(QBĐT) - Cầm trên tay ấn phẩm thơ xinh như một tấm thiệp mừng ngày Tết, tôi không thể không thốt lên thành lời: “Dễ thương quá!”. Lật giở từng trang sách đẹp, đọc mỗi vần thơ hay, tôi thầm nghĩ về những điều tốt lành mà mùa xuân đã đem đến cho tất cả chúng ta, nhất là giới văn nghệ sĩ trên quê hương xứ Lệ.
Đó là tập Thơ Lệ Thủy mừng Đảng-mừng xuân Ất Tỵ của Chi hội Văn học nghệ thuật Lệ Thủy. Sách do Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành vào tháng 10/2024. Tập thơ là tiếng lòng thao thiết, rạo rực đầy mê luyến của những tâm hồn thi sĩ đối với Đảng và mùa xuân. Nói khác đi, Đảng và mùa xuân chính là nguồn cảm hứng bất tận cho sự sáng tạo không ngừng nghỉ của đội ngũ văn nghệ sĩ trên quê hương Đại tướng.
![]() |
Tập thơ là nơi hội tụ của 45 tác giả thuộc Chi hội VHNT Lệ Thủy và một số địa phương khác trong tỉnh Quảng Bình. Với 79 bài “thơ dâng” gói ghém trọn vẹn nghĩa tình; những tâm tư, cảm xúc, hoài niệm; sự tự hào, lòng biết ơn đối với Đảng quang vinh, với tình xuân bất tận. Có thể nói, tập thơ là một món quà vô giá ra mắt bạn đọc gần xa trong dịp Tết đến, xuân về.
Nhắc đến mùa xuân, lòng mỗi người dân Việt lại cháy lên niềm tự hào về Đảng quang vinh, về Bác Hồ muôn vàn kính yêu! Bởi “Đảng ta là vị cứu tinh/Đảng đưa ánh sáng niềm tin cho đời” (Đảng ta-Nhật Nam). Trong tăm tối của ngục tù và sự đọa đày, Đảng đã soi đường chỉ lối, vạch ra con đường cách mạng chiếu sáng đường đi cho cả dân tộc:
“Đảng là ánh sáng vầng dương
Xua tan đêm tối, mở đường
đấu tranh
Băng qua trăm thác vạn ghềnh
Đảng về đem cả mùa xuân
cho đời”
(Nghĩ về Đảng-Võ Văn Hà)
Càng tự hào về Đảng, chúng ta lại càng nhớ ơn người sáng lập và rèn luyện Đảng ta. Nhiều bài thơ trong tập thơ thể hiện tình cảm thiêng liêng, sâu nặng đối với Bác Hồ: “Mùa xuân đất nước đến rồi/Lòng con xao xuyến bồi hồi Bác ơi!/Nhớ ánh mắt sáng nụ cười/Bao la vầng trán, dáng người thanh tao” (Nhớ Bác-Nhật Nam). Thiêng liêng thay, xúc động và tự hào thay là phút giao thừa được nghe thơ Bác! Nhà thơ Hoàng Đại Hữu đã phải thốt lên trong niềm vui sướng tột cùng:
“Ngỡ như lời non sông
Giọng ân tình mộc mạc
Nghe thấm thía từng dòng
Lời Bác-lời non sông”
(Giao thừa nghe thơ Bác-Hoàng Đại Hữu)
Về Lệ Thủy thăm nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Về Lệ Thủy nghe điệu hò khoan. Về để hòa mình vào không khí lễ hội truyền thống bơi đua, về để đắm mình trong làn nước trong xanh của dòng sông Kiến trữ tình: “Hơn một làn điệu dân ca/Hò khoan hồn cốt quê nhà của tôi/Bao đời tự thuở nằm nôi/Chất người Lệ Thủy ngấm rồi điệu thiêng” (Hò khoan Lệ Thủy-Thai Sắc).
Tự hào về mảnh đất địa linh nhân kiệt, nhiều nhà thơ đã bày tỏ lòng biết ơn, sự kính trọng đối với cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Đại tướng lớn lên trong tiếng hò khoan/Gạo trắng, nước trong, cánh đồng xứ Lệ/Những câu chuyện đêm đêm mẹ kể/Lòng yêu nước thương nòi, truyền thống của cha ông” (Đại tướng của lòng dân-Hoàng Minh Đức).
Quê hương Quảng Bình ôm Đại tướng vào lòng, để rồi Lời ru từ Vũng Chùa cứ mỗi sớm mỗi chiều lại ngân nga: “Bây giờ Thánh đã đi xa/Vẫn mang tình cảm đậm đà lòng quê/Biển nhà nhẹ sóng vỗ về/Lời ru dịu ngọt bốn bề bình yên” (Kim Cương). Về Lệ Thủy, đến thăm nhà lưu niệm Đại tướng, Lê Bá Chương không giấu nỗi niềm xúc động, tự hào về thanh thế và sự nghiệp lừng lẫy: “Đất quê sinh dưỡng tướng tài/Song toàn văn võ mấy ai sánh bằng/Vinh danh rạng rỡ tên vàng/Lẫy lừng quốc sử, huy hoàng năm châu” (Thăm nhà Đại tướng-Lê Bá Chương).
Bơi đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang đã trở thành di sản phi vật thể cấp quốc gia, để từ đó, cứ mỗi độ thu về, con em Lệ Thủy và du khách thập phương nô nức về đây vui mùa trẩy hội: “Lễ hội này em có về không?!/Dòng Kiến Giang đã bắt đầu dậy sóng/Tiếng trai làng “hô lên” hòa tiếng trống/Ngọn cờ bay, tình Đại tướng chan hòa” (Lễ hội này em có về không?!-Đỗ Đức Thuần).
Về Lệ Thủy để cảm nhận hết những ân tình của mảnh đất tình người mộc mạc, thủy chung. Về để gửi gắm những ước mơ, diệu vợi… Đó là những cung bậc cảm xúc trào dâng mà độc giả dễ dàng bắt gặp trong mỗi câu vần lung linh tỏa sáng:
“Mời anh về Lệ Thủy quê em
Dòng Kiến Giang trong xanh
nước biếc
Vang nhịp hò khoan ngược
xuôi Mũi Viết
Văn võ song toàn -
Võ Đại tướng lừng danh”
(Mời anh về xứ Lệ-Nguyễn Đại Duẫn)
Lệ Thủy là miền quê của những mùa hoa. Mỗi độ xuân về, đôi bờ Kiến Giang mang nặng phù sa, những chùm hoa bún, hoa giêng giếng, hoa cải… nở vàng trong nhung nhớ, mê say: “Gặp bên đường bông gạo đỏ tháng ba/Chợt nhớ mùa này hoa bún vàng cũng nở/Kiến Giang quê tôi bên bồi bên lở/Dòng xanh bao đời sông chở màu hoa” (Hoa bún Kiến Giang-Đặng Hiếu Dân). Với nhiều người, hoa giêng giếng đã trở thành miền ký ức đẹp, nơi lưu giữ kỷ niệm khó phai mờ về mối tình đầu trong trắng, thơ ngây: “Hoa cải bên sông ngẩn ngơ bướm trắng/hoa giêng giếng vàng thương lắm… em ơi!” (Mùa giêng giếng ven sông-Đặng Hiếu Dân).
Sau bao nhiêu thăng trầm dâu bể, sau những vấp ngã, đắng cay hay ngọt bùi hạnh phúc, đặt chân lên mảnh đất quê hương xứ Lệ, mỗi chúng ta đều sẽ cảm nhận được sự bình yên, trong xanh và thanh khiết đến lạ lùng!
“Ôi làng xưa
Con đi mãi không hết trang
cổ tích tuổi thơ
Sợi dây cố hương cho con một
nơi trở về
Không hình sắc mà nhiều
hình sắc
Tình quê nở từ vườn xưa
bát ngát
Hạt lại gieo…”
(Vườn cũ-Bùi Thị Diệu)
Và, ấn phẩm Thơ Lệ Thủy mừng Đảng-mừng xuân Ất Tỵ xứng đáng là nơi hội tụ của những gì đẹp nhất, tinh túy nhất, đẫm chất thơ, chất đời nhất mà lực lượng văn nghệ sĩ quê nhà muốn dâng lên, thay cho lời tri ân đối với quê hương sâu nặng nghĩa tình. Đúng vậy! Không nơi đâu sâu nặng nghĩa tình và đẹp tươi như làng cũ vườn xưa!
Đỗ Đức Thuần