(QBĐT) - Trong ký ức tuổi thơ tôi, căn bếp nhỏ của ngoại lúc nào cũng thấp tối và giăng đầy bồ hóng. Ở đó luôn có một chiếc giỏ mây đựng muối hạt treo lủng lẳng phía trên lò củi. Muối hong lâu ngày bởi khói nóng khô giòn lại, chỉ cần bóp mạnh tay một chút sẽ mịn tơi. Đó là thứ gia vị chủ yếu để ngoại luộc rau, nấu canh, kho cá, dầm mắm, ướp cà...
Tôi nhớ dáng ngoại lom khom trong căn bếp ấm áp, nhớ bóng bà lúi húi bên vại cà bát ngâm trường ngoài hiên, nhớ những món ăn không màu mè mà ngọt ngào của ngoại. Tất cả tinh khiết đến tuyệt vời! Với ngoại, muối là phần đủ của gia đình.
Trong đời sống người Việt Nam, muối có giá trị kinh tế và ý nghĩa văn hóa, tâm linh sâu sắc. Người giàu sang cũng như người nghèo khó, không thể không có muối cũng như không thể không có gạo. Lễ nhập trạch vào nhà mới, dù nhỏ hay to cũng phải có hũ muối, thùng gạo đặt nơi trang trọng của căn bếp. Trên mâm cơm ngày kỵ giỗ tổ tiên ông bà, dâng cúng thổ thần đất đai không bao giờ thiếu đĩa muối, bát gạo. Muối đem lại may mắn cho mỗi gia đình. Tục mua muối đầu năm “Đầu năm mua muối. Cuối năm mua vôi” từ xưa đến nay không nằm ngoài ý nghĩa đó.
![]() |
Mua muối đầu năm là rước sự may mắn hanh thông vào nhà khi năm mới đến. Cái mặn mòi của muối còn được ví với tình yêu đôi lứa chung thủy sắt son “Muối ba năm, muối đang còn mặn. Gừng chín tháng, gừng hãy còn cay. Đôi ta tình nặng nghĩa dày. Có xa nhau đi nữa, ba vạn sáu ngàn ngày mới xa”.
Muối là thứ hàng hóa thuộc loại rẻ nhất trong các nhu yếu phẩm nhưng lại quan trọng bậc nhất với con người. Bởi vậy, dù trải qua bao thăng trầm thời cuộc, dù lên xuống thương trường, dù lúc thịnh lúc suy nhưng nghề muối vẫn luôn tồn tại trong đời sống kinh tế xã hội.
Xã Quảng Phú (Quảng Trạch) là địa phương duy nhất ở Quảng Bình chung thủy như nhất với diêm nghiệp. Diêm dân nơi đây cần mẫn cày ruộng mặn để có muối, cũng như người nông dân chăm chỉ cày ruộng ngọt để có lúa. Muối là “gạo” trắng của nước. Lúa cho gạo trắng của đất. Bao đời nay muối và gạo nuôi sống người dân trên suốt dải đất này.
Đồng muối xã Quảng Phú có tự bao giờ? Thời gian xác định nghề muối của làng có thể bắt đầu từ những năm 1470, khi Vua Lê Thánh Tông nam chinh qua cửa biển Di Luân đã để lại nơi đây bài thơ “Di Luân hải tấn”, đề rằng: “Hoành Sơn tây vọng thị Di Luân/Diểu diểu bình sa tiếp hải tần/Yêu thủy sa đầu phân dịch thứ/Phong đào giang thượng kiến quan tân/Tề diêm trường phố yêu thương khách/Lỗ tửu bôi bàn túy thị nhân…” (Nghĩa là: Trông về phía Tây Hoành Sơn thấy cửa Di Luân/Mù mù bãi cát bằng, liên tiếp nối liền bờ biển/Khói nước ở đầu ghềnh chia đôi trạm dịch/Gió sóng trên sông dựng ra nơi bến đò ải quan/Ruộng muối như thời Tề rộng lớn đó mời khách thương/Rượu như rượu nước Lỗ vẫn làm say khách phố chợ…”). Bài thơ là bức tranh tả cảnh nên thơ, trữ tình, với những nét chấm phá cơ bản về đời sống của cư dân sở tại. Trong đó có những ruộng muối rộng lớn. Như vậy cho đến nay, đồng muối Quảng Phú đã có khoảng hơn 600 năm bên cửa biển Di Luân.
Ngược thời gian, nghề muối xã Quảng Phú cũng từng rơi vào tình trạng sa sút chung của diêm nghiệp cả nước, cũng qua thời kỳ bĩ cực tưởng sẽ bị thất truyền. Diêm dân cất cào, cất xẻng, cất xe vào kho. Người sắm cưa, sắm rìu vào rừng khai thác gỗ. Người bước từ đồng mặn sang đồng ngọt trồng lúa kiếm hạt thóc nuôi sống gia đình. Người ly hương lên thành phố làm các công việc mới… Để lại đồng muối bên sông Loan đìu hiu gió cát. May không như những vùng muối khác trong tỉnh, bỏ là bỏ hẳn. Diêm dân Quảng Phú cho ruộng nghỉ chứ không xóa ruộng.
Kiên nhẫn cầm cự qua bao biến động, đến nay, xã Quảng Phú có diện tích đồng muối ổn định hơn 70ha, với trên 260 hộ diêm dân, sản lượng mỗi năm ước tính đạt khoảng 5.000-7.000 tấn. Hẳn rằng, đó là con số đáng vui, nhưng để có được những vun muối trắng tinh, diêm dân phải chạy đua cùng nắng cùng mưa, năm tao bảy bận với ruộng hồ ô thửa, với nước vào nước ra, với lắng lọc ngâm phơi ngày qua ngày lại, rồi trông trời trông đất trông mây, trông cho nắng thiệt là nắng, gió thiệt là gió, khô thiệt là khô. Và cầu mong những cơn mưa cũng đừng kéo đến phũ phàng bất chợt. Nghề làm muối xưa nay vốn vậy, cứ phải đẩy đến tận cùng khốc liệt mới kết tinh hình hài, mới mặn mòi khí chất.
Nghề muối Quảng Phú khác biệt ở chỗ không dùng nước biển trực tiếp như thông thường mà dùng nguồn nước lợ ở cửa sông Loan. Vậy nên, hạt muối có màu riêng, vị riêng, chất riêng. Trắng mà không đục. Mặn mòi mà thanh tao. Đậm đà mà không chát chúa.
![]() |
Tháng chạp tôi lại về đồng muối. Sau những ngày đông lạnh giá và ẩm ướt, nắng bừng lên ấm áp hanh khô. Thời điểm nắng cao độ nước trời lồng lộng là điều kiện tốt nhất cho nghề muối. Diêm dân sẽ làm việc trong không gian ấy cho đến khi mặt trời khuất sau núi Phượng. Liên tục suốt ngày, càng nắng càng khẩn trương bận rộn. Muối kết tinh trên vai áo. Trắng và trắng. Giọt mồ hôi rơi xuống cay xè đôi mắt, nóng chát đôi môi. Mặn và mặn. Nhìn trên cao, cánh đồng chuyển động, biển ảo, luân hồi.
Bên này là đồng mặn, mỗi ô một cung sắc ngời lên vừa rộn ràng vừa lộng lẫy. Bên kia là ruộng ngọt đang kỳ đổ ải chờ ngày xuống mạ, rợn ngợp kéo dài vào chân núi. Hàng trăm ô nền trải phơi miên man dưới ánh trời lung linh vàng sánh. Những vuông nước phẳng lặng như tráng gương kiên nhẫn đợi chờ mối giao hòa muôn thửa của nắng gió để hoài thai tinh thể. Những mặt ruộng trắng ngời như phủ tuyết. Những vun muối chờ được thu gom xuất bán đi muôn nơi.
Dưới ánh nắng ban trưa, hơi nước từ mặt ruộng bốc lên, mồ hôi trên lưng áo rơi xuống, chưa kịp ướt đã khô! Những vạt áo phơi nắng, phơi gió, ướp muối mà bạc phai. Vất vả, khó nhọc vậy nhưng phải tranh thủ để có muối mới xuất bán ra thị trường, đặng có thêm chút tiền vui xuân đón Tết!
Cũng như ngoại năm xưa, mẹ tôi linh thiêng muối. Ngày đi chợ Tết, tùy số tiền mà mua sắm ít nhiều, đôi ba thức món trưng trổ màu mè có cũng được thiếu chẳng sao, riêng muối là thứ bà không bao giờ quên. Muối Tết là muối mới. Không phải hàng lưu trữ trong kho ngã màu trắng đục mà là muối vừa kết tinh khi tháng chạp dào dạt gió xuân về, ấm thơm mùi nắng, trắng ngời lên như trong đó có ánh trời chưa kịp tắt. Mẹ bảo, muối ấy mới đủ tinh khiết dâng cúng tổ tiên ông bà, thổ thần đất đai ngày Tết.