Tự khúc những ngày cuối thu…

  • 07:10, 05/10/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Ta đang đi giữa những ngày cuối thu. Mùi hương cũ gợi nhớ bao điều xa xôi, như hãy còn bịn rịn chút dư ba của mùa. Từng quả hồng chín bói màu cam đỏ hây hây, nhấn nhá miền vị giác bằng cái ngọt đằm thắm thanh nhã, như ẩn chứa một giấc mơ dịu ngọt. Tôi ngồi dưới mái hiên của góc quán quen, sâu trong con hẻm nhỏ mươn mướt lá hoa phủ rợp, nghe dâng lên quanh mình những ca từ mênh mang: “Nhìn những mùa thu đi. Em nghe sầu lên trong nắng...”.

Nhưng những ngày cuối thu này, vòm trời như đang trổ muôn vàn nhánh mưa xuống phố. Mưa lay bay choàng ngang phố nét cổ điển dịu dàng, điểm lên da thịt chút chớm lạnh gợi thức bao cũ càng thân thuộc. Mưa buông xuống những nếp nhà trầm mặc giấu mình vào sương mỏng, giăng giăng trên lối về đồng vọng tiếng chuông ngân, kéo rèm dọc đường tàu đi qua miền hoa thơm cỏ biếc, lướt đi rồi vẫn để lại man mác dư âm. Tôi nhìn đoàn tàu như chở theo cả bóng mùa thu, lòng chợt nhận ra nỗi nhớ cũng tựa những cơn mưa cuối thu, khi nhỏ nhẹ mơ màng, khi ào ạt thổn thức, nhưng chưa bao giờ phai nhạt giữa bao đổi dời cách chia.

Trên mái vòm hằn ngấn rêu xanh, những cánh bồ câu trú lại im lìm nhìn mưa vương mắt phố. Tựa một người nhẫn nại kể câu chuyện không hồi kết, mưa cứ rơi nhẩn nha và dai dẳng. Có người đứng sau ô cửa lặng lẽ ngắm mưa hay đang ngẫm ngợi điều gì mà ánh mắt quá đỗi mênh mông? Tôi cũng thích khoảnh khắc được hòa mình vào mưa bay rả rích. Những giọt mưa phố, những giọt mưa quê. Mưa mải miết lê thê, như đang níu cơn sóng thời gian trôi chậm lại. Tựa một bản nhạc dìu dặt không lời, tiếng mưa làm bóng hình quê nhà cứ đầy lên trong miền tâm tưởng bao la.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Nhớ những mùa mưa cũ của tuổi thiếu thời, tôi thường tìm ở ụ rơm sau nhà những cây nấm rơm bé nhỏ. Chúng thường giấu mình sâu bên dưới những lớp rơm ẩm mục, âm thầm nảy ra trong hơi ấm của rơm được mẹ gánh về từ mùa gặt trước. Mỗi lần tìm được những cây nấm rơm, tôi lại reo lên khe khẽ. Chúng thường được mẹ xào với giá đỗ, đậu phụ, món ăn ưa thích của tôi từ thuở nhỏ, trong gian bếp la đà khói ấm ngày mưa.

Cuối thu, ấy là khi ta bắt gặp phía chân trời những đàn chim di trú bay đi tránh rét. Ngẩng đầu nhìn theo bóng chim rẽ gió, tôi tự hỏi, đường xa mỏi cánh có làm đàn chim di trú nhớ một dòng sông xanh, một vạt rừng thẳm từ nơi chúng đã bay đi? Chúng đến từ đâu và sẽ về đâu, cạm bẫy suốt dặm dài sương gió có làm cánh chim nào bị bỏ lại? Như bao nhiêu người vẫn mải miết trôi theo những cuộc thiên di của đời mình, từ làng xa xuôi về phố lớn, từ đồng bằng ngược lên núi cao, khi họ quay đầu nhìn lại, hồn cốt quê hương từ lâu đã hòa trong máu thịt, trong tiếng nói, trong những câu chuyện người, chuyện đất mãi không quên.

Cuối thu, dưới mảnh trời quê, có lẽ mẹ đang chuẩn bị cho mùa đông se sắt. Những ngày tạnh ráo, vạt nắng bung biêng trước sân nhà, bao nhiêu áo ấm của mùa đông năm trước được mẹ mang ra giặt lại, phơi phóng thơm tho. Những thanh củi còn lưu dấu rêu khô mẹ cột lại thành bó, xếp vào góc bếp để dành nhóm lửa cho mùa mưa dầm cận kề. Mấy ô cửa lam thông gió được che kín lại, chuồng gà sau nhà được đệm thêm rơm ấm. Những vại dưa, hũ mắm mẹ đã ủ sẵn, đợi ngày mùi hương dậy thơm gian bếp nhỏ. Hoa mướp cuối mùa le lói vàng trong làn nắng nhẹ, trên giàn mẹ phơi một mẹt cá khô, phòng những ngày mưa gió góc chợ quê thưa vắng…

Đêm cuối thu, trong hơi lạnh của cơn mưa giao mùa trầm lắng, tôi đã thắp lên cho riêng mình một ánh lửa. Ánh lửa soi sáng nỗi nhớ mẹ đằm sâu, ru lòng mình vào giấc ca dao vọng khúc quê yên ả, dìu tôi qua bao chớp bể mưa nguồn. Nghe mùa thu đang chầm chậm lùi xa, và dường như những ngọn gió bấc đầu tiên đang gọi nhau về xao động miền thương nhớ…

Trần Văn Thiên

tin liên quan

Lục bát tháng mười
Lục bát tháng mười

(QBĐT) - Nhẩm câu

Lục bát tháng mười

Nghe nao nức

Hạt thóc cười trước sân

Trả công

Mưa nắng tảo tần

Vàng mơ 

Lúa mới vàng sân, vàng đồng.

Giáo dục khoa cử Cảnh Dương: Nhìn từ một công trình nghiên cứu
Giáo dục khoa cử Cảnh Dương: Nhìn từ một công trình nghiên cứu

(QBĐT) - Xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) được thành lập năm 1643. Với lịch sử hơn 380 năm xây dựng và phát triển, Cảnh Dương là một trong "Bát danh hương" của tỉnh Quảng Bình. Năm 2023, tác giả Trần Quang Bình, một người con của quê hương này đã biên soạn tập sách "Giáo dục và khoa cử Cảnh Dương, xưa và nay". Tác phẩm được trao giải A trong cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình. 

Mùa bão
Mùa bão

(QBĐT) - Đầu tháng chín, một siêu bão đổ bộ vào các tỉnh miền Bắc của nước ta-cơn bão Yagi. Thường thì mỗi cơn bão sẽ được đặt cho một cái tên rất gợi nhớ như là Haiyan hay bây giờ là Yagi… nhưng có lẽ điều mà người ta nhớ lâu nhất không phải là những cái tên mà là những nỗi đau, những mất mát, thiệt hại to lớn mà những cơn bão để lại. Để thấy rằng đứng trước thiên nhiên, con người thật nhỏ bé biết bao nhiêu.