Mượn nhà văn hóa thôn làm lớp học

  • 05:10, 31/10/2015
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Một lớp học bậc tiểu học (TH) có thâm niên 5 năm đi ở tạm. Ba năm đầu nhờ hai ngôi nhà cấp bốn của Hợp tác xã Phú Định, hai năm sau nhà cấp bốn xuống cấp, thầy cô giáo đành nhờ nhà văn hóa thôn gửi học trò. Câu chuyện này tưởng chỉ xảy ra ở bậc học mầm non thuộc địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nhưng thực tế vẫn đang diễn ra tại Trường TH Phú Định, xã Phú Định, huyện Bố Trạch.

Thiếu cơ sở dạy và học trầm trọng.

Trường TH Phú Định tách ra từ Trường phổ thông cơ sở Phú Định. Ngay sau chia tách, dù điều kiện kinh tế-xã hội, đời sống dân sinh xã Phú Định đang rất khó khăn nhưng tập thể thầy cô giáo và các em học sinh nhà trường vẫn cố gắng khắc phục, thi đua dạy tốt, học tốt. Đến năm 2003, Trường TH Phú Định công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1. Năm 2009, trường được công nhận đạt chuẩn lại. Tuy nhiên đến năm 2014 thì trường bị “rớt chuẩn” mà nguyên nhân chính là cơ sở vật chất trường lớp phục vụ công tác giảng dạy và học tập thiếu trầm trọng.

Lớp học mượn nhà văn hóa thôn 6 Phú Định
Lớp học mượn nhà văn hóa thôn 6 Phú Định

Thầy giáo Nguyễn Trung Khánh, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: “Chất lượng dạy và học của nhà trường bảo đảm, được chính quyền địa phương và phụ huynh học sinh ghi nhận, đánh giá cao. Vấn đề chúng tôi loay hoay tìm hướng tháo gỡ từ 5 năm nay là làm sao có đủ phòng học, phòng chức năng cho học sinh nhưng không thể thực hiện. Để tạo điều kiện cho các em theo kịp chương trình, chính quyền địa phương, nhà trường đành phải đi mượn nhà văn hóa thôn làm lớp học”.

Năm học 2015-2016, Trường TH Phú Định có 22 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Tổng số học sinh 235 em, chia làm 5 khối, mỗi khối có 2 lớp. Về cơ sở vật chất, khuôn viên nhà trường rộng trên 10.000m2 nhưng chỉ có 1 dãy nhà 2 tầng 8 phòng học. Khu hiệu bộ có một dãy nhà cấp bốn 5 phòng chật hẹp, trong đó cán bộ, giáo viên chen chúc nhau ở 3 căn phòng chưa đầy 20m2 hoặc phải ra ngồi tại các ghế đá ngoài sân trường để nhường 2 phòng còn lại làm phòng học vi tính và cho 23 em học sinh lớp 2B làm chỗ học tập. Nơi các em học sinh lớp 2B đang học nguyên là Văn phòng Hội đồng nhà trường diện tích 29m2, quá chật hẹp nếu chiếu theo yêu cầu thiết kế trường TH (TCVN 8793:2011) phải bảo đảm tối thiểu 1,25m2/học sinh.

Chúng tôi có mặt tại Trường TH Phú Định nhằm ngày trời mưa, chứng kiến cảnh thầy cô giáo đang chờ đến giờ lên lớp, ghế đá ngoài sân trường ướt mưa, cô thầy đành đứng chen chúc nhau nơi hành lang nhà hiệu bộ. “Chúng tôi cố gắng động viên nhau, cảm thông với nhau rằng tất cả vì tương lai con em chúng ta!” - Thầy Nguyễn Trung Khánh chia sẻ.

Đi mượn nhà văn hóa thôn làm lớp học.

Góc thư viện của các em nằm sâu trong góc nhà văn hóa.
Góc thư viện của các em nằm sâu trong góc nhà văn hóa.

Làm việc với ông Nguyễn Văn Hội, Chủ tịch UBND xã Phú Định, chúng tôi mới vỡ lẽ rằng, câu chuyện Trường TH Phú Định mượn nơi mở lớp không phải chỉ mới năm học 2015-2016 này mà đã có đến 5 năm đi “ở đậu”. “Trước đây, UBND xã cho trường mượn tạm 2 phòng cấp bốn của Hợp tác xã Phú Định. Qua 3 năm, nhà cấp bốn dột nát, hư hỏng nặng. Để bảo đảm an toàn tính mạng cho con em, từ năm học 2014-2015, UBND xã và nhà trường vận động nhân dân thôn 6 cho trường mượn tạm nhà văn hóa thôn làm chỗ học tập cho một lớp học”, ông Nguyễn Văn Hội cho biết.

Nhà văn hóa thôn 6, nơi ngày ngày 23 học sinh lớp 2A dùng làm điểm học tập và vui chơi cũng không còn khang trang. Điều kiện trang thiết bị tối thiểu như khuôn viên, bàn ghế, ánh sáng, hệ thống quạt mát... cũng không đáp ứng tốt cho nhu cầu học tập. Đặc biệt địa điểm nhà văn hóa lại cách xa trường hơn 1km.

Đến thăm lớp học nhằm lúc các em đang trong giờ thể dục, 23 em học sinh lấy dép làm chỗ ngồi bệt xuống sân đất ngập toàn cỏ dại. Cô giáo Nguyễn Thị Lệ, chủ nhiệm lớp 2A, người có thâm niên 16 năm gắn bó với Trường TH Phú Định cho biết: “Các em học sinh học ở đây chịu rất nhiều thiệt thòi vì không có sân chơi, không được tham gia các hoạt động vui chơi, ngoại khóa như các bạn tại điểm trường chính, công tác quản lý các em cũng gặp nhiều khó khăn vì nhà văn hóa không có tường rào. Giờ giấc học tập khá thất thường vì ở nhà mượn, mỗi khi thôn có việc cần họp hành là cô trò phải nghỉ, sau đó học bù vào thứ bảy, chủ nhật. Việc chào cờ đầu tuần thì cứ hai tuần cô giáo đưa các em lên điểm trường chính. Mỗi lần như thế cô trò lại “rồng rắn” đi bộ cả cây số, chào cờ xong lại đưa nhau về, xem như gần trọn buổi học sáng thứ hai. Chính vì các em quá thiệt thòi khi học xa trường nên nhà trường đã chọn giải pháp luân phiên các lớp đến học tại nhà văn hóa cho học sinh đỡ tủi thân”.

Lớp học 2B cũng phải trú tạm tại Văn phòng Hội đồng nhà trường.
Lớp học 2B cũng phải trú tạm tại Văn phòng Hội đồng nhà trường.

Em Nguyễn Thị Thanh Lam, học sinh lớp 2A nói rằng: “Chúng cháu học ở đây buồn lắm, giờ ra chơi chẳng biết chơi đâu... Cháu chỉ muốn được về lại trường cùng với mọi người”. Anh Lê Quang Tiến ở thôn 4, phụ huynh em Lê Quang Tuấn, học sinh lớp 2A chia sẻ cùng chúng tôi: “Các cháu học tại điểm nhà văn hóa thôn 6 quá thiệt thòi, về nghĩa vụ đóng góp phụ huynh chúng tôi chấp hành giống như mọi người, nhưng môi trường giáo dục như hiện tại làm sao chúng tôi yên tâm. Rất cảm thông cho những khó khăn của nhà trường, nhưng chúng tôi vẫn cứ xót xa, mong lắm các cấp, các ngành hỗ trợ giúp trường xây dựng đầy đủ phòng học, các khu chức năng, tạo cho con em học tập trong một môi trường giáo dục toàn diện hơn”.

Đề cập đến tình cảnh học sinh Trường TH Phú Định mượn nhà văn hóa thôn làm lớp học, Chủ tịch UBND xã Phú Định Nguyễn Văn Hội cho biết thêm: “Hiện tại xã đã đạt 11/19 tiêu chí nông thôn mới, cuối năm nay cố gắng hoàn thành thêm 3 tiêu chí nữa, nhưng xem ra xã khó lòng đạt chuẩn nông thôn mới nếu cơ sở vật chất giáo dục thiếu trước hụt sau như thế này. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Phú Định xác định ưu tiên hàng đầu cho giáo dục nhưng xã nghèo, thu ngân sách thấp, nguồn vốn đối ứng không có nên chỉ biết trông chờ vào sự quan tâm đầu tư của cấp trên thôi”.

Không có ngân sách hỗ trợ cho giáo dục, nguồn xã hội hóa giáo dục thấp... xem ra học sinh Trường TH Phú Định vẫn phải còn “ở đậu” nhà văn hóa thôn lâu dài.

Thanh Long

tin liên quan

Trường đại học Quảng Bình tổ chức đêm hội Halloween
Trường đại học Quảng Bình tổ chức đêm hội Halloween
(QBĐT) - Tối 30-10, Khoa Ngoại ngữ, Trường đại học Quảng Bình đã tổ chức đêm hội Halloween với chủ đề "Đêm hội ma quái".
 
Một mô hình sáng tạo của phụ nữ xã Mỹ Thủy
Một mô hình sáng tạo của phụ nữ xã Mỹ Thủy

(QBĐT) - Mặc dù số lượng bể chứa rác chưa nhiều, chỉ 14 bể đặt ở 4 thôn nhưng mô hình "bể chứa rác bên sông Kiến Giang" của phụ nữ xã Mỹ Thủy sau khi ra đời không những đã hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm cho con sông Kiến Giang mà còn giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân nơi đây.

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 11-2015
Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 11-2015

Quy định mới về đăng ký doanh nghiệp; nhiều chính sách cho lao động nữ; gia cố tàu bọc vỏ thép được vay 70% giá trị nâng cấp; hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 11-2015.