Đọc "Họ đã sống như những anh hùng" của Hoàng Minh Đức
07:05, 25/05/2025
(QBĐT) - Hoàng Minh Đức vừa cho ra mắt tập truyện ký Họ sống như những anh hùng (NXB Thuận Hóa, 2025). Tôi đọc Họ sống như những anh hùng với trí tò mò và lòng ham hiểu biết. Hầu hết những truyện ký ở tập sách này đã được đăng tải rải rác trên các tờ báo và tạp chí từ địa phương đến Trung ương. Phải thừa nhận Hoàng Minh Đức là một cây bút vừa xông xáo vừa cần mẫn, khiến tôi và bạn bè hết sức nể phục.
Viết truyện ngắn đã khó, viết truyện ký cũng không dễ chút nào. Tôi có cảm nhận, truyện ký của Hoàng Minh Đức chất ký có phần lấn át chất truyện. Anh chú tâm ghi lại một cách trung thực những người thật việc thật, không tô vẽ, không hư cấu thêm thắt như khi viết truyện ngắn. Các nhân vật trong tập truyện ký này phần lớn là ở làng Minh Lệ, xã Quảng Minh, huyện Quảng Trạch (nay là TX. Ba Đồn)-quê hương của Hoàng Minh Đức. Một số nhân vật khá nổi tiếng trong Họ sống như những anh hùng cũng đều là con em quê hương Quảng Bình như Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tư Thoan, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Tri Phương.
Bìa tập truyện ký “Họ sống như anh hùng”.
Thời kháng chiến chống Pháp, ở Quảng Bình nổi lên hai địa phương: Cảnh Dương và Cự Nẫm. Để viết được truyện ký Làng chiến đấu Cự Nẫm, đòi hỏi tác giả phải sưu tầm một số tài liệu liên quan và phải đến tận nơi để hỏi han, để được mắt thấy tai nghe. Cự Nẫm là một xã ở phía tây bắc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Vào đầu tháng 3 năm 1947, Cự Nẫm rào làng chiến đấu. Nếu không dày công tìm hiểu, Hoàng Minh Đức làm sao biết được: “Hàng rào làm bằng các lớp tre ngà gai nhọn bao bọc lấy tuyến 2 và tuyến 3, mỗi tuyến cách nhau từ 20-30m. Giữa các tuyến có các trận địa chiến đấu và hào giao thông nối ra ngoài. Tính đến ngày 17/5/1947, giặc Pháp đã tổ chức 5 cuộc hành quân lớn, nhỏ đánh vào Cự Nẫm. Lần nào chúng cũng phải bỏ chạy và để lại nhiều xác chết”. Chính người Cự Nẫm cũng ít ai biết một cách tường tận như vậy.
Cũng viết về cuộc kháng chiến chống Pháp, Hoàng Minh Đức trong thiên truyện ký Người chiến sĩ Điện Biên năm xưa đã tái hiện lại từng chi tiết về chiến dịch lịch sử ấy qua lời kể của ông Nguyễn Văn Bữu ở xóm 2, thôn Bắc, làng Minh Lệ. Phải là người trong cuộc, ông Bữu mới biết được: “Trận hiệp đồng tác chiến xuất sắc của bộ binh và pháo binh ta rất đẹp. Trung tá Pirốt-chỉ huy pháo binh của địch ở Điện Biên Phủ, kẻ từng huênh hoang tuyên bố Không một khẩu pháo nào của Việt Minh có khả năng bắn 3 loạt mà không bị phát hiện đã tự tử”. Phải là người trong cuộc, ông Bữu mới biết một cách tường tận: “Ngày 26/4/1954, Đại đội 9 Angieri đột nhập vào những chiến hào tiếp cận của Trung đoàn. Ban đầu theo báo cáo của thám báo Pháp họ tưởng bên ta chỉ có một chiến hào, nhưng thực tế họ lọt vào giữa 2 tuyến chiến hào của ta, liền hoảng hốt yêu cầu cứu viện”. Thiên truyện ký này của Hoàng Minh Đức giúp tôi hiểu đầy đủ và sâu sắc hơn về đất nước và con người Việt Nam.
Trong Họ sống như những anh hùng, Hoàng Minh Đức ghi lại những câu chuyện không thể nào quên về Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tư Thoan trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trên đất lửa Quảng Bình. Ông Nguyễn Tư Thoan có những đóng góp vô cùng to lớn, được nhân dân ghi nhận. Ông từng “cứu” cả một đoàn xe pháo cao xạ và tên lửa khi đi bộ từ xã Bắc Trạch lên địa phận Cây Lim (xã Lâm Trạch) trao công điện khẩn để đoàn xe pháo và tên lửa kịp thời di chuyển đến nơi an toàn. Trong thiên truyện ký Rào Nan ơi mùa xuân về, Hoàng Minh Đức thuật lại cuộc họp quan trọng bàn việc khởi công công trình thủy lợi Rào Nan. Trong cuộc họp đó, Bí thư Nguyễn Tư Thoan có quyết định vô cùng quan trọng. Nhờ có đập Rào Nan, vùng Nam Quảng Trạch được mùa mấy chục năm liền. Ông không chỉ có công xây dựng đập Rào Nan mà còn có công xây dựng các đập Cẩm Ly, Đá Mài, Mỹ Trung…
Thiên truyện ký Người chiến sĩ công an ba lần được gặp Bác Hồ, Hoàng Minh Đức viết về đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Tri Phương. Ông Phương quê ở xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Trận đánh ngày 28/4/1965 của tàu hải quân ta với máy bay Mỹ vô cùng ác liệt. Bốn tàu của ta lần lượt bị bắn cháy sau khi ngoan cường bắn rơi 5 máy bay giặc Mỹ và làm bị thương 4 chiếc khác... Khoảng 3 giờ chiều, chiếc tàu cuối cùng trúng đạn. Ông Phương liền thả những cây tre ở các bè tre để các chiến sĩ bị thương nhẹ bám lấy kéo vào bờ, rồi chèo thuyền dưới làn mưa đạn ra tàu cứu các chiến sĩ bị thương...
Thời chiến tranh ác liệt, nơi nào có bom dội, nhà cháy, sập hầm, người bị thương, người chết là ông Phương có mặt. Trận bom ngày 18/9/1972, sát hại 18 người, trong đó có 4 người là bố đẻ, bố vợ và con gái ông. Thượng tá, tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Hồng (công tác tại Phòng Đào tạo, Học viện An ninh nhân dân) tâm sự:“…Ba tôi, một con người bình dị và một nỗi đau canh cánh bên lòng. Đã bao lần tôi thấy ba tôi lặng đi bên bức ảnh của những người thân yêu, mà chiến tranh đã nhẫn tâm cướp mất hạnh phúc và sự ấm êm của một mái ấm gia đình…”. Là người cùng quê với anh hùng Nguyễn Tri Phương, tôi vô cùng xúc động khi đọc thiên ký sự này.
Thời chiến tranh chống Mỹ, ở đất lửa Quảng Bình, bến phà sông Gianh là một trong những nơi bị quân giặc bắn phá ác liệt nhất. Trong khi làm nhiệm vụ đưa phà về cập bến, anh Võ Xuân Khuể không may bị thương nhưng vẫn không chịu rời tay lái. Anh được phong tặng danh hiệu anh hùng và được đi dự Đại hội Liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới lần thứ X diễn ra tại Berlin-Đức (Người anh hùng trên bến phà Gianh).
Ngoài ra, trong Họ sống như những anh hùng còn có những người “anh hùng” thầm lặng. Đó là bà Hoàng Thị Thiệu. Khi được Đảng ủy phân công làm chủ nhiệm Hợp tác xã Tây bắc Minh Lệ, dù trong tay không có một đồng nào bà Thiệu vẫn dám đứng ra đảm nhận công trình xây dựng nghĩa trang liệt sỹ của xã. Những năm trên bom dưới đạn, bà đã huy động thanh niên tòng quân, dân công trong xã tham gia làm thủy lợi kênh mương Rào Nan vượt quân số trên giao. Về nghỉ hưu, bà lặng lẽ sống hòa mình cùng cộng đồng dân cư, bà con lối xóm. Ngay người trong làng không mấy ai biết bà đã từng là đại biểu Quốc hội khóa III và đã nhiều lần được gặp Bác Hồ (Người đại biểu Quốc hội ở xóm tôi).
Đó là ông Hoàng Hữu Thanh từng giữ chức Bí thư Đảng ủy, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Trường sư phạm (10+3) Quảng Bình-ngôi trường đã đào tạo một đội ngũ giáo viên cấp 2 thế hệ vàng (Ba tôi với các trường sư phạm Quảng Bình). Đó là phó giáo sư, tiến sĩ Trần Hữu Bình đã tham gia chủ biên và đồng chủ biên 16 giáo trình, sách chuyên khảo chuyên ngành tâm thần học và y học nói chung. Đó là giáo sư, tiến sĩ Trần Nghi, sau 4 năm nghiên cứu sinh tại Ru-ma-ni, năm 1982, anh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Trường đại học Tổng hợp Bu-ca-rét. Về nước, anh làm chủ nhiệm khoa và Phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học tự nhiên, Đại học quốc gia Hà Nội. Trên con đường nghiên cứu khoa học, anh đã viết 16 đầu sách, trong đó có cuốn Trái đất và kho báu của nhân loại (Chuyện một gia đình tiến sĩ)…
Với Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Hoàng Minh Đức viết liên tiếp 4 bài báo. Có một năm, anh viết 2 bài: Báo xuân cho Báo Quảng Bình và Tạp chí Văn hóa Quảng Bình. Một bài về cuộc đời Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và một bài về cụ bà Đặng Thị Cấp-người mẹ, người bà của 3 vị tướng. Anh viết về cảnh Trung tướng “đứng lặng hàng giờ trước mộ của người con trai Nguyễn Tiến Quân hy sinh khi bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Trung tướng đã khóc khi người lính lái xe gục xuống trước vô lăng khi đưa hàng ra mặt trận bị máy bay Mỹ đánh trúng. Trung tướng khóc khi không tìm ra cách gì để trị loại máy bay AC130 dùng tia hồng ngoại để bắn cháy cả một đoàn xe vào ban đêm” (Nhớ bác Đồng Sỹ Nguyên).
Đặc biệt, khi viết về bà ngoại của anh, bà mẹ đã sinh ra người con trai Trần Minh Khiêm từng đưa 81 hộ dân ở làng Minh Lệ vào Cự Nẫm, làm Chủ tịch và lãnh đạo xã đạt danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bà đã tham gia chặt gỗ quốc phòng cho bộ đội làm công sự, “một người phụ nữ bình thường như bao bà mẹ miền Trung khác, sống chịu thương, chịu khó biết hy sinh núm ruột của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ non sông” (Bà ngoại tôi).
Có thể khẳng định, tập truyện ký Họ sống như những anh hùng của Hoàng Minh Đức, bằng lối viết dung dị, chứa nhiều tư liệu quý hiếm, giúp cho thế hệ trẻ hiện nay hiểu đầy đủ hơn, sâu sắc hơn đời sống, tính cách, sự hy sinh thầm lặng của lớp người đi trước trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
(QBĐT) - Anh Nguyễn Công Xuân ở xã Hoa Thủy, huyện Lệ Thủy đưa tôi lướt qua những vuông lúa đang độ chín. Gió thơm mùi lúa, nồng nàn hương phù sa. Trong những lùm cây ven bờ cỏ, líc ríc tiếng lũ chim non mới nở. Mùa lúa chín gọi chim về làm tổ. Hạc Hải bắt đầu những ngày vui.
(QBĐT) - Mùa gặt, những cánh đồng lúa vàng rực trải rộng ngút tầm mắt. Lúa thơm vàng óng, sông nước hữu tình và cả những tất bật, hối hả của ngày mùa làm cho cảnh sắc nông thôn càng thêm sống động, tươi mới.
(QBĐT) - Đại tá, bác sĩ Phạm Đình Phú là con rể Quảng Bình. Vợ ông là Nguyễn Thị Diệu Mỳ, quê ở phường Quảng Phong (TX. Ba Đồn). Năm 1972, cô văn công Tỉnh đội Quảng Bình phục vụ tại Viện Quân y 112, nơi bác sĩ Phạm Đình Phú đang công tác. Mối tình nảy nở từ đó và sau năm 1975, hai người "về chung một nhà".