Thêm một lần trở lại, ngàn lần thương

  • 07:06, 22/06/2025
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Không biết sau này còn có cơ hội trở lại Trường Sa hay không nhưng tôi biết chắc một điều Trường Sa đã neo lại trong tim tôi, là kỷ niệm không thể mờ phai theo năm tháng.
 
Đi Trường Sa, chị đưa ba đi cùng em à!
 
Người đàn bà có trái tim nhân hậu và đầy xúc cảm ấy là nhà thơ Cát Du. Khi chuẩn bị cho chuyến đi, tôi đã gọi điện dặn chị chuẩn bị hành lý thật đầy đủ để cùng nhau ra đảo tác nghiệp. Chị vui mừng khôn xiết. Trước đó, chị đã có ý định từ bỏ hành trình mà biết bao người ao ước cả đời chưa chắc đã đi được, chỉ vì căn bệnh huyết áp cứ lên xuống thất thường. Giờ có tôi đi cùng, chị yên tâm rồi.
 
Ấy vậy mà, khi lên tàu, người đàn bà có “trái tim rộn rã theo mùa” ấy lại hết sức mạnh mẽ, nhiệt tình. Các chiến sĩ đùa vui, chị cứ chạy tới chạy lui chụp ảnh như thế thì con huyết áp cao cũng sợ mà bỏ chạy mất. Đúng thật, cứ cầm máy ảnh lên là chị biến thành người khác. Mang trên lưng ba lô gần chục ký, chị vẫn thoăn thoắt len lỏi khắp nơi, lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ cho Đoàn công tác số 22.
 
Đoàn công tác số 22 đi từ ngày 13-19/5, khởi hành từ Cảng Cát Lái, TP. Hồ Chí Minh, do đại tá Cao Văn Sơn, Phó Chủ nhiệm Hậu cần-Kỹ thuật Hải quân, Quân chủng Hải quân, làm trưởng đoàn.
 
Lần thứ hai trở lại Trường Sa, tôi đã quen đường đi lối lại, nhưng cảm xúc vẫn vẹn nguyên như lần đầu đặt chân tới. Nào là vịt, gà, lợn…, và cả những hoa văn dưới làn sóng nước, tôi gọi là hoa biển. Lấp lánh, kỳ lạ và cuốn hút. Đá Thị bây giờ còn được điểm tô thêm vườn hoa giấy rực rỡ sắc màu với chiếc cổng trắng thanh nhã để ai đến đây cũng có thể lưu lại vài tấm hình kỷ niệm.
Cùng nhà thơ Cát Du trước khi lên tàu.
Cùng nhà thơ Cát Du trước khi lên tàu.
Một cậu chiến sĩ trẻ hồ hởi dẫn chúng tôi đi thăm vườn rau, vườn hoa và mô hình ngôi nhà xanh phân loại rác bảo vệ môi trường. Trên cầu dẫn vào nhà cấp I trên đảo, tôi được anh Nguyễn Văn Thắng, người Hà Nội, đã có 13 năm gắn bó với biển đảo, tặng một con ốc biển có dòng chữ Kỷ niệm đảo Đá Thị. Lòng tôi rộn lên hệt đứa trẻ lần đầu được quà. Một món quà giản dị chất chứa biết bao tình cảm của người lính đảo.
 
Đang mải mê đọc tấm bảng ghi đảo Đá Thị khởi công ngày 15/3/1995, hoàn thành 25/7/1995, thì tiếng chuông điện thoại bất ngờ vang lên khiến tôi giật mình. Cậu chiến sĩ bộ binh trẻ Văn Thanh Triều, 20 tuổi, nghiêm chỉnh đứng gác giữa trời nắng, vội di chuyển về phía điện thoại nhận nhiệm vụ trực chiến. Hôm đó, cậu trực đến gần trưa mới hết ca. Khi được hỏi có nhớ nhà, nhớ người yêu không, cậu cười hiền, em chỉ nhớ ba mẹ thôi, em chưa có người yêu. Tôi hỏi tiếp, sau này về đất liền em sẽ làm gì, cậu vô tư đáp, em chưa nghĩ ra nữa, em yêu biển đảo lắm, biết đâu lại tìm việc gì gắn bó với nơi này.
 
Trên chuyến xuồng trở về tàu, chị Cát Du hớn hở khoe, chị chụp được những bức ảnh đẹp lắm em ơi! Sao biển lại đẹp đến thế nhỉ! Rồi bất chợt khuôn mặt chị chùng xuống, mắt rươm rướm, chị thương lắm, sao chị thấy nơi này y nhà mình vậy, chị tin ba chị sẽ nghe được tiếng lòng của chị…
 
Ba chị là chiến sĩ chống Mỹ đã mất từ năm 1972 khi chị mới 12 tuổi. Ký ức duy nhất còn lại là lần cùng mẹ đi thăm ba ở khu rừng thuộc xã Tân Vĩnh Hiệp. Ba bước một bước, chị cũng bước theo một bước, không rời. Vì ba đi suốt, ít khi về nhà. Ba chị chưa bao giờ ra Trường Sa, nên chuyến đi này, chị muốn đưa ba theo. Trước ngày khởi hành, chị đã thắp hương khấn ba đi cùng mình.
 
Tôi nghẹn lòng. Như có muối xát vào tim. Đêm đó, tôi viết vội mấy dòng thơ:
 
ba nằm lại trong rừng khi em còn nhỏ
mẹ ôm chặt ba lô bạc sờn
đêm nghe gió từ Tân Vĩnh Hiệp bay về
 
chuyến này em đưa ba ra Trường Sa
con ốc biển vẫn hát bài ca năm mươi chàng trai rẽ sóng
gió nghêu ngao bốn phương
 
đêm nay có anh có ba
kể em nghe câu chuyện rừng và đảo
ánh lên loài hoa trùng khơi
 
Trường Sa ở trong tim
 
Lên đảo Trường Sa Lớn, sau lễ duyệt binh trang nghiêm và phần tuyên thệ 10 lời thề danh dự của quân nhân đầy xúc động, tôi vội kéo đồng đội tìm đến trạm radar vì sợ hết thời gian. Anh Hoàng Minh Đại, quê Bố Trạch, đã có 32 năm trong quân ngũ, và đây là lần đầu tiên anh ra đảo công tác. Anh chia sẻ, suốt 22 đoàn trong năm nay, chỉ mới gặp được một người Quảng Bình, giờ gặp tôi là người thứ hai. Anh mừng lắm, vui vẻ kể về công việc trực chiến và những kỷ niệm ở đảo.
 
Trên đảo Trường Sa Lớn có 6 người Quảng Bình thuộc các lực lượng khác nhau: 2 người là bộ đội biên phòng, 2 người phòng không-không quân, 1 người ở hậu cần kỹ thuật và anh Đại phụ trách trạm radar. Tôi hỏi các anh có hay gặp nhau không, anh cười hiền, chiều nào cũng gặp nhau, ra ghế đá chuyện trò cho vơi nỗi nhớ nhà, nhớ quê.
 
Bỗng có một chiến sĩ quê ở Quảng Trị bước tới chào hỏi. Anh ấy là Dương Hoài Quang. Anh tươi cười, sắp tới em với chị cũng cùng quê rồi. Câu nói làm mọi người cùng phá lên cười. Ai cũng thấy gần gũi như thể mảnh đất quê hương đang rộng thêm ra, cho ta có thêm người thân, thêm thân thương gắn bó. Ngay lúc đó, anh Đại bấm máy gọi điện cho các đồng đội người Quảng Bình trên đảo, ở đây có người quê mình, anh em chạy đến chơi để tiếp quê nì. Lời mời mộc mạc chân tình cuộn trào nỗi niềm thương nhớ quê. Nhờ vậy, tôi gặp được anh Lê Công Tiến đang công tác trong lực lượng không quân. Trò chuyện một lúc, bất ngờ nhận ra anh là người thân quen. Quả đất tròn thật, đi xa thế nào rồi cũng vòng về bên nhau.
Trường Sa đã neo lại trong tim tôi.
Trường Sa đã neo lại trong tim tôi.
Chén trà vừa uống hết thì trời đổ mưa tựa như muốn giữ chân cuộc chuyện trò thêm chút nữa. Mưa tạnh, anh Tiến cùng tôi dắt chiếc xe đạp đến chỗ làm việc để anh tặng hai lá cờ đỏ sao vàng có in chữ “Đảo Trường Sa Lớn kính tặng” cùng dấu đỏ của đảo. Với tôi, đây là món quà vô cùng quý giá và thiêng liêng. Rồi hai anh em tranh thủ dạo quanh đảo: Ghé âu tàu, trung tâm y tế, trạm hải đăng, vườn thuốc nam... Gặp anh Hoàng Minh Thành, đồng hương vừa ra công tác được 4 tháng tại Trung tâm dịch vụ hậu cần-Kỹ thuật (thuộc Hải đoàn 129, Quân chủng Hải quân). Chỉ kịp chụp chung tấm ảnh, bắt tay động viên, rồi trao nhau số điện thoại để hẹn ngày cà phê tại Đồng Hới.
 
Buổi chiều trên đảo Trường Sa Lớn trôi qua thật nhanh. Trước khi rời đảo, tôi ghé chùa để xin chữ ký và con dấu của thầy Thích Nhuận Đạt, trụ trì chùa Trường Sa Lớn. Trước đó tôi và anh Tiến đã đến chùa nhưng không gặp thầy. Khi biết nhiều đại biểu đã được thầy tặng chữ An, chữ Phúc, chữ Vạn sự như ý,… viết trên đá, tôi vừa tiếc vừa hy vọng. Và thật may, cuối cùng tôi cũng được thầy tặng viên đá trắng, khắc thư pháp hai chữ Bình an. Cầm viên đá trong tay, tôi thầm nghĩ, trong cuộc đời, nếu ai cũng giữ được hai chữ này trong lòng thì còn gì quý hơn.
 
Sau hai tiếng văn nghệ giao lưu cùng các chiến sĩ, chúng tôi nhanh chóng trở lại tàu. Tôi hớt hải đảo mắt tìm quanh, chẳng rõ mình đang tìm kiếm gì. Một cảm giác trống trải sắp đánh mất điều gì đó thân thiết không thể gọi tên. Bất chợt, có tiếng gọi vang lên, chị ơi, chị ơi, em là Trâm nè, em tìm chị nãy giờ để ôm chị một cái trước lúc chị rời đảo ạ!
 
Trâm cùng chồng ra đảo sinh sống, bảo vệ biển đảo được hai năm, họ ở tại ngôi nhà số 1. Tôi hỏi thăm gia đình nhà số 4 của Quốc Anh thì Trâm kể gia đình em ấy và bốn hộ dân khác đã trở về đất liền cách đây hai năm. Giờ đảo có bảy hộ mới. Ngay cả thầy giáo Bành Hữu Tình người từng bày tỏ mong muốn ở lại thêm năm năm nay cũng đã trở về. Cảnh vật vẫn đây mà người xưa nay đã vắng. Tôi ôm Trâm thật chặt, chúc em và gia đình luôn vững vàng, hoàn thành tốt nhiệm vụ nơi đầu sóng.
 
Khi tàu hú còi báo hiệu chia tay, tôi lại một lần nữa không kìm được cảm xúc. Hầu hết người dân và chiến sĩ trên đảo đều ra cảng tiễn đoàn. Đứng trên boong, tôi gọi to Trâm ơi như khẳng định tôi đang ở đây cùng mọi người, cùng em. Từ phía đảo, em vẫy tay và hét lên chị ơi em đây. Chỉ một tiếng gọi đơn giản nhưng giây phút này thấy thương đến thế. Ai ở trong hoàn cảnh này mới thấy hết sự thiêng liêng sâu thẳm tình người giữa trùng khơi.
 
Những cánh tay vẫy chào, những câu hát chan chứa nghĩa tình vang lên từ cả hai phía, người trên bờ và người trên tàu chẳng muốn rời xa. Trâm vẫn đứng đó, trong chiếc áo dài trắng chấm hoa, vẫy tay và hát cùng mọi người:
 
“Ngày qua ngày, đêm qua đêm
Chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương
Biển này là của ta, đảo này là của ta, Trường Sa
Dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ ta vẫn vượt qua…”
 
Từ tàu, chúng tôi đồng thanh hát theo và hô vang: “Cả nước yêu Trường Sa!”
 
Từ đảo, các anh chị em đáp lại: “Trường Sa yêu cả nước!”
 
Tàu rời xa dần, tiếng hát cứ thế vang vọng trong đêm đầy lưu luyến. Đến khi âm thanh đã nhòa đi trong sóng gió, chúng tôi vẫn vẫy chào nhau bằng ánh sáng đèn flash từ điện thoại. Những đốm sáng thay lời chưa kịp nói, níu giữ phút giây bịn rịn.
 
Cảm giác tiếc nuối, thương nhớ lúc này được dịp trồi lên, day dứt. Mọi người nhìn nhau không nói gì chỉ có ánh mắt đỏ hoe ngấn lệ từ lúc nào. Không biết sau này còn có cơ hội trở lại Trường Sa hay không nhưng tôi biết chắc một điều Trường Sa đã neo lại trong tim tôi, là kỷ niệm không thể mờ phai theo năm tháng.
Hoàng Thụy Anh

tin liên quan

Kỷ niệm về một bài báo
Kỷ niệm về một bài báo

(QBĐT) - Trong cuộc đời làm báo của mình có những kỷ niệm tôi nhớ mãi, có những đề tài hấp dẫn theo mãi những trang viết. Trong đó, Ngày Bác Hồ về thăm Quảng Bình-Vĩnh Linh (16/6/1957) là một đề tài luôn truyền nhiều cảm hứng cho tôi.

Di tích Tháp chuông nhà thờ Tam Tòa và chuyện về những thanh niên xung phong Thanh Hóa
Di tích Tháp chuông nhà thờ Tam Tòa và chuyện về những thanh niên xung phong Thanh Hóa

(QBĐT) - Tôi được biết, nhà thờ Tam Tòa cũ ở Đồng Hới hiện nay có lịch sử từ cuối thế kỷ XIX.

Bình yên cho em và biển cả
Bình yên cho em và biển cả
Em đã hái những nồng nàn gió thổi
Đi về đâu, biển gọi căng cánh buồm.
 
Những yêu thương làm sao mà xáo trộn
Ngoài khơi xa đâu chỉ cá với tôm.