Gìn giữ cho đời sau

  • 02:01, 31/01/2025
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Như những lớp trầm tích được kết tinh theo dặm dài lịch sử, như mạch nguồn nuôi dưỡng khí phách, hồn cốt quê hương, dân tộc, văn hóa dân gian (VHDG) nói chung, VHDG của đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) nói riêng mang giá trị vô cùng lớn lao. Để có thể trường tồn cùng thời gian, những giá trị ấy cần được gìn giữ, bảo tồn, phát huy và điều đó phụ thuộc rất nhiều vào thế hệ trẻ. Việc đưa VHDG của ĐBDTTS vào trường học sẽ là cơ sở, tiền đề để hiện thực hóa sứ mệnh cao cả ấy.

“Gieo mầm” tình yêu với văn nghệ dân gian

15 phút sinh hoạt đầu giờ của lớp 10B, Trường phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) tỉnh hôm nay là phần truyền dạy các tiết mục văn nghệ dân gian (VNDG) do em Cao Thị Dung (SN 2009), thành viên Câu lạc bộ (CLB) Sinh hoạt VHDG của nhà trường thực hiện. Tay cầm phách nhạc, cô học trò nhỏ say sưa, đắm mình theo từng câu hát sắc bùa, làn điệu mà trước đây em không hề nghĩ sẽ có ngày mình hát được.

Sinh ra, lớn lên ở xã Hóa Sơn (Minh Hóa), từng được nghe nhiều bài hát ru, hò thuốc cá, sắc bùa…, Cao Thị Dung đem lòng yêu say các làn điệu dân ca truyền thống ấy. Tình yêu chớm nở với câu hò, điệu hát quê hương của nữ sinh miền sơn cước có cơ hội được “gieo mầm” và lớn lên khi em tham gia CLB sinh hoạt VHDG của trường.

Thời gian tập luyện không nhiều nhưng với niềm yêu say, sự nghiêm túc, Dung nhanh chóng lĩnh hội được cách thể hiện các làn điệu và trở thành một trong những “hạt nhân” của CLB.

Có quyết định thành lập từ cuối tháng 10/2024, nhưng CLB sinh hoạt VHDG Trường PTDTNT tỉnh đã có thời gian hoạt động từ trước đó với 20 thành viên nòng cốt. Ngoài việc liên hệ với Sở Văn hóa-Thể thao (VH-TT) để được hướng dẫn, hỗ trợ tập huấn về vấn đề bảo tồn VHDG, CLB còn sưu tầm các loại nhạc cụ, trang phục truyền thống của đồng bào và kết nối với các nghệ nhân dân gian hỗ trợ về chuyên môn để sưu tầm, tập luyện các làn điệu dân ca của ĐBDTTS ở huyện Minh Hóa, Lệ Thủy và sau đó là các địa phương khác.

CLB sinh hoạt VHDG Trường PTDTNT tỉnh “gieo mầm” tình yêu với văn nghệ dân gian cho nhiều học sinh.
CLB sinh hoạt VHDG Trường PTDTNT tỉnh “gieo mầm” tình yêu với văn nghệ dân gian cho nhiều học sinh.

Để học sinh (HS) cảm thụ sâu, lĩnh hội đầy đủ hơn những nét văn hóa truyền thống đặc trưng của đồng bào, nhà trường thường xuyên tổ chức cho các em về tận các bản, làng để hòa mình vào không gian của các lễ hội quan trọng, như: Lễ hội đập trống của người Ma Coong (xã Thượng Trạch, Bố Trạch), hội rằm tháng ba Minh Hóa, lễ hội mừng cơm mới của đồng bào Bru-Vân Kiều...

“Mặc dù chỉ mới ở giai đoạn khởi động, nhưng hành trình “gieo mầm” tình yêu với VNDG của CLB đã thu được những tín hiệu đáng mừng khi nhận được sự hưởng ứng tích cực của các em HS. Nhiều em giờ đã hát khá thành thục một số làn điệu sắc bùa, hò thuốc cá và truyền dạy lại cho các bạn trong lớp. Ngoài việc thường xuyên biểu diễn tại các buổi ngoại khóa, hội nghị, hoạt động do nhà trường tổ chức, sắp tới, CLB sẽ hướng đến giao lưu với nhiều CLB VNDG khác trên địa bàn tỉnh. Nhìn các thành viên CLB say sưa luyện tập, hứng thú với các làn điệu dân ca, chuyên tâm nghiên cứu các đề tài về bảo tồn VHDG, chúng tôi biết “hạt giống” tình yêu với VNDG của các em đã nảy mầm và sẽ ngày một lớn lên, bởi các em có niềm yêu say, đam mê và trách nhiệm”, thầy giáo Chu Minh Dương, Phó Chủ nhiệm CLB sinh hoạt VHDG Trường PTDTNT tỉnh chia sẻ.

“Truyền lửa” đam mê

Chiều đầu xuân, nắng vàng trải nhẹ khắp sân Trường PTDTNT huyện Lệ Thủy. Một nhóm HS tay đàn, tay chiêng, tay trống, xúng xính trong trang phục truyền thống của đồng bào Bru-Vân Kiều đang say sưa tập luyện các tiết mục dân ca. Tiếng chiêng, trống hòa lẫn với tiếng hát của các HS làm không khí sân trường rộn ràng như đang vào mùa lễ hội của đồng bào.

Sau khi hướng dẫn các em tự tập luyện, thầy giáo Lê Duy Lộc, Phó hiệu trưởng nhà trường dẫn chúng tôi đi thăm phòng truyền thống. Căn phòng nhỏ nhưng trưng bày rất nhiều hiện vật mang đặc trưng văn hóa của đồng bào Bru-Vân Kiều. Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về công tác đưa VHDG vào trường học, thầy Lộc say sưa giới thiệu chi tiết từng hiện vật. Nhìn cách thầy Lộc háo hức như đang thuyết trình, với am hiểu sâu về văn hóa dân tộc, chúng tôi hiểu vì sao Trường PTDTNT huyện Lệ Thủy là một trong những điểm sáng của phong trào đưa VHDG vào học đường.

Gần 15 năm gắn bó với đồng bào Bru-Vân Kiều, thầy Lộc nắm sâu, hiểu rõ những nét đặc trưng trong đời sống văn hóa của đồng bào. Càng hiểu, càng yêu, thầy lại càng quyết tâm gìn giữ những giá trị truyền thống ấy. Và để làm được điều đó, không gì hiệu quả hơn việc “truyền lửa” tình yêu cho các thế hệ học trò.

Thầy giáo Lê Duy Lộc giới thiệu về các hiện vật trưng bày tại phòng truyền thống Trường PTDTNT huyện Lệ Thủy.
Thầy giáo Lê Duy Lộc giới thiệu về các hiện vật trưng bày tại phòng truyền thống Trường PTDTNT huyện Lệ Thủy.
“Trên cơ sở lồng ghép thực hiện dự án 6: “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch”, Sở VH-TT đã triển khai một số hoạt động nhằm bổ trợ, nâng cao hiệu quả hoạt động đưa VHDG của ĐBDTTS vào trường học, như: Kết nối, giới thiệu nghệ nhân truyền dạy văn nghệ dân gian cho Trường PTDTNT tỉnh; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể, trong đó đối tượng tham gia có cả các giáo viên và HS; mời các giáo viên tham dự hội thảo khoa học về văn hóa của ĐBDTTS…”, Phó Giám đốc Sở VH-TT Mai Xuân Thành cho biết.

Không chỉ đích thân cùng một số giáo viên về từng bản làng xa xôi để tìm kiếm, sưu tầm hiện vật, thầy Lộc còn chủ động liên hệ với các nghệ nhân dân gian truyền dạy các làn điệu dân ca, dạy đan lát cho HS; chủ trì các đề tài nghiên cứu khoa học về văn hóa truyền thống của đồng bào Bru-Vân Kiều.

Nhiệm vụ nào thầy cũng dành trọn tâm sức để thực hiện. Và “quả ngọt” mà người giáo viên nhiệt huyết ấy cùng tập thể Trường PTDTNT huyện Lệ Thủy “gặt hái” được chính là ngọn lửa tình yêu, đam mê với VHDG đã được truyền cho HS, để các em yêu hơn, tự hào hơn về quê hương, nguồn cội, về những giá trị văn hóa vĩnh cửu mà ông cha đã dày công vun đắp qua bao thế hệ.

Giờ đây, nhiều HS của trường không chỉ hát thành thục một số làn điệu dân ca, biết đan lát các vật dụng cần thiết mà còn dành tình yêu, niềm đam mê với việc nghiên cứu, tìm hiểu về những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Và như thế, nhiệm vụ của những người “truyền lửa” như thầy Lộc đã thành công bước đầu…

Đưa VHDG của ĐBDTTS vào trường học là hoạt động có ý nghĩa vô cùng quan trọng với mục đích sau cùng là để thế hệ trẻ không lãng quên những giá trị truyền thống tốt đẹp của quê hương, dân tộc, từ đó ra sức gìn giữ, bảo vệ.

Các trường học không chỉ giáo dục văn hóa dân tộc từ sách vở mà còn hòa nhập và trải nghiệm trong không gian văn hóa đặc sắc của đồng bào, không ngừng sáng tạo, đổi mới để biến những giá trị truyền thống thành nguồn cảm hứng và động lực cho thế hệ trẻ. Những nỗ lực ấy góp phần nuôi dưỡng thế giới tinh thần, tạo nhịp cầu nối tâm thức thế hệ trẻ với những giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc…

Tâm An

tin liên quan