Gìn giữ cho muôn đời sau-Bài 1: Để làng quê không vắng bóng câu hò, điệu hát

  • 11:08, 07/08/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Bên cạnh những câu lạc bộ văn hóa văn nghệ dân gian (CLB VHVNDGđược đầu tư bài bản, hoạt động bền bỉ suốt thời gian dài và nhận được nguồn hỗ trợ ổn định, vẫn còn đó không ít CLB gặp nhiều khó khăn trong quá trình trao truyền các giá trị văn hóa. Đó có thể là thách thức về nguồn kinh phí duy trì hoạt động, hay thiếu trang phục biểu diễn, địa điểm tập luyện hạn chế hoặc khan hiếm sân chơi giao lưu, học hỏi... Nhưng nan giải hơn cả chính là nhiều nghệ nhân tuổi cao, sức yếu, trong khi thế hệ trẻ do nguyên nhân khách quan, chủ quan lại không thể “đi đường dài”. Do đó, việc thiếu sự trao truyền, kế tục là điều không thể tránh khỏi.
 
CLB Ca trù phường Quảng Phong (TX. Ba Đồn) bấy lâu nay nức tiếng gần xa bởi những tiết mục biểu diễn chất lượng, các nghệ nhân tâm huyết với ca trù và nhất là nỗ lực duy trì đều đặn, thường xuyên hoạt động. Vậy nhưng, theo bà Nguyễn Thị Thương (Chủ nhiệm CLB ca trù phường Quảng Phong), CLB gặp nhiều khó khăn trong việc “đãi cát tìm vàng”, tìm kiếm thế hệ trẻ để trao truyền. CLB hiện có 6 thành viên đều cũng đã trên 70 tuổi, người lớn tuổi nhất cũng sắp bước qua tuổi 80, một thành viên bị bệnh nên không thể tham gia. Với 5 thành viên ít ỏi, các mệ vẫn quyết tâm tập luyện và tham gia biểu diễn tại đình làng Lũ Phong vào dịp đầu năm hay các sự kiện quan trọng khác.
 
Trước đây, CLB có một thành viên trẻ tuổi cùng tham gia tích cực, nhưng gần đây, do điều kiện gia đình, lại phải theo kế sinh nhai, nên không thể sinh hoạt cùng CLB. Trong khi đó, công tác vận động lớp trẻ tập luyện ca trù lại càng khó khăn hơn. Nhiều bạn trẻ bị hấp dẫn bởi các thể loại nhạc hiện đại nên không mặn mà, thiếu nhiệt huyết với ca trù. Mặc dù các thành viên CLB đã tích cực động viên, khuyến khích các cháu cùng tham gia, nhưng cũng đành lỡ hẹn. Chỉ lo lắng khi vài năm nữa thôi, các mệ tuổi cao, sức yếu, không còn điều kiện để “giữ lửa” ca trù thì loại hình nghệ thuật dân gian này sẽ bị lãng quên ở phường Quảng Phong.
Các CLB VHVNDG trên địa bàn tỉnh được duy trì bởi tình yêu, đam mê của các thành viên dành cho di sản truyền thống cha ông để lại.
Các CLB VHVNDG trên địa bàn tỉnh được duy trì bởi tình yêu, đam mê của các thành viên dành cho di sản truyền thống cha ông để lại.
Cùng chung nỗi lo của CLB ca trù phường Quảng Phong là CLB Đàn và hát dân ca xã Hải Phú (Bố Trạch). Theo bà Phạm Thị Hồng Phương, Chủ nhiệm CLB, với 27 thành viên có độ tuổi từ 25-75, CLB có thế mạnh với dân ca Bình Trị Thiên, nên cũng thường xuyên tập luyện và tham gia các hội thi, hội diễn hay các sự kiện văn hóa, du lịch trong và ngoài huyện Bố Trạch. Các thành viên của CLB chủ yếu từ thôn Đông Duyệt 1 và từ các thôn khác của xã Hải Phú, góp phần lan tỏa phong trào VHVNDG tại địa phương. Tuy nhiên, với tuồng cổ lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.
 
Bà Phạm Thị Hồng Phương tâm sự, tuồng cổ có sức sống lâu đời, gắn bó với làng quê này không biết tự bao giờ. Người dân nơi đây vốn say mê tuồng cổ và các làn điệu dân ca, nhưng rồi do nhiều yếu tố khách quan, chủ quan, việc bảo tồn và phát huy các giá trị VHVNDG gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với tuồng cổ. Các nghệ nhân hát tuồng cổ hoặc là đã qua đời, hoặc tuổi cao sức yếu khó có thể truyền dạy cho thế hệ sau. Thêm vào đó, thực tế cho thấy giới trẻ hiện nay không mặn mà, tâm huyết với loại hình nghệ thuật này, chưa kể đến độ khó trong việc tập luyện, biểu diễn. Bà và khoảng 2, 3 người trong CLB may mắn được các cụ cao niên truyền dạy một số làn điệu tuồng cổ cơ bản, nhưng vẫn còn đó nhiều làn điệu, vở diễn và cả cách chơi các nhạc cụ xưa đang đứng trước nguy cơ thất truyền.
 
“CLB rất mong muốn nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa từ chính quyền các cấp, sở, ban, ngành liên quan để CLB có điều kiện tập trung hơn vào việc bảo tồn, phát huy giá trị tuồng cổ và các làn điệu dân ca; đồng thời có cơ hội tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng biểu diễn”, bà Phạm Thị Hồng Phương chia sẻ.
 
Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thể thao-Truyền thông huyện Bố Trạch Nguyễn Xuân Thịnh cho biết, thời gian qua, Bố Trạch hỗ trợ kinh phí thành lập 4 CLB nghệ thuật truyền thống ở 4 xã căn cứ vào thế mạnh của từng địa phương, như: CLB Đàn và hát dân ca ở xã Hải Phú, CLB Tuồng cổ Khương Hà ở xã Hưng Trạch, CLB VHDG xã Nhân Trạch...
 

Theo thống kê từ Sở Văn hóa-Thể thao, tính riêng năm 2023, toàn tỉnh có thêm 12 CLB văn hóa nghệ thuật, 65 CLB thể dục thể thao được thành lập mới.

Bên cạnh những thuận lợi, riêng ở xã Hải Phú, tuồng cổ đang có nguy cơ thất truyền. Bà con rất mong muốn có được sự hỗ trợ kịp thời, nhất là từ các nguồn xã hội hóa để bảo tồn các giá trị của tuồng cổ ở vùng đất giàu truyền thống này, như: Hỗ trợ về trang phục biểu diễn, sưu tầm, lưu giữ các làn điệu, vở diễn cổ hay tập huấn bồi dưỡng chuyên sâu... Nhưng trước hết, tuồng cổ rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương bởi cần có sự chung sức trước khi tuồng cổ bị mai một, lãng quên.
 
Thực tế cho thấy, mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong thời gian qua từ các chính quyền địa phương và các cấp, ngành, nhưng nhiều CLB VHVNDG vẫn nan giải trong việc tìm thế hệ tiếp theo để trao truyền và bảo tồn các vốn quý, cũng như có kinh phí nhằm sưu tầm, lưu giữ các tư liệu quý.
 
Nếu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có nguồn kinh phí hỗ trợ từ dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021-2025; hay một số loại hình VHVNDG được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia được quan tâm để bảo tồn, thì không ít CLB trên địa bàn tỉnh vẫn loay hoay, tự tìm lối đi trong bối cảnh xã hội hóa lĩnh vực này không được thuận lợi. Bên cạnh đó, thành viên của các CLB chủ yếu là người cao tuổi, gặp khó khăn trong tiếp cận công nghệ thông tin để tăng cường quảng bá, giới thiệu hay liên kết, mở rộng giao lưu nhằm thúc đẩy hoạt động của CLB.
Mai Nhân
 
>>> Bài 2: Bền bỉ sức sống văn nghệ dân gian
 
 

tin liên quan

Điều chưa kịp nói
Điều chưa kịp nói
(QBĐT) - Điều ta chưa kịp nói
Mùa thu gõ cửa rồi
Giữa thinh không vũ trụ
Ngôi sao băng rạch trời
Như một nốt trầm
Như một nốt trầm

(QBĐT) - Là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nhưng tác giả Đặng Thị Kim Liên lại có một "gia tài" thơ khá dày với trên 1.000 bài thơ được tập hợp trong các tập thơ, đăng ở các báo, tạp chí và lưu giữ ở dạng bản thảo. 

Quảng Bình có 142 di tích được xếp hạng
Quảng Bình có 142 di tích được xếp hạng

(QBĐT) - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lê Minh Tuyên cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh đã tranh thủ mọi nguồn lực, huy động sức mạnh của toàn xã hội để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, di sản văn hóa.