Vài suy ngẫm về "Văn tế thập loại chúng sinh" của Nguyễn Du

  • 10:08, 18/08/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cứ vào những rằm tháng bảy, khắp mỗi làng quê có ảnh hưởng đạo Phật, người ta vẫn thường thực hiện nghi lễ cúng Tết Trung Nguyên và lễ “Xá tội vong nhân”, Vu lan báo hiếu. Ngoài việc cúng gia thần, tổ tiên, nhà nào cũng có mâm lễ đặt giữa sân để thiết cúng “Thí thực cô hồn”. Đi một vòng quanh làng mình, thỉnh thoảng tôi vẫn nghe người dân, thậm chí có cả người hành nghề thầy cúng “tụng” bài “Văn tế thập loại chúng sinh”. Trong khi, nghi lễ chính thức này mà tôi biết, hoàn toàn không phải thế. Tuy nhiên, theo tôi khi người dân và một số vị hành nghề cúng, dùng “Văn tế thập loại chúng sinh” để tế lễ, vẫn có cơ sở và hợp tình hợp cảnh.
 
“Văn tế thập loại chúng sinh” được viết với mục đích, còn để cho tầng lớp bình dân thấu hiểu và sử dụng
 
“Văn tế thập loại chúng sinh” còn được gọi là Văn chiêu hồn hay Văn tế chiêu hồn, hiện nay vẫn chưa rõ thời điểm sáng tác. Theo các tài liệu đã có, như văn bản do Đàm Quang Thiện hiệu chú, dẫn lại ý của ông Trần Thanh Mại trên “Đông Dương tuần báo” năm 1939, Nguyễn Du viết bài văn tế này sau một mùa dịch khủng khiếp làm hàng triệu người chết, khắp non sông đất nước âm khí nặng nề; ở khắp các chùa, người ta đều lập đàn giải thoát để cầu siêu cho họ. Tuy nhiên, Giáo sư (GS.) Hoàng Xuân Hãn lại cho rằng, có lẽ Nguyễn Du viết tác phẩm này trước cả “Truyện Kiều”, tức khi ông còn làm cai bạ ở Quảng Bình.
 
Sách “Từ điển văn học” (bộ mới) cho biết, người đầu tiên phát hiện bài văn tại chùa Diệc ở TP. Vinh, tỉnh Nghệ An là GS. Lê Thước. Nhưng cổ nhất là bản khắc ván năm 1895 của nhà sư Chính Đại (nên được gọi là bản Chính Đại), được tàng trữ ở chùa Hưng Phúc, xã Xuân Lôi, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh. Từ hai bản này, GS. Hoàng Xuân Hãn đã khảo chứng, hiệu đính kỹ lưỡng và đã đưa ra một văn bản khác có độ tin cậy cao hơn.
Đại thi hào Nguyễn Du
Đại thi hào Nguyễn Du.
Văn tế là một thể loại văn học được lưu truyền từ Trung Quốc sang Việt Nam. Thời xưa, trong thủ tục tế lễ trời đất, núi sông thường có bài văn cầu chúc. Loại văn đó có tên gọi là tế văn, kỳ văn hoặc chúc văn. Về sau, khi chôn cất người thân, người ta cũng dùng văn tế để tưởng nhớ người đã mất. Văn tế nói chung là loại văn đọc khi tế cúng người đã khuất, bởi vậy nói có hình thức tế-hưởng. Chẳng hạn: Mở đầu bằng năm, tháng, ngày, kính mời vong linh người nào đó; kết thúc bằng ô hô, ai tai (Hỡi ơi! đau đớn thay!). Về hình thức viết văn tế người ta có thể dùng văn vần, tản văn, biền văn và phải tuân thủ theo quy định của thể văn đó.
 
Một bài văn tế thường có các phần: Lung khởi (cảm tưởng khái quát về người chết), thích thực (hồi tưởng công đức của người chết), ai vãn (than tiếc người chết), kết (nêu lên ý nghĩ và lời mời của người đứng tế đối với linh hồn người chết).   
 
Trong rất nhiều tác phẩm văn tế nổi tiếng bằng chữ Hán hay chữ Nôm từ xưa đến nay, các tác giả đa số thường sử dụng lối văn “biền ngẫu” rất khắt khe về niêm, luật, đối, vận. Trong đó, mỗi câu văn gồm hai vế đối nhau, được kết thúc bằng vần trắc và cả bài văn tế chỉ sử dụng một vần. Có thể dẫn ra đây bài “Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc” rất quen thuộc của cụ Nguyễn Đình Chiểu: “Hỡi ôi! Súng giặc đất rền; lòng dân trời tỏ/Mười năm công vỡ ruộng, chưa ắt còn danh nổi như phao; một trận nghĩa đánh Tây, tuy là mất tiếng vang như mõ…”. Trong đó lối văn biền ngẫu như đã nói trên, cũng như thể thức văn tế được thể hiện rất triệt để.
 
Nói hơi kỹ về thể loại văn tế, để biết rằng với “Văn tế thập loại chúng sinh” cụ Nguyễn Du đã không viết theo thể loại biền ngẫu và nguyên tắc văn tế “nghiêm ngặt” nói trên, mà cụ dùng thể thơ dân tộc, bình dân là “song thất lục bát”. Một thể thơ có nhiều người không biết chữ vẫn có thể ứng tác và rất dễ thuộc, dễ nhớ, dễ lưu truyền. Ngôn ngữ, hình ảnh được sử dụng trong bài cũng rất gần gũi với đời sống cần lao ngay khi vào bài: “Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt/Toát hơi may lạnh buốt xương khô/Não người thay buổi chiều thu/Ngàn lau nhuốm bạc, lá ngô rụng vàng…”. Như vậy, có thể thấy cụ Nguyễn Du đã xuất phát từ nhu cầu thực tế đời sống tâm linh quần chúng để sáng tạo ra bài văn tế này, giúp cho bất cứ ai cũng có thể tự mình tế lễ, bày tỏ công đức, thành kính với những linh hồn cô quạnh mà không cần đến thầy cúng, thầy chùa với những thủ tục cao siêu, tốn kém. Qua đó, chúng ta cũng nhận thấy sự nhân hậu, nhân văn, của trái tim Đại thi hào Nguyễn Du.
 
“Văn tế thập loại chúng sinh” không chỉ đơn thuần là bài văn tế cô hồn, mà còn là một bức tranh thế thái nhân tình
 
Ngay phần mở đầu bài văn tế, Nguyễn Du đã bộc lộ rõ bức tranh thế thái nhân tình của người sống: “Đường bạch dương bóng chiều man mác/Ngọn đường lê lác đác sương sa/Lòng nào là chẳng thiết tha/Cõi dương còn thế nữa là cõi âm…”. Tiếp theo, bài văn chiêu hồn đã mô tả cảnh khổ đau của mọi hạng người trong xã hội từ những kẻ quyền thế cao sang đến người xó chợ đầu đường. Tất cả mọi người không ai có thể khước từ cái chết. Tuy “mỗi người một nghiệp khác nhau” nhưng cầu “Nại Hà” (Nơi mười tầng địa ngục, theo quan điểm của đạo Phật) thì không ai có thể không bước qua, chỉ là “kẻ trước người sau” mà thôi!
 
Con người khi sống trong xã hội thì có phân biệt cao thấp, sang hèn nhưng khi chết thì đều bình đẳng! Nhất là chết mà trở thành cô hồn: “Thương thay thập loại chúng sinh/Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người!/Hương lửa đã không nơi nương tựa/Hồn mồ côi lần lữa bấy niên/Còn chi ai khá ai hèn/Còn chi mà nói kẻ hiền người ngu...”.
 
Cụ Nguyễn Du đã tả cảnh bi thương từ dương gian đến âm phủ, từ tiết đầu thu ảm đạm, thê lương của cõi dương chuyển sang cảnh “trường dạ tối tăm” bi thiết của cõi âm... để nêu ra các loại chúng sanh với những nghiệp cảnh khác nhau nhưng tựu trung đều bi thảm giống nhau. Nói là “thập loại” nhưng bài văn đã kể ra cả thảy mười sáu nghiệp cảnh. Chữ “mười” ở đây không phải là số đếm thông thường mà là tiếng tượng trưng cho sự rộng khắp, toàn vẹn như trong cách nói “mười phân vẹn mười”, “nhân vô thập toàn”...
 
Các loại chúng sinh với “mười sáu nghiệp cảnh” được nhắc đến trong văn tế là: Những kẻ “tính đường kiêu hãnh” tham danh vọng mà quên mạng sống; những kẻ giàu sang sống trong “màn loan trướng huệ” tự kiêu, tự mãn về nhan sắc...; những kẻ làm quan to “mũ cao áo rộng” cầm ngọn bút sinh sát trong tay...; những tướng sĩ “bài binh bố trận” “đem mình vào cướp ấn nguyên nhung” phơi thây trăm họ để giành công cho bản thân mình...; những kẻ tính đường trời phú, bôn ba lìa bỏ quê nhà để mong được giàu sang...; những kẻ “rắp cầu chữ quý”; những kẻ vào sông ra bể, trong sóng gió hiểm nguy...; những kẻ buôn bán đường xa; những kẻ phải đi lính; những kẻ sa cơ thất thế rơi vào “buôn nguyệt bán hoa”; những người hành khất “sống nhờ hàng xứ, chết vùi đường quan”; những kẻ mắc vòng tù ngục oan khiên; những kẻ hữu sinh vô dưỡng; những trẻ sơ sinh mất mẹ cha; những kẻ chết vì các loại nạn tai: thủy, hỏa, ác thú…; những kẻ vô tự tức không con cái, thân thuộc...
 
Trong văn bản cúng tế của đạo Phật được phát hành ở Huế, người ta chỉ liệt kê ngắn gọn các nghiệp cảnh chung chung, với mục đích triệu hồn mà thôi. Nhưng với “Văn tế thập loại chúng sinh”, cụ Nguyễn Du đã rất tài tình, khi khéo léo kết hợp chỉ rõ và đầy đủ những “nghiệp cảnh” mà con người sống trên dương thế trải qua, qua đó để nêu ra cảnh khổ của cõi âm. Rõ ràng, cụ Nguyễn Du muốn mượn văn tế cõi âm để  cảnh giác cõi dương là nơi mà cuộc tranh giành lợi danh, tiền của thường rất gắt gao và hung hãn. Nơi mà nhiều khi con người ta vì danh lợi đã đánh mất tình người. Tác giả nhắc cho mọi người thấy rõ rằng: “Sống thời tiền chảy bạc ròng/Thác không đem được một đồng nào đi…”, thông qua đó để giáo dục con người về đạo đức sống, là thứ có thể tồn tại lâu dài dù con người đã về với đất.
 
Kết thúc bài văn tế, cụ Nguyễn Du đã dùng lời văn thống thiết để kêu gọi các loại cô hồn hãy “khôn ngoan” lắng nghe kinh kệ, để nương nhờ phép Phật mà thoát khổ. Lấy Phật làm lòng lành, thì tự nhiên siêu thoát trong luân hồi: “Nhờ phép Phật uy linh dũng mãnh/Trong giấc mê khua tỉnh chiêm bao/Mười loài là những loài nào/Gái trai già trẻ đều vào nghe kinh/Kiếp phù sinh như hình bào ảnh/Có chữ rằng:“Vạn cảnh giai không”/Ai ơi lấy Phật làm lòng/Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi…”. Ấy cũng là lời kêu gọi cho những người đang sống thức tỉnh cơn mê lầm vậy!
 
Nhân đến ngày rằm tháng bảy, thêm một lần nữa đọc “Văn tế thập loại chúng sinh” của cụ Nguyễn Du, để cảm phục tấm lòng vì dân của một “Đại thi hào”.
Đỗ Thành Đồng

tin liên quan