(QBĐT) - 1. Theo Nghị định số 91/2005/NĐ-CP của Chính phủ ngày 11-7-2005 về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng, quy trình xem xét, quyết định việc đặt tên, đổi tên đường, phố, công trình công cộng được thực hiện rất chặt chẽ và khoa học với sự tham gia của nhiều đơn vị, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức, cơ quan chuyên môn, người dân...
Chặt chẽ là vậy, nhưng dường như việc giám sát quá trình thực hiện đặt tên, đổi tên đường, phố, mà cụ thể là các biển báo tên đường, phố, lại dường như thiếu sự quan tâm đúng mức. Ngay trên địa bàn huyện Lệ Thủy, con đường Nguyễn Văn Trỗi chạy dọc sông Kiến Giang, huyết mạch giao thông của nhiều xã, lại có biển báo sai lỗi chính tả thành "Nguyễn Văn Trổi".
Biển báo sai lỗi chính tả này đã tồn tại nhiều năm ở huyện vốn đang phấn đấu nông thôn mới kiểu mẫu này, nhưng hầu như không được ai nhắc nhớ. Đáng ngại hơn, việc một số trường học cũng nằm trên con đường này vô hình chung khiến học sinh bỡ ngỡ giữa chính tả trong sách vở và ngoài đời thực.
![]() |
Trước đây, chuyên mục "Những điều trông thấy" của Báo Quảng Bình cũng đã phát hiện một số biển tên đường sai chính tả ở TP.Đồng Hới, ngay sau đó, cơ quan chức năng đã có chấn chỉnh kịp thời.
2. Một thực trạng khá lo ngại khác chính là lỗi chính tả thường gặp trên các văn bản của các cơ quan Nhà nước, nhất là ở cấp cơ sở. Mới đây, thậm chí, một văn bản cấp tỉnh còn sai lỗi chính tả, đáng buồn lại là những điểm nhấn của văn bản, như: "thu thập" thành "thập", "mục đích" thành "mục địch"…
Việc sai lỗi chính tả trong các văn bản pháp quy không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến nội dung của văn bản, mà còn khiến đối tượng tiếp nhận không nhận thức được tầm quan trọng của văn bản. Đáng chú ý, nếu việc sai lỗi chính tả diễn ra thường xuyên, liên tục còn làm mất đi sự nghiêm túc, chỉnh chu cần có của các văn bản hành chính.
Hiện nay, các tranh cãi về cải cách giáo dục đang là đề tài "nóng" trên mạng xã hội, đặc biệt là sự khác biệt giữa cách phát âm theo chương trình đại trà và sách công nghệ giáo dục ở lớp 1.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Bộ Giáo dục-Đào tạo đang nỗ lực đổi mới, việc đơn giản cần làm trước hết là phải bảo đảm chính tả trong từng văn bản hành chính, từng biển hiệu, biển báo… Bởi, suy cho cùng, đây là một trong những cách dễ dàng nhất để Tiếng Việt thấm sâu vào mỗi người dân, nhất là thế hệ trẻ.
Quảng Hạ