Phan Đình Tiến, kẻ lậu vé miền thơ

  • 07:05, 18/05/2025
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhà điêu khắc Phan Đình Tiến-Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Văn học-Nghệ thuật (VHNT) Quảng Bình xuất hiện những tác phẩm thơ đầu tiên trên thi đàn từ cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90.
 
Phan Đình Tiến làm thơ không nhiều. Trong hơn 30 năm qua, đâu đó chưa đến 100 bài. Thơ khi điêu khắc, điêu khắc khi thơ, để có những tác phẩm mang cá tính riêng, mỹ cảm riêng. Sau tác phẩm trình làng “Động mả” gây choáng váng công chúng vốn quen với thơ vần điệu, hiền lành, Phan Đình Tiến tiếp tục gây địa chấn miền thơ bởi phong cách riêng lạ, thi ảnh gây sốc chưa từng có: “Những nắm đất nồng nàn nâu sẫm hoàng hôn/Đã mai táng xong ánh ngày khờ dại..../Đêm góa bụa choàng lên không đủ lấp những xác ngày tan vỡ/Oan hồn ngày thao thức mãi đâu đây/Giấy trắng trong xin đắp lên mặt ngày” (Những linh hồn ngày); “Nấm mồ tươi như máu xuân thì”;“em đội mồ lên lừng lững dậy” hay “Câu hát người gánh nước mắt”...
 
Sự xuất hiện “đường đột” một hình thái thơ đảo lộn mọi quy chuẩn hàn lâm đã khiến các nhà thơ thế hệ trước bối rối. Có hồ hởi đón nhận. Có kỳ thị, chối bỏ. Có cổ xúy động viên. Có quay lưng xa lánh, thậm chí phản đối kịch liệt. Rất may, Tiến thừa bản lĩnh và đam mê để đi trên con đường của riêng mình. Tự mình làm thơ cho mình, trước khi dành cho ai đó đọc. Vượt qua định kiến, ngờ vực ban đầu, những bài thơ của anh đã được các báo, tạp chí văn nghệ cả nước đón nhận bởi sự mới mẻ, như: Báo Văn nghệ Trẻ, Tạp chí Sông Hương, Tạp chí Nhật Lệ…
 
Tác phẩm Phan Đình Tiến còn được chọn vào Tuyển tập “700 năm Thơ Huế” bên các tên tuổi lừng lẫy của Thi đàn Việt Nam, 410 năm Thơ Quảng Bình và các tập khác như “Thơ bạn thơ” hay ấn phẩm do Hội VHNT Quảng Bình xuất bản. Lúc bấy giờ, Phan Đình Tiến cùng các tác giả có cá tính sáng tạo như: Văn Cầm Hải, Nguyễn Hữu Hồng Minh… là “hiện tượng” của thơ ca miền Trung nói riêng, cả nước nói chung.
 
Nhà diêu khắc Phan Đình Tiến.
Nhà diêu khắc Phan Đình Tiến.
Năm 2000, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức hội nghị những người sáng tác trẻ, Hội VHNT Quảng Bình dự kiến giới thiệu nhà điêu khắc Phan Đình Tiến tham dự với tư cách là tác giả thơ. Lúc này, tài năng của Tiến đã được giới mỹ thuật cả nước ghi nhận.
 
Cố nhà văn Hữu Phương, nguyên Chủ tịch Hội VHNT Quảng Bình đương thời rất quý trọng Tiến, nhưng không muốn anh say thơ mà sao nhãng điêu khắc nên quyết định giữ Tiến lại với lý do hết sức rõ ràng và có trách nhiệm: “Hãy để cho Phan Đình Tiến tập trung với điêu khắc! Đó là tài năng hiếm hoi của Quảng Bình!”. Ý kiến của cố nhà văn Hữu Phương hoàn toàn đúng. Còn Tiến thì không phải vì thế mà thôi làm thơ. Anh vẫn rộn ràng điêu khắc, cứ tiếp tục đắm đuối thơ như nhu cầu tự thân, không thúc ép, không câu nệ. Bởi, thực ra Tiến làm thơ để đóng dấu tâm trạng chứ không bị rơi vào tâm lý “sáng tác”.
 
Tiến tự cho mình là “kẻ lậu vé”, người ở trọ đời mình “tôi trọ đời tôi”, “thằng tôi lạc loài”, người tự thất lạc bản thân “tôi tìm tôi”, “tôi có còn tôi”… Những dòng thơ viết loằng ngoằng ra giấy là suy nghĩ tại chỗ, tâm trạng hiện tại và cảm nhận trực tiếp của anh về cuộc đời và con người. “Tôi trọ đời tôi”, “Cưới đêm”, “Những linh hồn ngày”, “Tự khúc”, “Đêm thở”, “Rặng buồn”… Mỗi bài thơ một cú rung lắc dữ dội của trái tim. Mỗi bài thơ một câu chuyện. Chuyện nào cũng hun hút tâm tư. Chuyện nào cũng trĩu nặng trăn trở. Chuyện nào cũng đau đáu niềm yêu. Yêu mà rất trần đời.
 
Chuyện đời trong chuyện yêu. Rồi cuối cùng tất cả kết thúc như có, như không. Như đời vốn dĩ là thế! Anh “tự khúc”: “Anh sinh ra trên đồng, trên bãi/Như cuộc đời năn lác lấm bùn chua/Anh phải mỏi cánh khi chưa đủ lông/Tự tập bắt sâu, tự nuôi mình lớn/Nuôi ước mơ có bầu trời phóng đãng/Những đường bay với biên độ khác đồng bầy…”. Khát vọng tự do ấy có thể là nguyên cớ của những trầy xước trong đời Tiến nhưng hình như anh không có ý né tránh khước từ hay băng rịt chạy chữa. 
 
Phan Đình Tiến là nhà điêu khắc nên thơ anh có hình khối. Không gian và thời gian kết tủa hình hài: “Hoàng hôn rụng nắng bên chiều/Ngày đi trĩu nặng gánh ưu trong lòng…”, tâm tư hiện hữu vóc dáng “Nỗi buồn ta cổ thụ/Quả nước mắt trĩu cành/Hàng mi buồn như nghĩa địa/Rủ mềm lên khối hình cạnh sắc/Con đường như tiếng nấc…”.  “Hai ta hai linh hồn khốn khó/Hành trình hương trọ tới sau xưa.” (Tôi trọ đời tôi).
 
Khi Phan Đình Tiến điêu khắc, đấy là những tác phẩm nghệ thuật cách điệu tuyệt cùng nên người xem được tiếp nhận tư tưởng thẩm mỹ đa chiều của tác giả.
 
Phan Đình Tiến thơ lại ở chiều kích khác, có khi chập chờn giữa hư và thực: “Tôi vào quán âm phủ/Ăn bữa cơm trần gian/Những ngón tay thiếu nữ/Mềm tựa làn khói nhang…” (Quán âm phủ). Giữa mộng ảo và trần trụi: “Ái ân với bóng đêm mơ/Thương tôi thân xác bơ vơ lỡ làng…” (Cưới đêm). Lại có khi trực diện đến bất ngờ:  “Thôi, không níu giữ làm gì/Em đâu còn có ngãi nghì gì đâu/Ơi dây dài, ơi giếng sâu/Ngày ta góa bụa một gàu múc lên” (Thôi). Và khoan xoáy đến buốt rát: “Một rặng buồn rũ theo ta mãi miết/Trời quá xanh và nắng quá trong/Tìm một hạt sương/Ta tìm một hạt/Ta tìm ta khô máu chặng đường…” (Rặng buồn).
 
Người nghệ sĩ Phan Đình Tiến không ngại dấn thân vào dòng đời và sẵn sàng mở rộng hình hài phong sương của mình ra bao bọc, vỗ về đau khổ mà không màng đến thiệt hơn, toan tính. Tiến viết bài thơ “Biển đắng” trong một buổi trưa Nhật Lệ chang chang nắng: “Ta về thôi em dù trời đổ nắng/Dù không mây che/Chẳng cần là nắng bóng đổ vào nhau/Ta về thôi em/Dù là đêm tối dù là bão giông/ Nếp nhà chật chội/Ngọn lửa cạn dầu/ta đốt cho nhau…”.
 
Lời thủ thỉ hẹn hò với cô gái cô đơn bên bờ biển được cất lên hồn nhiên từ trái tim đa cảm, chia sẻ của người biết đau với người đang đau. Tâm hồn thương tổn, trái tim bầm dập, thân thể trầy xước “Tiếng cười phía sau/ Tiếng khóc phía trước”, trong thơ Tiến có những cụm từ mang hình hài nước mắt “gánh nước mắt”, “ly rượu ngâm nước mắt”, “toa nước mắt” hay những cụm từ trĩu nặng tâm trạng ưu tư,  nhưng anh chưa bao giờ thôi yêu cuộc sống, chưa bao giờ thôi thương những yếu mềm, chưa bao giờ hết mê say xinh đẹp. Càng đau Tiến càng yêu. Càng yêu anh càng “phiêu” điên cuồng vào tác phẩm. Bởi vì quá yêu nên dù đau, dù ở trạng huống nào, anh vẫn thấy đời đẹp,  vẫn “Hát ca và tạ ơn”.  
 
Thấy yêu thương từ phụ bạc phũ phàng: “Xin đừng lạc vũng lầy phụ nghĩa/Phía tôi đi sũng ướt chân trời/ Em là cỏ sao không hiền như cỏ/Thảm non xanh nhọn sắc hơn chông…”. Thấy lộng lẫy từ đau buồn, đơn độc: “Bước chân ai nhè nhẹ tìm nhau/Vươn tán buồn ta che dịu niềm đau”.Thấy mỹ cảm từ nhục thể: “Lời đêm thủ thỉ mặn mà/Mắt đêm nghiêng ánh trăng ngà tái tê/Ôm đêm trong cõi đê mê/Gối mây trinh tiết dầm dề sương tơ”.
 
Phan Đình Tiến tự nhận bản thân “Đình điêu điên đạt độ đỉnh!” (Đình Tiến, Điêu khắc). Những người hiểu anh nói rằng, vậy mới là Tiến! như là sự chấp nhận cá tính “biệt dị” mà nhân văn của anh.
 
Một câu hỏi tu từ cũng là câu trả lời riêng: “Đắng cay nào đủ cho anh làm thơ/Đau đớn nào đủ cho anh làm thơ” (Thế giới thơ), Phan Đình Tiến ngấm những cơn đau, cuồng những cơn yêu trên dằng dặc chuyến đời để làm kẻ lậu vé miền thơ!
Trương Thu Hiền

tin liên quan

Người con Quảng Trị lưu luyến mảnh đất Quảng Bình
Người con Quảng Trị lưu luyến mảnh đất Quảng Bình

(QBĐT) - Có một người con Quảng Trị đã dành nhiều tình yêu sâu nặng cho mảnh đất Quảng Bình mến thương và truyền tải tình cảm chan chứa đó vào trong từng lời ca, điệu nhạc. Đó chính là cố nhạc sĩ Trần Hoàn, người luôn xem Quảng Bình như quê hương thứ hai và luôn gắn bó, lưu luyến với đất và người nơi đây.

Gặp cựu chiến binh Quảng Bình ở Trường Sa
Gặp cựu chiến binh Quảng Bình ở Trường Sa
(QBĐT) - Thân thương giọng Quảng Bình
ngọt ngào hò khoan Lệ Thủy
cựu chiến binh Hải quân năm xưa hành trang suy nghĩ
lưng còn phơi nắng gió Trường Sa
Còn quê
Còn quê

Thương về

Mái lá phên tranh

Nhặt lời ru mẹ

Kết thành ca dao