(QBĐT) - Bạo lực gia đình từ trước đến nay dường như được che giấu sau những “bức màn nhung”, nên rất khó nhận diện bởi những quan niệm quen thuộc của người Việt, như: “xấu chàng hổ ai”, “vạch áo cho người xem lưng”... Chỉ đến khi tình trạng này vượt ngưỡng chịu đựng về thể xác và tinh thần của những người trong cuộc thì sự việc mới được phát hiện và xử lý.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, năm 2010, toàn tỉnh xảy ra 540 vụ bạo lực gia đình; năm 2011 xảy ra 459 vụ; năm 2012 là 423 vụ nhưng đến năm 2017 chỉ còn 161 vụ (?!). Hình thức bạo lực gia đình xảy ra chủ yếu là bạo lực tinh thần và bạo lực thân thể, đối tượng gây bạo lực phần lớn là nam giới và nạn nhân phải hứng chịu là phụ nữ, trẻ em.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ly hôn của các gia đình trên địa bàn tỉnh. Ước tính từ năm 2008 đến tháng 6-2018, toàn tỉnh xảy ra 319 vụ ly hôn, trong đó ly hôn do bạo lực thân thể chiếm tỷ lệ cao nhất với 179 vụ, tiếp đó là hình thức bạo lực tinh thần với 43 vụ.
Ngoài ra, từ năm 2009 đến nay, cơ quan chức năng đã khởi tố và điều tra 19 vụ/19 bị can liên quan đến bạo lực gia đình; xử lý vi phạm hành chính 47 vụ/47 đối tượng, hòa giải 20 trường hợp và cảnh cáo 6 trường hợp...
Để giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình, ngoài hệ thống văn bản pháp quy và các chế tài thì hệ thống hòa giải viên cơ sở và mô hình phòng chống bạo lực gia đình đang phát huy hiệu quả thiết thực. Gần 1.400 tổ hòa giải và hơn 9.000 hòa giải viên, 261 câu lạc bộ và hơn 100 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình... đang hoạt động trong toàn tỉnh đã góp phần tuyên tuyền, giáo dục, tư vấn giải quyết các vụ bạo lực gia đình, qua đó, ổn định trật tự an toàn xã hội, nâng cao nhận thức hành vi về bạo lực gia đình cho các cá nhân.
Tuy nhiên, khi đời sống xã hội ngày càng phát triển thì tình trạng bạo lực gia đình ngày càng biến tướng vởi các hình thức tinh vi, đồng thời, mức độ và tính chất của sự việc cũng vì thế mà nguy hại hơn.
Do vậy, để đấu tranh với tình trạng bạo lực gia đình luôn có thể xảy ra, bản thân của những người trong cuộc nên dũng cảm vượt qua thói quen ngại ngùng, cam chịu để lên tiếng về sự việc; các cơ quan chức năng cũng phải chủ động hơn để thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Có như vậy, xã hội mới giảm bớt được những hệ lụy mà nguyên nhân là do tình trạng bạo lực gia đình gây ra.
Đông A