Con trai nhờ phúc mẹ

  • 08:10, 19/10/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Lúc còn nhỏ, tôi vẫn thường nghe bà nội tôi nói đi nói lại châm ngôn “Con trai nhờ phúc mẹ, con gái hưởng đức cha”. Khi bà tôi không còn nữa, tôi lại nghe mẹ thường xuyên nói câu đó. Không chỉ mẹ, mà ở làng, tôi đều nghe câu này bất cứ ở người phụ nữ nào mà tôi yêu mến.

Từ lâu lắm rồi, tháng chín, tháng mười dường như vẫn là tháng, là ngày của các bà, các mẹ. Điều này không chỉ vì có ngày 20/10 thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đâu, nó còn là những ngày “mưa sa nước sỉa” để “chứng minh” sự căn cơ của các bà mẹ. Những ngày tháng giáp hạt này, con cái có đủ ăn không, không chỉ nhờ tài tháo vát của cha mà còn là năng lực điều tiết, tích lũy lương thực của mẹ. Nếu một gia đình có người mẹ thiếu căn cơ, hoang đàng, là “cái oi lủng đáy” thì dù người cha có năng lực của “cái dũi” bao nhiêu, con cái cũng đói khổ. Từ đó, mọi người mẹ đều coi sự no đủ đối với con cái là nhờ vào cái phúc của mình vậy!

Nhưng bà tôi, người phụ nữ sinh ra từ gia phong lễ giáo thì không chỉ có như thế. Bà cho rằng, nếu chỉ nói đến cái phúc no đủ, thì con trai hay con gái đều nhờ mẹ như nhau. Nhưng tại sao câu châm ngôn chỉ nói rằng, con trai nhờ phúc mẹ chứ không phải là con gái? Trong những tâm tư ngắn nhân tháng mười này, để tưởng nhớ bà và mẹ, tôi xin viết lại lời của bà, của mẹ, hai người tôi yêu quý nhất về ý nghĩa “con trai nhờ phúc mẹ”. Còn vế “con gái hưởng đức cha” xin được bàn khi khác.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Cho đến lúc qua đời, bà tôi vẫn đau đáu một điều là chưa trọn chữ “phúc” dành cho con trai, bởi bác trai tôi ra đi từ khi còn rất trẻ. Tuy nhiên, bà vẫn luôn tin rằng bà đã dành đủ “phúc” cho cha tôi. Bà tin rằng, 27 tuổi bà góa chồng, với sự “trinh thuận” của mình, bà đã vượt qua mọi cám dỗ để ở vậy mà hiếu đạo với nhà chồng, để “thờ chồng, nuôi con” là phúc lớn bà dành cho đứa con trai duy nhất. Bà cũng tin rằng, gia cảnh, vợ con mà cha tôi đang có lúc bà còn sống và cả tương lai đều nhờ “phúc” bà để lại.

Chữ “phúc” trong châm ngôn này, còn được bà tôi diễn giải bằng chiêm nghiệm cuộc sống. Bà nói rằng, nếu một người đàn ông lấy phải một người vợ lăng loàn, không ra gì, có thể làm tổn hại đến ba đời. Trước hết là đời cha sẽ phải chịu đựng với nỗi đau thực tế mà người vợ mang lại, như gia cảnh túng thiếu, gia phong bại hoại. Nếu chấp nhận vậy thì chịu đựng suốt đời, còn nếu “để vợ” (ly hôn) thì con cái sẽ tiếp nhận một nỗi khổ khác là “mẹ ghẻ con lạnh”. Tiếp đến, đời con trai sẽ không bao giờ vượt qua được những điều tệ hại mà mẹ mình đã mang lại, từ sự dạy dỗ, tổn thương. Không như con gái sẽ được gả chồng, thoát ly khỏi người mẹ đó và chịu ảnh hưởng gia phong nhà chồng. Kế tiếp đến đời cháu nội trai cũng vậy, vẫn vừa bị ảnh hưởng trực tiếp từ “tấm gương” của bà và cả gián tiếp là luật “nhân quả” như trong đạo Phật đã nói. Bà khẳng định rằng, trong bộ ba ông “Phúc, Lộc, Thọ”, ông Phúc là người bế đứa con. Chứng tỏ “phúc” là ở con và được nhận từ người mẹ.

Còn mẹ tôi thì chỉ nói đơn giản rằng, chữ “phúc” là cái tướng của người đàn bà. Người ta thường hay khen một phụ nữ “nhìn chị đẹp phúc hậu”. Nghĩa là cái hình tướng ấy có phúc về sau, ý nói cái phúc để dành cho con trai theo kiểu “dài dòng lớn họ”.

Tôi tự đặt ra câu hỏi, không biết cộng đồng có tin vào câu nói “Con trai nhờ phúc mẹ” hay không? Nhưng có một điều không thể chối cãi, chính câu nói đó đã đem lại hiệu ứng lan tỏa tích cực trong cộng đồng, giúp nhiều người mẹ định hướng hành động và suy nghĩ của mình theo hướng thiện nhằm đem lại nhiều phúc lớn cho con trai. Nếu người mẹ ăn ở hiền lành, thương con cháu chân thành, nhẹ nhàng, chu đáo, nhân hậu, hướng thiện, vị tha, giàu tình cảm…thì đứa con trai sẽ được hưởng nhiều phúc, và ngược lại.

Nhưng bà tôi rõ ràng chưa giải quyết hết sự thắc mắc của tôi là tại sao gánh nặng chữ “phúc” cho con trai lại đặt vào người mẹ, còn cha thì sao? Xuất phát từ đâu, dân gian đúc rút ra một nhận định quan trọng và đầy ý nghĩa như vậy? Có lẽ do qua quá trình thực tế trong cuộc sống của nhiều gia đình và trải qua nhiều thế hệ, năm tháng, ông cha ta nghiệm ra mối quan hệ mẹ-con trai có liên quan đặc biệt về “nghĩa, tình” hơn người cha như câu ca dao “Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Bởi cha nặng “công”, mẹ nặng “nghĩa” chăng?

Ngày nay quan sát, thống kê trong nhiều gia đình, người ta thường thấy các cậu con trai hay “bịn rịn” với người mẹ hơn, và các cô con gái hay “làm nũng” với cha mình hơn. Thực tế cuộc sống cũng cho thấy, trong các gia đình có các biến động và mâu thuẫn ngoài ý muốn, đứa con trai thường bênh vực, che chở và đứng về phía các bà mẹ của mình.

Trong thơ văn, khi nói về tình mẫu tử, ta thường thấy đa phần hay nhắc đến mối quan hệ giữa con trai và mẹ đẻ. Ngay bản thân tôi, thơ viết về mẹ gấp nhiều lần so với viết về cha. Bởi khoảng cách của sự gần gũi với mẹ của tôi so với cha là rất lớn, do cha bận về “công” đầu tắt mặt tối. Trong phim ảnh, tiểu thuyết “lấy đi nước mắt” nhiều người, cũng thường là một bà mẹ chịu thương, chịu khó ở một vùng quê nghèo khổ quyết nuôi cậu con trai lên tỉnh để ăn học thành người. Mẹ hy sinh tất cả chỉ mong con trai mình được hạnh phúc trọn vẹn!

Thưa bà, thưa mẹ! Con ngồi viết những dòng này khi ngoài trời tháng mười đầy mưa gió. Nước mắt con cũng nhòa theo nét chữ. Bà và mẹ đã đi xa, nhưng cháu con đang từng ngày hưởng “phúc”. Với con là những trang đời thấm đẫm nhân văn được chắt lọc từ bà và mẹ. Con tin ở thế gian này, lớp lớp người con, cháu đang được hưởng phúc như thế!

                                                           Đỗ Thành Đồng

tin liên quan

Công nhận Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh là điểm du lịch
Công nhận Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh là điểm du lịch

(QBĐT) - Ngày 19/10, huyện Quảng Trạch đã tổ chức lễ đón nhận quyết định công nhận Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh ở thôn Vịnh Sơn, xã Quảng Đông là điểm du lịch. 

Chỉnh trang đường "thiên lý Bắc-Nam", phát huy giá trị văn hóa-lịch sử của di tích đền Thánh mẫu Liễu Hạnh
Chỉnh trang đường "thiên lý Bắc-Nam", phát huy giá trị văn hóa-lịch sử của di tích đền Thánh mẫu Liễu Hạnh

(QBĐT) - Đó là nội dung ý kiến chỉ đạo của đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.

Họ Trần Dưới-"viên ngọc" của đất học La Hà
Họ Trần Dưới-"viên ngọc" của đất học La Hà

(QBĐT) - Trong "bát danh hương" nổi tiếng về đất học "Sơn-Hà-Cảnh-Thổ-Văn-Võ-Cổ-Kim", có làng La Hà thuộc xã Quảng Văn (TX. Ba Đồn). Ngày 9/9/2024, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2567/QĐ-UBND công nhận nhà thờ họ Trần Dưới La Hà là di tích lịch sử cấp tỉnh. Vậy nhà thờ họ Trần Dưới thờ ai mà được công nhận danh hiệu mang giá trị này?