Khơi dậy khát vọng phát triển quê hương

  • 07:08, 01/08/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cuộc vận động (CVĐ) sáng tác văn học nghệ thuật (VHNT) nhân dịp kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình, 75 năm Ngày Quảng Bình quật khởi và 35 năm Ngày tái lập tỉnh được đã khép lại sau đêm trao giải ấn tượng. Song dư âm của giải mãi còn lắng đọng là “chất xúc tác” để văn nghệ sĩ (VNS) trong tỉnh tiếp tục miệt mài lao động nghệ thuật nhằm tạo nên những “mùa quả ngọt” trên hành trình mới.
 
Nhạc sĩ Đinh Gia Hòa, quê ở TP. Đồng Hới, sinh sống tại TP. Đà Nẵng chia sẻ: Dù có ở đâu, làm gì thì hai tiếng Quảng Bình thân thương vẫn luôn lắng đọng trong trái tim tôi, là nguồn cảm hứng để tôi sáng tác nên nhiều ca khúc về quê hương mình, như: “Bài ca phố biển” viết trong những năm đế quốc Mỹ đánh phá Đồng Hới ác liệt và “Tiếng vọng Phong Nha”, “Mơ về Nhật Lệ”, “Quảng Bình đất mẹ yêu thương”, “Hoàng hôn Nhật Lệ”, “Quê hương tôi hát mãi tên Người”, “Anh cùng em hát điệu hò khoan”… Lần này, ca khúc “Quảng Bình đón Bác” được trao giải C với tôi là sự động viên, khích lệ rất lớn. Tôi xem đó là món quà dành tặng cho tuổi 81 của mình. Đặc biệt, tỉnh tổ chức rất tốt lễ trao giải. Các nội dung trong chương trình khá phong phú thể hiện sự ghi nhận, đánh giá cao đối với những cống hiến của VNS và trí thức.
Lãnh đạo tỉnh trao thưởng cho các tác giải đoạt giải.
Lãnh đạo tỉnh trao thưởng cho các tác giải đoạt giải.
Điều đáng mừng, trong danh mục giải thưởng, bên cạnh những tên tuổi tác giả có “thương hiệu”, tuổi đời khá cao, như: Hoàng Sông Hương, Dương Viết Chiến, Đinh Gia Hòa, Đỗ Duy Văn, Trương Vĩnh Hạnh… có không ít những tác phẩm thuộc thế hệ 8X, 9X, như: Nguyễn Hải, Bùi Cường, Trần Phan Hoàng Anh, Trác Diễm… Đó là minh chứng về sự tiếp nối trong dòng chảy VHNT tỉnh nhà.
 
Ở lĩnh vực nhiếp ảnh, cái tên Trần Phan Hoàng Anh được xướng lên ở ngôi vị cao nhất với tác phẩm ảnh đơn “Vòng xoay thời gian”. Hoàng Anh là gương mặt khá mới trong “làng” nhiếp ảnh Quảng Bình nhưng lại là gương mặt triển vọng khi mới 22 tuổi đã sở hữu trong tay bộ sưu tập khá dày về ảnh, chủ yếu chụp ở quê hương Quảng Bình.
 
Đối với nhiếp ảnh, Hoàng Anh là con nhà nòi. Cô là con gái của nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng An (Chi hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tỉnh Quảng Bình). Hoàng Anh tâm sự: Đam mê nhiếp ảnh nên bất cứ lúc nào có thời gian em đều “xách ba lô lên và đi” đến các địa phương thuộc vùng khó khăn của tỉnh để ghi lại nhiều hình ảnh đẹp về thiên nhiên, con người mỗi vùng đất. Em chụp rất nhiều ảnh về đề tài du lịch Quảng Bình, như: Cổng Trời, Cha Lo, làng du lịch Tân Hóa, hệ thống hang, động cùng các danh lam, thắng cảnh…
Trần Phan Hoàng Anh, tác giải của tác phẩm ảnh đơn “Vòng xoay thời gian” đoạt giải A là gương mặt trẻ nhất tham gia CVĐ.
Trần Phan Hoàng Anh, tác giải của tác phẩm ảnh đơn “Vòng xoay thời gian” đoạt giải A là gương mặt trẻ nhất tham gia CVĐ.
Nói về bức ảnh đoạt giải nhất, Hoàng Anh cho rằng: Đó là một sự may mắn bởi em đã gặp và chớp được khoảnh khắc “đắt” nhất  để có một “Vòng xoay thời gian” khá ưng ý. Hoàng Anh kể: Trong một lần cùng gia đình đi ngắm biển, khi đến gần công trình cầu Nhật Lệ 3 em bị cuốn hút bởi ánh sáng từ hệ thống điện chiếu từ trên cao và sự hiện đại của công trình nên quyết định ghi lại vẻ đẹp rực rỡ trên công trình này bằng ngôn ngữ nhiếp ảnh. Không dừng lại ở đó, Hoàng Anh nhiều lần đến công trình, thử các góc chụp và lựa chọn bức ảnh “trội” nhất tham gia dự thi.
 
Đối với Hoàng Anh, cảm xúc là yếu tố quan trọng nhất để tạo nên một tác phẩm ảnh nghệ thuật. Với “Vòng xoay thời gian” khoảnh khắc bấm máy là lúc em thấy mình có sự thăng hoa về mặt cảm xúc và em đã gặp lại cảm xúc này khi biết tác phẩm được giải thưởng. Niềm vui đó là động lực để em tiếp tục dấn thân với sự nghiệp nhiếp ảnh, một lĩnh vực đòi hỏi người nghệ sĩ phải tích cực xâm nhập thực tế, chấp nhận thử thách và nhiều khi phải đối mặt với sự mạo hiểm. Cũng từ những bức ảnh chụp về Quảng Bình, Hoàng Anh đã hoàn thành xuất sắc đề tài tốt nghiệp, trở thành thủ khoa (đầu ra) chuyên ngành Nhiếp ảnh báo chí của Trường đại học Sân khấu-Điện ảnh.
Các ca khúc hay về Quảng Bình được lựa chọn biểu diễn trong lễ trao thưởng tạo ấn tượng đối với người nghe.
Các ca khúc hay về Quảng Bình được lựa chọn biểu diễn trong lễ trao thưởng tạo ấn tượng đối với người nghe.
Ở lĩnh vực thơ, các tác phẩm đã mang đến cho người yêu thơ những hình ảnh thân quen, gần gũi. Đó là người mẹ tảo tần, dòng sông xanh, con đò nhỏ, cánh đồng yên ả… Tất cả được “dệt” nên từ tình yêu quê hương của người cầm bút. Tác giả Trương Vĩnh Hạnh (hội viên Hội VHNT Quảng Bình) là người đoạt giải A với chùm thơ, gồm các bài: “Viết trong đêm ở làng Nhân”, “Cha”, “An Mã”, “Hang Tám cô”, “Thành phố bên bờ sông”. “Người thơ” Trương Vĩnh Hạnh quê ở làng Cổ Hiền (xã Hiền Ninh, Quảng Ninh), vùng đất có tên trong bát danh hương của tỉnh “Sơn, Hà, Cảnh, Thổ, Văn, Võ, Cổ, Kim” và lập nghiệp, sinh sống ở thị trấn Phong Nha (Bố Trạch), vùng quê nổi tiếng về tiềm năng du lịch của tỉnh. Chính những miền quê thân thương ấy và những năm tháng theo nghiệp “bảng đen, phấn trắng” là nguồn cảm xúc, nuôi dưỡng tâm hồn thi ca của ông.
 
Ông cho hay: Tôi làm thơ từ thời Bình Trị Thiên nhưng phải đến những năm nghỉ hưu mới có nhiều thời gian để tập trung sáng tác. Khi biết mình đoạt giải, tôi thực sự bất ngờ, “vỡ òa” bao cảm xúc. Tôi mong rằng, lãnh đạo tỉnh, Hội VHNT tiếp tục có những “sân chơi” ý nghĩa như vậy.
 

“Để có một tác phẩm VHNT tốt, bên cạnh tài năng, người nghệ sĩ phải có tình yêu mãnh liệt với quê hương. Vùng đất Quảng Bình có bề dày lịch sử 420 năm xây dựng và phát triển, có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, con người giản dị, cần cù, chăm chỉ và mến khách... chính là mạch nguồn cảm xúc để sáng tạo nên những hình tượng nghệ thuật đặc sắc. CVĐ kết thúc nhưng hành trình sáng tạo VHNT của anh, chị em VNS vẫn tiếp tục và đề tài về quê hương, con người Quảng Bình mãi không bao giờ vơi cạn”, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, nhà điêu khắc Phan Đình Tiến bày tỏ.

Thể loại có số lượng tác phẩm tham gia ít nhất là Văn hóa văn nghệ dân gian (5 tác phẩm) và giải A thuộc về tác phẩm “Giáo dục và khoa cử làng Cảnh Dương xưa và nay” của tác giả Trần Quang Bình. Để có những công trình nghiên cứu, các tác giả đã dành rất nhiều thời gian xâm nhập thực tế, chắt lọc tư liệu và xâu chuỗi theo trình tự nhằm lưu giữ trọn vẹn những tên đất, tên làng, tên núi, tên sông của các vùng quê một cách khá trọn vẹn từ lịch sử hình thành, đời sống văn hóa, nếp sinh hoạt của người dân…

Đất và người Quảng Bình còn là niềm cảm hứng bất tận để rồi có một “Quảng Bình trong câu hát” lắng đọng trong lòng người nghe. Đó là những giai điệu ngọt ngào của ca khúc “Con sông miền ký ức” của Đặng Thái Sơn, thơ Hoàng Bình Trọng, “Tuyên Hóa khúc tình xuân” (Hoàng Sông Hương), “Sông trăng Nhật Lệ” (Trần Tích, Xuân Lợi), là tình cảm dạt dào của người dân Quảng Bình đối với Bác Hồ kính yêu trong “Quảng Bình đón Bác” (Đinh Gia Hòa), là những thanh âm bay bổng trong “Phong Nha đệ nhất kỳ quan” của Lê Đức Trí, thơ Thanh Trắc Nguyễn Văn…
 
Trong rất nhiều ca khúc hay về quê hương Quảng Bình, ca khúc “Lệ Thủy quê mình” của tác giả Nguyễn Anh Trí, thơ Nguyễn Thành Hưởng được trao giải A. Với ca từ mộc mạc, đậm chất Lệ Thủy, giai điệu ngọt ngào, đằm thắm tạo sự lắng đọng trong lòng người nghe về một vùng quê “gió mưa như lấy đất này làm điểm hẹn, để mở hội thi mà chọn trai gái can trường…”. Đề tài đa dạng, nhiều góc nhìn, cách cảm nhận của mỗi tác giả đã tạo ra sự phong phú, đa dạng, đa sắc màu về một Quảng Bình xưa và nay.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Tân: “Đây là lần đầu tiên tỉnh tổ chức CVĐ sáng tác VHNT về quê hương Quảng Bình với quy mô toàn quốc. Bằng ngôn ngữ đặc trưng của từng chuyên ngành, các tác phẩm đã khẳng định giá trị văn hóa riêng biệt của Quảng Bình. Mỗi tác phẩm là một góc nhìn rất riêng, độc đáo và đầy yêu thương về mảnh đất, con người Quảng Bình. Hy vọng, những tác phẩm tham gia CVĐ lần này sẽ là những viên gạch đóng góp cho sự phát triển của ngôi nhà chung VHNT Quảng Bình, là một khe suối nhỏ hòa mình trong dòng chảy VHNT của tỉnh và cả nước”.

Nh.V

 

tin liên quan

Chòng chành nón lá
Chòng chành nón lá
(QBĐT) - Chỉ còn những leo teo nỗi nhớ
Mưa nắng gọi nhau í ới không mùa
Chỉ còn những thóp thoi ngoái nhìn xa vắng
Che đầu-khúc khích-mắt đưa
Xây dựng mô hình di sản kết nối gắn với hành trình du lịch di sản
Xây dựng mô hình di sản kết nối gắn với hành trình du lịch di sản

(QBĐT) - Sáng nay, 1/8, tại xã Trọng Hóa (Minh Hóa), Sở Văn hóa và Thể thao khai mạc lớp tập huấn xây dựng mô hình di sản kết nối gắn với hành trình du lịch di sản để phát triển cộng đồng các dân tộc thiểu số có di sản tương đồng. 

Tạp chí văn nghệ với vấn đề quảng bá du lịch địa phương
Tạp chí văn nghệ với vấn đề quảng bá du lịch địa phương

(QBĐT) - Đó là chủ đề của hội thảo giữa các tạp chí văn nghệ 6 tỉnh Bắc miền Trung, được tổ chức tại TP. Đồng Hới, ngày 31/7.