Ký ức trăng và mưa

  • 08:09, 15/09/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Vừa mới qua rằm tháng bảy, các nẻo phố phường đã rộn sắc Trung thu. Đó là sự nhanh nhạy của các hãng bánh, họ chiếm lấy những “lãnh thổ” đắc địa và dựng lên những dãy ki ốt đủ sắc màu. Kế đến là những cửa hàng đồ chơi thiếu nhi, đủ các thứ đèn điện tử phục vụ Trung thu, càng về đêm càng sáng rực và nhộn nhịp.
 
Bọn trẻ ngày nay sướng thật. Ngay đến cả thằng cu cháu ngoại tôi, nó sinh vào dịp Trung thu, dù đang ở bệnh viện mà bà nội, bà ngoại đã thi nhau mua đèn ông sao, đèn xoay nhấp nháy treo hai đầu giường. Cháu thì chưa biết gì, nhưng thấy các “cụ” tự sướng với nhau cũng vui mắt đáo để.
 
Nhìn cảnh ấy, tôi lại chạnh lòng nhớ lúc ấu thơ. Lớp trẻ chúng tôi lúc bấy giờ thực sự không biết Trung thu là gì. Tôi sinh ra vào những ngày đầu tiên máy bay Mỹ thả bom xuống sông Gianh và miền Bắc. Cả tuổi thơ thường xuyên ngủ dưới hầm trú ẩn. Những đêm trăng càng sáng, càng thấp thỏm lo âu với những “thần sấm, con ma” bất thình lình ập tới. Nhất là với gia đình tôi, cái đêm rằm trăng sáng “rợn người” năm 1967 ấy, đã kết thúc bằng sự ra đi của chín người trong gia đình bà ngoại, sau trận bom Mỹ. Từ đó, cứ thấy trăng sáng là mẹ tôi lại rùng mình, chan chứa những dòng nước mắt. Trăng sáng nó ám ảnh đến mức, cứ đến rằm hàng tháng mà thấy trời mây và mưa là mẹ tôi thở phào nhẹ nhõm.
 
Tuy nhiên, mưa có nỗi khổ của mưa. Tháng tám ở quê tôi có câu “mưa sa nước sỉa”, đã mưa là ngày này sang ngày khác. Chỉ sau một trận mưa to là hầm trú bom ngập nước. Cả nhà lại khom lưng, thay nhau mà tát nước ra, chao ôi là khổ.
Lúc chiến tranh, Trung thu không có đã đành. Nhưng sau khi giải phóng miền Nam, cái ăn còn lo không đủ, người lớn nào nghĩ đến Trung thu cho thiếu nhi nữa!
 
Đó là nói cái chung, còn riêng tôi vẫn có một Trung thu nào đó trong lời ru của mẹ và sự tưởng tượng trẻ thơ. Cứ tháng tám đến, mẹ tôi lại hát ru em: “Trung thu trăng sáng như gương/Bác Hồ ngắm cảnh, nhớ thương nhi đồng/Sau đây Bác viết mấy dòng/Gửi cho các cháu, tỏ lòng nhớ nhung”. Mẹ kể rằng, tuổi thiếu nhi của mẹ đã được ăn kẹo Trung thu của Bác. Cứ mỗi Trung thu đến, mẹ lại được nghe đọc thư của Bác gửi thiếu nhi vào Trung thu năm 1951 và được người lớn phát cho mỗi cháu ba cái kẹo, gọi là “Kẹo Bác Hồ”. Cứ thế, thông qua lời mẹ, tôi sớm thuộc lòng mấy câu thơ của Bác và mặc sức tưởng tượng “Kẹo Bác Hồ” ngon như thế nào.
 
Lớn lên chút, Trung thu đến với tôi trong bài học: “Hôm nay rằm tháng tám/Mẹ thắp đèn kéo quân/Khi đèn vừa cháy sáng/Bao bóng người chạy quanh/A các chú bộ đội/Đuổi theo một lũ Tây/Bọn Tây chạy hớt hải/Các chú đuổi như bay/Cố lên các chú ơi/Sắp bắt được Tây rồi/Cho cháu chạy theo với/Cháu cũng là bộ đội”. Tôi vẫn thường hỏi bà nội, đèn kéo quân là gì? Cho dù bà đã hết sức giải thích, tôi cũng chỉ hiểu rằng, đó là trò chơi cho thiếu nhi mỗi dịp Trung thu...
 
Trung thu năm Quý Sửu (1973), lúc này đã không còn máy bay Mỹ bắn phá miền Bắc, nhưng miền Nam vẫn đau thương trong lửa đạn. Quê tôi có trạm giao liên chuyển quân vào chi viện miền Nam. Bộ đội đến rồi đi luôn bất ngờ. Tôi nhớ đêm 14/8 âm năm đó, tôi tỉnh dậy bởi tiếng ồn ào của bộ đội về làng... Tôi đang say sưa ngắm trăng và ngâm nga thơ Trần Đăng Khoa “Trăng ơi từ đâu đến…” thì chú bộ đội vỗ vai: “Cháu đã có đèn ông sao chưa?”. Tôi ấp a ấp úng hỏi chú, để làm gì ạ, chú cười rất tươi nói, thôi cháu vào ngủ đi, sáng mai chú sẽ làm đèn ông sao cho cháu.
 
Cả đêm đó tôi hồi hộp không ngủ được, cứ nằm tưởng tượng chiếc đèn ông sao nó như thế nào. Sáng, chú bộ đội dậy thật sớm và bắt đầu thực hiện lời hứa. Chú nhìn lên sàn bếp thấy mấy đoạn nứa khô ám khói, chú xin phép mẹ tôi được gỡ xuống. “Công cuộc” làm đèn ông sao thật gian nan, bởi nứa để lâu quá giòn, dễ gãy. Lúc chẻ nan, làm hình ngôi sao và úp lại với nhau thì còn dễ, nhưng khi chú dùng các thanh ngang để căng ngôi sao lên thì nứa gãy. Vậy là chú phải cắm cúi làm lại. Sự kiên trì của chú cuối cùng cũng thành công, được những ba bộ khung cho ba anh em. Kế đến, chú dùng giấy màu đỏ, giã gạo khuấy hồ rồi dán lên năm cánh. Công việc khó nhất là cắt lon sữa làm ba cái đèn, tuy nhiên chú rất khéo tay nên cũng hoàn thành trong buổi sáng. Nghĩ đến việc tối nay lũ bạn trong xóm sẽ “lác mắt”, anh em tôi sung sướng tột cùng, ngồi ngóng mặt trời chờ mau đến tối.
 
Bỗng, mây đen mây trắng kéo đến ùn ùn, trời vừa chập tối thì mưa xối xả. Anh em tôi thắp đèn ông sao, đứng xếp hàng bên thềm sốt ruột. Nhưng rồi, trời vẫn cứ mưa như chưa bao giờ được mưa. Chú bộ đội động viên, đêm mai, đêm kia vẫn cứ là Trung thu đấy, chú sẽ ở đây để rước đèn ông sao cùng các cháu.
 
Thế mà bất ngờ, ngay lúc đó những hồi còi kêu lên chát chúa. Bộ đội có lệnh hành quân vượt sông Gianh. Chỉ trong vòng năm phút, các chú đã hành quân dưới mưa tuôn. Nhìn bàn tay chú bộ đội vẫy, nước mắt anh em tôi cũng nhạt nhòa theo mưa…
 
Ba chiếc đèn ông sao ấy, cho đến hết trăng cũng không thể nào ra đường được, bởi mưa cứ kéo dài suốt mấy ngày. Tôi vẫn cố giữ chiếc đèn đến mấy năm sau không dùng, cố chờ chú bộ đội trở về nhưng không thể.
 
Sau này, cứ mỗi mùa Trung thu tôi đưa con đi chơi, gặp khi trăng sáng thì không sao. Nhưng những lúc trời mưa, kỷ niệm lại ùa về, lòng tôi cứ man mác buồn như lũ trẻ nhìn mưa vậy.
Đỗ Thành Đồng

tin liên quan

Đèn lồng bưởi
Đèn lồng bưởi

(QBĐT) - Giữa ban trưa, thằng Hạng chạy thình thịch sau lưng hồi nhà tôi và đến ô cửa sổ quen thuộc.

PGS.TS. Ngô Minh Oanh: "Anh muốn làm lá biếc"
PGS.TS. Ngô Minh Oanh: "Anh muốn làm lá biếc"

(QBĐT) - Qua một nhà thơ ở TP. Hồ Chí Minh, tôi biết đến Phó giáo sư, tiến sĩ Ngô Minh Oanh, một người gốc Quảng Bình. Ông là hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh. Cũng qua nhà thơ này, tôi biết đến "Tổ quốc mình đất biển mãi hòa nhau", tập thơ thứ 3 của nhà giáo, nhà thơ Ngô Minh Oanh.

Quảng Bình muôn vẻ
Quảng Bình muôn vẻ

(QBĐT) - Là một trong những biểu tượng của thiên nhiên miền Trung nói chung và Quảng Bình nói riêng, sông Gianh mang vẽ đẹp nguyên sơ, huyền ảo níu chân bao thi nhân mặc khách.