(QBĐT) - Trên đất nước Việt Nam hiếm có dòng sông nào mang nhiều tên gọi khác nhau như sông Roòn ở vùng đất Quảng Bình. Cái tên sông Roòn ra đời sớm nhất và được dùng phổ biến nhất. Nghĩa của từ Roòn và vì sao phải viết 2 chữ o liền nhau thì nhờ các nhà chuyên khảo cứu dư địa chí giải thích giùm.
Sông Roòn còn có cái tên như tên con gái là sông Loan. Người dân địa phương cho rằng sông Loan bắt nguồn từ đỉnh núi Phượng. Núi và sông kết thành một đôi uyên ương, nghe rất lãng mạn. Thời nhà Lý, sau khi Lý Thường Kiệt đánh đuổi Chiêm Thành vào năm 1075, lập ra 2 châu Lâm Bình, Minh Linh, đưa dân phía bắc đèo Ngang vào khai khẩn, sông Roòn được đặt tên là sông Di Luân (nước tràn đầy và sâu).
Đến thời nhà Nguyễn không hiểu sao lại xuất hiện cái tên Nễ Giang. Tên này rất ít người biết. Nghĩa của từ Nễ là mềm, là ướt cũng không ăn nhập gì với sông Roòn. Chắc có sự nhầm lẫn nào chăng? Sông Roòn tuy nhỏ hẹp, chỉ dài khoảng 30km nhưng lại có vinh dự được hai bậc tiền bối nổi tiếng đặt chân đến và có thơ lưu lại.
Người đầu tiên làm thơ về sông Roòn không ai khác chính là Lê Thánh Tông-một ông vua anh minh, văn võ song toàn, có công lớn trong việc mở mang bờ cõi. Lê Thánh Tông làm bài Di Luân hải môn lữ thứ (Nghỉ lại ở cửa biển Di Luân) trên đường đánh dẹp Chiêm Thành. Nguyên tác chữ Hán: Hoành Sơn tây vọng thị Di Luân/Hạo hạo bình sa tiếp hải tân/Yên thủy sa đầu phân dịch thứ/Phong thanh giang thượng quá quan tân/Tề diêm trường phố yêu thương khách/Lỗ tửu bôi bàn túy thị nhân/Dục phỏng Ma Cô bằng ký ngữ/Nam minh kim dĩ tức dương trần.
![]() |
Một số người dịch câu đầu “Hoành Sơn tây vọng thị Di Luân” thành: “Tây Hoành Sơn thấy rõ Di Luân” (Trần Châu Báu) hoặc “Hoành Sơn tây ngóng thấy Di Luân” (Lương Trọng Nhàn) là chưa chính xác. Từ cửa sông Di Luân vọng nhìn lên hướng tây mới thấy núi Hoành Sơn. Còn từ núi Hoành Sơn vọng nhìn lên hướng tây thì không thể thấy cửa sông Di Luân được. Bởi thế, tôi tìm cách dịch lại toàn bộ bài thơ cho đúng và sát nghĩa hơn: “Di Luân tây vọng thấy núi Hoành/Bãi cát vàng thau tiếp biển xanh/Khói sóng đầu bờ nhô trạm nghỉ/Gió sông trên bến ló đồn canh/Muối Tề thương lái mời chào khách/Rượu Lỗ nhà hàng tiếp thị dân/Hỏi bà Liễu Hạnh trong cổ miếu/Cõi Nam nay đã sạch bụi trần?”.
Đọc bài thơ này, chúng ta như đang chiêm ngưỡng bức tranh cửa Roòn từ hơn 500 năm trước. Vẫn là núi Hoành Sơn ở hướng Tây, vẫn là bãi cát phẳng, vẫn là cửa sông tiếp liền với biển. Thế núi, màu cát và màu nước biển ngàn đời vẫn vậy. Nhưng từ thời nhà Lý đến thời nhà Lê, cửa sông Roòn đã có ít nhiều thay đổi. Đầu tiên là xuất hiện trạm dịch để các quan đi công cán nghỉ chân trước và sau khi vượt đèo Ngang (“Khói sóng đầu bờ nhô trạm nghỉ”). Cùng với sự xuất hiện trạm nghỉ là sự xuất hiện của chòi canh gác (“Gió sông trên bến ló đồn canh”). Xưa nay cửa sông Roòn được các nhà quân sự xem là một vị trí hiểm yếu, nên đồn canh phòng là không thể thiếu. Qua thơ Lê Thánh Tông, chúng ta còn được biết cửa sông Roòn từ hàng trăm năm trước đã trở thành nơi giao lưu buôn bán khá nhộn nhịp: “Muối Tề thương lái mời chào khách/Rượu Lỗ nhà hàng tiếp thị dân”.
Vua Lê Thánh Tông sáng tác bài thơ này trong tâm thế của một vị vua trực tiếp cầm quân chinh phạt phương Nam nên ông hết sức thận trọng. Nghe nói dưới chân đèo Ngang có miếu thờ Ma Cô Liễu Hạnh rất thiêng, ông tìm đến thăm viếng, nhân đó hỏi hương hồn bà về đời sống hiện thời của người dân ở đất phương Nam: “Dục phỏng Ma Cô bằng ký ngữ/Nam minh kim dĩ tức dương trần”.
Theo truyền thuyết: Ma Cô Liễu Hạnh là con gái của Ngọc Hoàng. Nàng giáng thế, mở quán nước dưới chân đèo Ngang phục vụ khách bộ hành. Thấy nàng chủ quán xinh đẹp, lại ở một mình nơi hẻo lánh, hoàng tử dở trò sàm sỡ. Nàng chống trả quyết liệt. Nhà vua sai người bắt nàng về hỏi tội. Khi biết rõ sự tình, nhà vua tha cho nàng về lại quán nước. Sau khi Ma Cô Liễu Hạnh mất, nhân dân lập ngôi đền để tưởng nhớ. Hỏi hương hồn Ma Cô Liễu Hạnh: “Cõi Nam nay đã sạch bụi trần?” đã phần nào thể hiện ý thức trách nhiệm đối với việc “an dân” ở vùng đất phương Nam của vua Lê Thánh Tông. Bài thơ viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật, ngắn gọn, hàm súc; các vế đối khá chỉnh, kết cấu chặt chẽ, âm điệu hài hòa… chứng tỏ tác giả là một tay làm thơ Đường luật cự phách.
Bậc tiền bối nổi tiếng thứ 2 từng đặt chân đến sông Roòn và có thơ lưu lại là Đại thi hào Nguyễn Du-tác giả Truyện Kiều, Danh nhân Văn hóa thế giới. Năm 1809, Nguyễn Du được điều ra làm Cai bạ Quảng Bình. Bốn năm làm Cai bạ Quảng Bình (1809-1813), lòng Nguyễn Du “ngổn ngang trăm mối”, đặc biệt là nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương. Điều đó được nhà thơ bộc lộ qua bài thơ Di giang khẩu hương vọng (Ở cửa sông Di vọng về phía quê nhà). Di giang chính là sông Roòn. Có thể là từ cái tên Di Luân được rút gọn chăng? Nguyên tác chữ Hán: Vọng vọng gia hương tự nhật biên/Hoành Sơn chỉ cách nhất sơn điên/Khả liên quy lộ tài tam nhật/Độc bão hương tâm dĩ tứ niên/Yến đảo thu hàn thanh nhập hải/Di giang triều trướng bạch hàm thiên/Ngoại châu kim dữ ngô châu biệt/Khán khán nhân phong bất tự tiền. Bài này dịch theo thể thất ngôn bát cú Đường luật hơi khó. Tôi tìm cách chuyển sang thể lục bát như sau: “Quê nhà ở cạnh mặt trời/Hoành Sơn một dải chia đôi thôi mà/Ba ngày đường có đâu xa/Một mình ôm nhớ thế là bốn năm/Hòn Yến lạnh, biển chiều xanh/Cửa sông Roòn, nước triều duềnh, bọt tung/Châu ngoài nay khác châu trong/Lễ nghi, phong tục thảy không giống rồi!”.
Vì Roòn cách Hồng Lĩnh một dãy Hoành Sơn nên nỗi nhớ, nỗi khao khát được trở về quê dâng trào trong lòng nhà thơ. Mở đầu là một câu thơ lạ: Vọng vọng gia hương tự nhật biên (Vọng nhìn quê nhà tựa như quê nhà ở bên cạnh mặt trời). Phải chăng tác giả đang tả cảnh mặt trời sắp lặn phía sau dãy Hoành Sơn. Cách sau dãy Hoành Sơn không xa là quê nhà tác giả. Bởi vậy mà tác giả tưởng tượng quê nhà tựa như đang ở cạnh mặt trời? Quãng đường từ cửa sông Roòn ra núi Hồng Lĩnh nếu đi bộ hoặc đi bằng cáng thì chỉ độ 3 hôm là tới nơi. Thế mà đã bốn năm trời tròn tác giả chưa có dịp ghé thăm quê nhà. Đúng là “Gần nhau trong tấc gang/Mà biển trời cách mặt” (Hồ Chí Minh).
Những năm tháng ở quê, nhà thơ tự do đi săn, tự do đi câu cá, tự do đi hát phường vải… Ở đó, ông có một đại gia đình, có bà con thân thích làm sao mà không mong nhớ và khát khao trở về. Lòng nhà thơ đang nổi sóng: “Hòn Yến lạnh, biển chiều xanh/Cửa sông Roòn, nước triều duềnh, bọt tung”. Trước cảnh “vật đổi sao dời”, nhà thơ ngậm ngùi, chua xót: “Châu ngoài nay khác châu trong/Lễ nghi, phong tục thảy không giống rồi!”.
Hai bài thơ đều được sáng tác ở sông Roòn, đều đứng ở cửa sông Roòn quan sát, đều viết bằng chữ Hán theo thể thất ngôn bát cú Đường luật, nhưng mang hai tâm trạng khác nhau.Với vua Lê Thánh Tông là nỗi vui và lo trước vận mệnh đất nước. Với Đại thi hào Nguyễn Du là nỗi buồn nhớ quê nhà và niềm hoài cổ. Khi chúng ta phủi lớp bụi thời gian, hai bài thơ như hai viên ngọc quý phát ra những tia sáng lung linh, huyền ảo. Tôi thầm ao ước, vào một chiều đẹp trời, dạo bước bên bờ nam sông Roòn, ngắm nhìn dãy Hoành Sơn, hòn Yến, bãi cát vàng, nước biển xanh, nhẩm đọc Di Luân hải môn lữ thứ và Di giang khẩu hương vọng được khắc trên bia đá bằng lối chữ thảo như phượng múa, rồng bay.
Mai Văn Hoan