Không đầu hàng số phận

  • 07:10, 29/10/2018
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Phong trào phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững do Hội Phụ nữ xã Đức Ninh (TP. Đồng Hới) phát động đã và đang phát huy được tinh thần cần cù, chịu khó của nhiều hội viên phụ nữ. Một trong những tấm gương tiêu biểu đó là chị Nguyễn Thị Liên, ở thôn Đức Sơn.
 
Chị Nguyễn Thị Liên (sinh năm 1963) lớn lên trong một gia đình thuần nông ở phường Nam Lý (TP. Đồng Hới). Sau khi lập gia đình chị sống cùng nhà chồng tại thôn Đức Sơn, xã Đức Ninh với nghề nghiệp chính là làm ruộng.
 
Năm 2003, khi đứa con gái út chưa tròn 3 tuổi, chồng chị bị tai nạn giao thông qua đời. Thiếu vắng người đàn ông trụ cột, cuộc sống của 4 mẹ con chị bắt đầu những chuỗi ngày đầy gian khó và vất vả. Chị lăn lộn đủ nghề kiếm sống để bù đắp những thiếu hụt nhưng các con vẫn phải chịu cảnh bữa no, bữa đói. Nhớ lại khoảng thời gian hơn 15 năm trước, chị kể, sau khi chồng mất, một mình chị nuôi 3 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học và một mẹ già nên gia đình luôn nằm trong danh sách hộ nghèo của xã. Không có đồng vốn trong tay, ngày nào chị cũng phải quần quật từ sáng đến tối với đủ nghề: trồng rau, làm ruộng, làm thuê…, nhưng cuộc sống đói nghèo vẫn đeo đẳng.
 
Chị Trần Thị Vân, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đức Ninh cho hay, trước hoàn cảnh đáng thương của gia đình chị Liên, Hội Phụ nữ xã và Chi hội Phụ nữ thôn đã quan tâm hỗ trợ gần 3 triệu đồng để chị đầu tư con giống phát triển sản xuất. Song song với hỗ trợ vốn, các cấp hội cũng dành nhiều sự quan tâm, tận tình hướng dẫn, tư vấn về khoa học kỹ thuật cũng như lựa chọn cây, con giống phù hợp cho các hoạt động sản xuất trong gia đình chị. Nhờ đó, chị Liên đã lựa chọn hướng phát triển kinh tế phù hợp, không chỉ trông chờ vào cây khoai, cây lúa mà còn có thêm nhiều nghề cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
Gần15 năm nỗ lực phát triển kinh tế, gia đình chị Nguyễn Thị Liên đã thoát nghèo và có thu nhập ổn định từ mô hình kinh tế tổng hợp.
Gần15 năm nỗ lực phát triển kinh tế, gia đình chị Nguyễn Thị Liên đã thoát nghèo và có thu nhập ổn định từ mô hình kinh tế tổng hợp.
Nhận thấy nhiều hộ dân trong vùng có cuộc sống ổn định nhờ chăn nuôi, chị Liên đã đầu tư mô hình nuôi gà lấy thịt và đẻ trứng. Sau vụ nuôi đầu tiên, chị thu hồi được vốn và tạo nguồn thu hàng ngày.
 
Thấy chị chăm lo làm ăn, các cấp Hội Phụ nữ lại tiếp tục tạo điều kiện để chị vay qua kênh vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội từ chương trình cho vay hộ nghèo, nước sạch với tổng số tiền trên 60 triệu đồng. Có nguồn vốn trong tay, cùng với số tiền tích góp, chị quyết tâm mở rộng đối tượng vật nuôi trong gia đình. Ban đầu chỉ nuôi gà thì nay chị đầu tư chuồng trại nuôi thêm lợn thịt, ngan và chủ động nguồn thức ăn bằng cách tăng gia sản xuất rau trong vườn.
 
Theo chị Liên, để phát triển chăn nuôi không bị "cụt vốn", ngoài học hỏi kinh nghiệm, cần phải chăn nuôi cùng một lúc nhiều loại khác nhau, tránh bị thất thu khi giá cả bấp bênh hoặc dịch bệnh xảy. Nhờ tinh thần học hỏi và cố gắng, nỗ lực vươn lên, chị Liên đã gây dựng mô hình chăn nuôi tổng hợp cho thu nhập ổn định.
 
Hiện nay, trang trại nhỏ của chị có khoảng 60 con gà thả vườn, đàn lợn thịt với số lượng 5-7 con/lứa, 1 con bò sinh sản cùng 3 sào lúa, rau xanh và cỏ voi phục vụ cho chăn nuôi. Ngoài ra, để “lấy ngắn nuôi dài” và cải thiện thêm cuộc sống gia đình, chị còn xoay xở làm thuê nhiều nghề.
 
Với bản chất chăm chỉ, cần cù, chịu thương, chịu khó nên sản xuất có được lợi nhuận, chị Liên dành dụm trả ngân hàng, đồng thời tiết kiệm để trang trải cuộc sống và tái đầu tư sản xuất. Đặc biệt, được “tiếp sức” từ nguồn vốn ưu đãi học sinh, sinh viên của Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình chị được vay gần 40 triệu đồng để đầu tư cho 2 con theo học các trường đại học. Bằng cách tích lũy như vậy, đến cuối năm 2017, gia đình chị Nguyễn Thị Liên chính thức thoát nghèo và hiện đã có thu nhập ổn định từ 3-3,5 triệu đồng/tháng. Các con của chị cũng đã trưởng thành và tìm được công việc với mức thu nhập ổn định.
 
Trong câu chuyện vươn lên thoát nghèo thành công của mình, chị Nguyễn Thị Liên luôn khẳng định vai trò của các cấp Hội Phụ nữ. Bởi, chính sự đồng hành, sát cánh với tinh thần "lá lành đùm lá rách", gây quỹ giúp nhau của Hội Phụ nữ xã Đức Ninh và chi hội thôn Đức Sơn đã giúp con đường khởi nghiệp của chị vơi bớt khó khăn. Ngoài phong trào của Hội Phụ nữ, chị còn được biết đến là một tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn uy tín của Chi hội Nông dân thôn Đức Sơn.
 
"Chị Nguyễn Thị Liên là một phụ nữ giàu nghị lực, có ý chí vươn lên, không cam chịu đói nghèo và đầu hàng số phận. Chị không chỉ tần tảo, đảm đang với vai trò là một người mẹ trong gia đình mà còn khẳng định vị trí quan trọng trong phong trào thi đua phát triển kinh tế, từng bước xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Chính những đóng góp tích cực đó mà chị luôn nhận được sự tín nhiệm, quý mến của bà con trong xóm và xứng đáng là một tấm gương để chị em hội viên phụ nữ học tập và làm theo", chị Trần Thị Vân nhận xét.
 
N.L

tin liên quan

Siêu bão Yutu giật trên cấp 17 đang rất gần Biển Đông
Siêu bão Yutu giật trên cấp 17 đang rất gần Biển Đông
Trong khoảng 24 bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 670km về phía Đông.
Nỗ lực vì mục tiêu xóa đói giảm nghèo
Nỗ lực vì mục tiêu xóa đói giảm nghèo
(QBĐT) - Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Quảng Xuân đã tập trung nhiều nguồn lực và đưa ra nhiều giải pháp trong việc hỗ trợ người dân xóa đói giảm nghèo (XĐGN). Nhờ vậy, trong giai đoạn 2016-2018, tỷ lệ hộ nghèo của địa phương từ 137 hộ giảm còn 99 hộ.
 
Tạo cơ hội việc làm cho thanh niên sau cai nghiện
Tạo cơ hội việc làm cho thanh niên sau cai nghiện

(QBĐT)-  Từ năm 2013 đến nay, cơ sở cai nghiện ma tuý thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình đã tiếp nhận, quản lý, chữa trị cai nghiện gần 465 học viên, trong đó có 25 học viên bắt buộc và số còn lại là cai nghiện tự nguyện.