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về ATGT; cắm biển báo cấm dừng, đỗ xe sai quy định…

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tình hình chỉ được cải thiện khi các cơ quan chức năng mạnh tay xử lý, sau đó mọi việc lại đâu vào đấy và việc tìm giải pháp xử lý triệt để cũng không phải dễ dàng.

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Hồ Ngọc Nhất, Đội trưởng đội CSGT Công an TP. Đồng Hới cho biết: “Trước khi bước vào năm học mới, Đội CSGT đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền pháp luật về ATGT đến các cơ quan, đơn vị, trường học, khu dân cư… nhằm giúp người dân và các phụ huynh, học sinh nâng cao ý thức chấp hành. Riêng những tháng đầu năm 2018, đội đã tổ chức 28 đợt tuyên truyền cho cán bộ, nhân dân và học sinh trên địa bàn.

Tuy nhiên, việc chấp hành pháp luật về ATGT của một bộ phận phụ huynh, học sinh chưa cao nên tình trạng vi phạm vẫn còn tiếp diễn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp cùng các lực lượng Cảnh sát, Công an các phường tăng cường kiểm tra nhắc nhở, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Theo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, việc dừng, đỗ xe không đúng nơi quy định sẽ bị phạt tiền từ 300-400 ngàn đồng; nếu trong quá trình dừng, đỗ xe trái quy định mà gây ra tình trạng ùn tắc giao thông có thể bị phạt 800 ngàn đồng đến 1,2 triệu đồng. Tuy nhiên, tình trạng lộn xộn trước cổng trường vào giờ đưa, đón học sinh vẫn chưa có biện pháp khắc phục.

Điều này, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mỹ quan đô thị và hơn hết là tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các vụ tai nạn, va quệt giao thông. Đề nghị các cơ quan chức năng và nhà trường cần đưa ra các biện pháp, giải pháp đồng bộ để hạn chế tình trạng trên. Mặt khác, các bậc phụ huynh cần nâng cao ý thức chấp hành giao thông để làm gương cho con em.

Phạm Hà
 

tin liên quan

Nữ sinh Việt Nam đoạt giải ba cuộc thi viết thư quốc tế UPU
Nữ sinh Việt Nam đoạt giải ba cuộc thi viết thư quốc tế UPU
Nữ sinh Nguyễn Thị Bạch Dương (Trường THCS Nguyễn Trãi, Nam Sách, Hải Dương) xuất sắc giành giải ba cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 47.
 
Yên bình xứ đạo Phúc Trạch
Yên bình xứ đạo Phúc Trạch

(QBĐT) - Thời gian qua, cùng với việc quan tâm đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, cấp ủy, chính quyền xã Phúc Trạch (Bố Trạch) đã chú trọng xây dựng, củng cố và nhân rộng mô hình "Xứ, họ đạo bình yên, gia đình hòa thuận". Qua đó, đồng bào công giáo trong toàn xã ngày càng yên tâm, tin tưởng và chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương, "sống tốt đời, đẹp đạo".

Đừng ngại vì "xấu chàng hổ ai"!
Đừng ngại vì "xấu chàng hổ ai"!

(QBĐT) - Bạo lực gia đình từ trước đến nay dường như được che giấu sau những "bức màn nhung", nên rất khó nhận diện bởi những quan niệm quen thuộc của người Việt, như: "xấu chàng hổ ai", "vạch áo cho người xem lưng"...