(QBĐT) - Trong khoảng 15 năm trở lại đây, Văn học Quảng Bình có 9 tập trường ca ra đời: “Trường ca về Tướng Giáp” và “Hoàng đế Quang Trung” của Hoàng Bình Trọng; “Đồng Hới-khúc huyền tưởng”, “Tôi tìm tôi”, “Bông nắng cuối ngàn” của Thái Hải; “Âm vang Cự Nẫm” của Trần Hải Sâm; “Nguyễn Du” của Lý Hoài Xuân; “Sóng Linh Giang”, “Khúc hát dưới lòng sông” của Cảnh Giang.
Đa số tác phẩm tập trung sáng tác đề tài chiến tranh cách mạng và nhân vật lịch sử. Cũng như các thể loại văn học khác, Trường ca Quảng Bình đang chuyển động và tịnh tiến dần đến sự đổi mới toàn diện. Trường ca không còn mang âm hưởng anh hùng ca đơn thuần, các nhà thơ đã chú ý khai thác cái riêng để nói cái chung, đã nhìn vào mặt sau, nhìn vào tận cùng sự thật để làm toát lên giá trị nội dung tư tưởng của tác phẩm, đã chú ý đến thân phận con người trong thân phận dân tộc.
Có thể kết nối các tập trường ca thành một thiên lịch sử của quê hương Quảng Bình. Trong đó, có hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ trường chinh qua hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, anh vệ quốc quân đến chiến sĩ giải phóng quân, người lính ra đi từ làng đến chiến sĩ bước thẳng từ giảng đường ra tiền tuyến, mỗi người lính áo nâu, chân đất đến đội hình trùng trùng điệp điệp.
Cố nhà văn Hoàng Bình Trọng viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và 34 chiến sĩ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam: “Mã tấu, súng trường, áo nâu, chân đất”, “Ba mươi tư chiến sĩ cất cao giọng hát: “Đoàn quân Việt Nam đi”…Ba mươi tư cánh tay giơ lên chào lá Quốc kỳ/Ba mươi tư cặp mắt hướng thẳng về đồng chí Giáp/“Sắc lệnh thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân”/…Và cả sông núi hồn thiêng lan truyền “mười lời thề danh dự”/Một xin thề: Vì Tổ quốc quyết chiến đấu đến giọt máu cuối cùng!/Hai xin thề: Không vì danh vọng tiền tài đi ngược lại lợi ích nhân dân!/Ba xin thề: Càng nhiều gian khó hiểm nguy, càng bền gan vững chí!”...
Khi đứng trong hàng quân dưới sự chỉ huy tài tình, mưu lược của Đại tướng, họ đã dũng mãnh bước đi dưới lá Quân kỳ, đã lớn lên với những tấm chăn sui, những bát canh lá tàu bay, những củ môn thục, lớn lên từ bao trận đánh tổ ba người cướp súng giặc giết giặc. “Có những người theo anh từ thuở đánh đồn Phay Khắt, Nà Ngần/Thuở chiến dịch Hoàng Hoa Thám, thuở siết chặt vòng vây thị xã Hòa Bình/Cũng có người theo anh ngày giải phóng Lai Châu, Cò Nòi, Hát Lót…/Sau bao ngày đêm hành quân cấp tập/Tất cả đã về đây cùng anh ôn lại lời thề “Trung với nước, hiếu với dân”/ “Và hôm nay ta quay về Thủ đô với Bác Hồ, tướng Giáp/Trong đội ngũ điệp trùng, đỏ rực cờ hoa trên nóc xe tăng, trên nòng đại bác…”.
![]() |
Trong trường ca “Âm vang Cự Nẫm”, tác giả Trần Hải Sâm lại khắc họa hình ảnh anh vệ quốc quân. Những người chiến sĩ ấy xuất hiện giản dị, đời thường, với tình cảm yêu thương, trân quý quân dân cá nước: “Anh vệ quốc quân/Các anh về làng vang tiếng cười, tiếng hát…”, với những nỗi lo rất thật, rất đời: “Lính vệ quốc quân mỗi đứa một quê/Tuổi mười tám đôi mươi/Chưa một lần chạm tay con gái/Cũng có lúc nghĩ khôn, nghĩ dại/Nếu chết mà chưa được môi hôn/Vẫn trai tơ kể ra cũng đáng…buồn”, nhưng khi vào trận, đối mặt quân thù “đâu có giặc là có vệ quốc quân”, thì quyết chiến, quyết thắng “Những ngày giặc càn/Đó là tin dữ dội/Ngày mai ta và giặc/Quyết không đội trời chung/Những bàn tay nắm chặt quả gang/Tỳ chắc báng súng…”, “Hãy đánh cho quân giặc tan thành khói, thành mây/Đánh cho chúng đời đời chưa hết sợ…”, để quê hương đất nước hòa bình “Hai tiếng hòa bình/Như đất, như nước, như khí trời, như cỏ, như cây/Nhưng để có được/Máu trào qua nước mắt/Đời lăn qua muôn lần chết/Hai tiếng hồi sinh/Là mệnh lệnh trái tim…”.
Mỗi trường ca phản ánh về một thời kỳ lịch sử của đất nước, ở một vùng quê cụ thể của Quảng Bình. Nếu Trần Hải Sâm nhắc đến Cự Nẫm-làng chiến đấu trong kháng chiến chống Pháp, làng mặt trận-làng một đêm trong kháng chiến chống Mỹ, thì nhà thơ Thái Hải nói về TP. Đồng Hới quê hương anh trong trường ca “Đồng Hới-Khúc huyền tưởng” với những chàng trai thành phố tâm hồn thơ mộng, hào hoa, lịch lãm lên đường ra trận: “Khi tôi khoác ba lô/Cây ổi trước nhà đã ra quả bói/Búp sâu kèn gặp gió đung đưa/Hoa trinh nữ tím chiều xứ sở…”. Tuổi mười bảy họ bước vào đội hình “… Đoàn quân nhấp nhô bóng núi/Sức trai phơi phới gió ngàn/Rừng già lất phất mưa bụi/Trường Sơn mắc võng xuân sang/Đồng đội hành quân quên Tết/Lá dong biêng biếc lối mòn/Hoa chuối nở bừng sắc lửa/Chim rừng tỉnh giấc véo von…”.
Người lính trong trường ca của Thái Hải được khắc họa trong mọi hoàn cảnh, mọi chiều kích tâm trạng. Có phơi phới thanh xuân, có lãng mạn yêu đời, có tình đồng đội sẻ chia khó khăn gian khổ “Đồng hương chiến trường tái ngộ/Lương khô nước suối chia đều/Dây đàn ghi ta lại bật tưng tưng những khúc tình ca/Bạn bè quây quần cùng hát/Cho nguôi đi nỗi nhớ nhà…”, có cả những hy sinh mất mát “Vội vàng lên đường/Quần nhau với địch/Không kịp ghi danh lên mộ chí đồng hương/Địa chỉ giấu trong trái tim người lính/Tiếng súng chẳng bao giờ tắt/Sau loạt bom có đứa không còn mắt để vuốt/Khe suối xa, nước mắt gần, nhỏ trên bờ môi đồng đội/Ngọn gió rừng đêm ấy lang thang…”.
Nỗi đau được gọi tên chính xác nhưng không bi ai mà thẳm sâu vẻ đẹp vừa kiêu hùng vừa thanh thản của một chiến binh bước ra từ trận mạc: “Rũ bụi chiến trường vẫn phong trần trận mạc/Đường về quê ngược bước hành quân/Người lính trẻ ngày xưa vẫn trẻ/Mắt búp bê nhấp nháy nắp ba lô…”.
![]() |
Một điều đặc biệt là tất cả tác giả viết trường ca đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng ở Quảng Bình đều là những cựu chiến binh từng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chính vì vậy, hình ảnh người lính đi vào mỗi trang thơ chân thực và sinh động lạ kỳ. Trần Hải Sâm viết về người lính chiến đấu ở vùng trung du, miền núi. Thái Hải kể câu chuyện của những chiến sĩ hành quân trên dãy Trường Sơn.
Cảnh Giang lại tái hiện cuộc chiến đấu của Hải quân nhân dân Việt Nam với không lực Hoa Kỳ. Năm 2015, tác giả Cảnh Giang viết trường ca “Sóng Linh Giang”, ghi lại cuộc chiến đấu bảo vệ quê hương của nhân dân các vùng quê châu thổ sông Gianh: “Bao thế hệ/Chuyền nhau/khẩu súng/Lớp trước/lớp sau/chuyền nhau/khí phách anh hùng/Quyết kháng chiến/giữ từng tấc đất ông cha/Thà hy sinh/để cứu nước cứu nhà”.
Đến năm 2023, ông xuất bản tiếp trường ca “Khúc hát từ lòng sông”, phản ánh sinh động cuộc chiến đấu oanh liệt của các chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam trên dòng sông Gianh lịch sử “Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam/Vẫn còn ghi mãi/Trận đánh mở màn/Đụng độ cuộc leo thang/Trận đánh lớn nhất/Quyết liệt gian nan/Lấy đại nghĩa để thắng hung tàn đế quốc/Rực huân chương/Cho những con tàu tiêu biểu nhất/161-126-173/Cùng hàng trăm huân chương chiến công/Như hương hoa ngào ngạt/Trên Tượng đài/Chiến thắng sông Gianh/Lòng mẹ-lòng sông/Trân quý muôn đời…”.
Đây là một trong số rất ít trường ca trong cả nước tập trung phản ánh một cách toàn diện hình ảnh người lính hải quân trong chiến đấu. Họ hiện lên vừa gần gũi, hiền hòa lại mang vẻ đẹp lồng lộng của tinh thần dũng cảm: “Các chú Hải quân áo trắng như sóng bạc đầu/Đạp lên đầu thù xốc tới/Như mây trời/Gấm vóc non sông/Như nước biển xanh/Đưa con tàu/Ra khơi/Vào lộng/Giữ bình yên Tổ quốc/Giữa sóng gầm biển động/Kẻ thù nào đến đây/Cũng dìm đáy biển sâu/Cờ đỏ tung bay/Hùng vĩ những con tàu…”.
Sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ hải quân trong cuộc chiến đấu với máy bay giặc Mỹ trên sông Gianh để bảo vệ quê hương, đất nước đã hóa thành bất tử: ”37 bông hoa/Những liệt sỹ anh hùng/Cùng 5 con tàu/Đã hóa thành bất tử/60 năm đi qua/Chói ngời trang sử/Truyền thống Hải quân/Quân đội anh hùng…”.
Trường ca của các tác giả Quảng Bình góp phần tái hiện hành trình 80 năm xây dựng, trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam bằng việc khắc họa hình ảnh người chiến sĩ trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm bảo vệ quê hương đất nước-Những người chiến sĩ dù khác nhau quê quán, khác nhau thành phần xuất thân... nhưng họ cùng chung một tình yêu quê hương đất nước nồng nàn, chung lời thề của người chiến sĩ “trung với nước, hiếu với dân, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Những người lính ấy đã làm nên lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng!
Trương Thu Hiền