Chuyện làng

  • 07:11, 21/11/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - “Hồi đó đi học về là ra vườn chăm chút cải ngò, hành, tỏi, ngày ngày cần mẫn đo coi cây lớn được từng nào. Rồi mong chờ đến chủ nhật được nghỉ học sẽ theo mẹ đi chợ. Chợ làng nằm bên bến sông, có cây đa rất to quanh năm tỏa bóng. “Hàng hóa” mang theo là rau củ xanh mướt trong chiếc rổ tre, trong khi mẹ dạo chợ thì mình bày dưới gốc đa để bán. Đường về nhà sau buổi chợ tan vui lắm vì cải ngò, hành, tỏi đã được bán hết sẽ biến thành sách, vở, bút, mực, đôi khi là áo mới…”, lúc dừng chân nơi gốc đa một ngôi làng xa lạ, bạn kể!

Giống như bạn, tôi cũng có một ngôi làng với gốc đa, có những ngày nghỉ học mang ổi, na, bánh khoai, bánh sắn ra đình làng bày bán. Hệt như câu thơ trong sách giáo khoa ngày cũ “Tôi lớn lên đã thấy dừa trước ngõ…”, đám trẻ bọn tôi không ai biết cây đa có tự bao giờ. Mẹ, rồi bà tôi cũng lắc đầu khi nghe hỏi. Nên mấy lúc rảnh rỗi, tôi hay ngẩng đầu nhìn tán lá xanh thẫm rồi đoán già đoán non cây bao tuổi…

Bán buôn ở chợ làng luôn vui dù lắm khi không có tiền mang về vì bán thứ này rồi mua lại thứ kia. Bù lại là những câu chuyện dài bất tận hay mấy niềm vui nho nhỏ kiểu trăng này mấy tàu cá trúng lớn, cứ trời yên biển lặng tôm cá đầy khoang thì chẳng mấy chốc làng ta sẽ giàu. Rồi hỏi nhau Tết này “đi mai” trên núi hay trồng lay ơn, thược dược, nhà tính đốt mấy phong pháo, heo nuôi lớn chừng nào, sắp bán được chưa để còn mua áo Tết…

Cũng có những khi nghe mấy chuyện rất buồn như là một người già sống đơn côi ngủ giấc cuối cùng của đời mình mà không có ai bên cạnh, may có hàng xóm sang hỏi thăm mới biết. Đó là chuyện chị Na xinh đẹp nhất nhì làng vô thành phố thăm nhà chị gái từ đầu năm mà gần Tết vẫn chưa về. Thư chị gửi anh Tuấn, người chị hẹn Tết làm đám cưới cứ thưa dần, thưa dần. Anh Tuấn hay đàn cho chị Na hát nhưng giờ cây đàn phủ bụi. Hay một hôm mưa gió bão bùng nào đó, có con thuyền nhỏ không vào bờ kịp, đêm đến người làng đốt lửa bên bãi biển ngóng ra khơi đợi chờ trong vô vọng…

Cây đa đầu làng-thân thuộc dáng quê.
Cây đa đầu làng-thân thuộc dáng quê.

Nhiều khi tôi nghĩ, những cây đa nơi góc chợ mà có linh hồn và biết lắng nghe chắc sẽ mang trong lòng hàng nghìn câu chuyện buồn vui. Tôi cùng bao bạn bè bán buôn dưới gốc đa chợ làng lớn lên, rời quê, đắm mình trong những phồn hoa thị thành và cả bon chen mỏi mệt, đôi khi trong mơ bỗng dưng gặp lại chợ làng. Rồi nửa khuya tỉnh giấc cầm lòng không đậu mà nhắn tin hỏi bạn làng mình độ này ra sao, cá tôm có được mùa không; chị Na lấy chồng thành phố và con lớn rồi, còn anh Tuấn đã đám cưới hay chưa; nay tết về người làng có còn “đi mai” trên núi hay trồng lay ơn, thược dược?

Rồi sau bao ngày cách xa và nhiều câu hỏi lúc nửa khuya, một ngày kia tôi trở về nhà thì không gặp cây đa thân quen nữa. Làng nông thôn mới nên chợ cũng được xây dựng khang trang ở nơi mới. Trẻ con bận học, lớn lên và rời quê ra thành phố, người già rủ nhau về miền mây trắng và chợ xưa chẳng còn dấu tích. Nơi gốc đa cũ đổ xuống sau một trận bão lớn là cây đa nhỏ vừa được trồng mới, chắc phải rất nhiều năm nữa mới có thể tỏa bóng như cây đa những ngày ấu thơ của tôi và bao bè bạn…

Dẫu có chút tần ngần và mất mát khi khung cảnh quen thuộc ngày xưa giờ đã đổi khác, nhưng lòng không quá buồn, hệt như tâm trạng bạn tôi khi bảo cây đa nơi bến sông của bạn giờ không còn nữa. Thay vào đó là một con đường lớn và cây cầu mới. Người quê bạn vẫn chăm chút cải ngò, hành, tỏi, vẫn mang ra chợ bán mua nhưng đường đến chợ không còn quá nhọc nhằn vất vả và rất nhiều âu lo nữa!

Tôi trộm nghĩ những cây đa ngày cũ chắc cũng đã sống trọn đời cây với bao câu chuyện buồn vui được chứng kiến mỗi ngày. Và liệu cây có biết trong tim nhiều đứa trẻ sinh ra và lớn lên từ làng như bạn, như tôi, tán cây năm ấy mãi luôn mát xanh, tỏa bóng? Để bao năm tháng đi qua với nhiều nhọc nhằn, buồn vui, hạnh phúc, gặp bóng đa ở một nơi xa lạ, bao chuyện xưa cũ chợt trở về, sống động như thể vừa mới hôm qua!

Chuyện làng, cứ như vậy mà mãi ở lại trong ký ức!

Diệp Đồng

tin liên quan

Ca khúc "Chiều Nhật Lệ" đoạt giải B tại liên hoan âm nhạc toàn quốc
Ca khúc "Chiều Nhật Lệ" đoạt giải B tại liên hoan âm nhạc toàn quốc

(QBĐT) - Tại tỉnh Ninh Bình, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao Ninh Bình tổ chức bế mạc liên hoan âm nhạc toàn quốc năm 2024. 

 
Đẩy mạnh truyền thông, nhân rộng mô hình
Đẩy mạnh truyền thông, nhân rộng mô hình

(QBĐT) - Gia đình, với vai trò là tế bào của xã hội, góp phần giữ gìn và lan tỏa những giá trị văn hóa, đạo đức cốt lõi. Nhận thức sâu sắc về điều này, tỉnh Quảng Bình đã xác định công tác gia đình là một nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược xây dựng đời sống văn hóa và phát triển xã hội bền vững. 

Mang nặng ân nghĩa Quảng Bình
Mang nặng ân nghĩa Quảng Bình

(QBĐT) - Cựu chiến binh, đại tá Hà Văn Sỹ quê ở xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Ông vốn là người lính Trường Sơn năm xưa, chiến đấu và trưởng thành trên đất Quảng Bình khói lửa. Ông là tấm gương về liêm chính, bền bỉ với những việc nghĩa ở cuộc đời. Ông thường tự hào: "Tớ là rể Quảng Bình đấy".