(QBĐT) - “Ngày mai anh về xuôi” là bài thơ của cố thi sĩ Xuân Hoàng viết vào tháng 2/1949, trong đó có hai câu thơ nhắc đến sự chia ly thời chiến: Ngày mai anh về xuôi/Đường truông dài lau sậy… Nhưng ai về xuôi? Về xuôi để làm gì trong thời điểm tháng 2/1949 này? Theo bài thơ, những người về xuôi là lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ cách mạng… ở chiến khu có nhiệm vụ “hạ sơn” tham gia chiến dịch “giành lại đất”, “giữ lấy dân” “nhen lý tưởng”… trong bối cảnh ở miền xuôi của tỉnh Quảng Bình đang “Căm hờn mờ thôn xóm/Khói lửa xém vườn cau/Khăn tang đầy ngõ trắng…” dưới ách kìm kẹp của thực dân Pháp.
Liên tưởng đến lịch sử, ngày 19/5/1949, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ II quyết định: “Rời chiến khu, thực hiện hạ sơn, bám dân, bám làng hoạt động”, phát động Tuần lễ “Quảng Bình quật khởi” mở màn vào ngày 15/7/1949 với khẩu hiệu hành động: “Miền Nam mạnh là Quảng Bình mạnh”, nhằm phát triển phong trào kháng chiến chống Pháp với trọng điểm là hai huyện miền xuôi (phía Nam tỉnh) Quảng Ninh, Lệ Thủy đang chịu sự khống chế của địch. Tuy nhiên, bài thơ Ngày mai anh về xuôi lại được nhà thơ Xuân Hoàng viết vào tháng 2/1949, sớm hơn thời điểm đại hội Đảng bộ tỉnh 3 tháng, phải chăng tác giả và thi ca có năng lực dự báo?
Khoảng cuối tháng 6/1990, trong dịp kỷ niệm 41 năm Ngày Quảng Bình quật khởi, nhà thơ Xuân Hoàng mang đến cho tôi bản thảo bài báo “Chuyến đi làm báo”, là hồi ức sống động về những tháng ngày ông công tác tại tòa soạn báo Dân Muốn của tỉnh trước và trong thời điểm Tuần lễ “Quảng Bình quật khởi” diễn ra (15-22/7/1949). Bài viết có tình tiết: “Sau khi dự cuộc họp ở Khu ủy Liên khu 4 về, anh Địch triệu tập chúng tôi lại thông báo: Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình sẽ họp trong dịp này, sau đó toàn tỉnh sẽ phát động phong trào du kích chiến tranh phối hợp với các chiến trường lớn trong cả nước. Tờ Dân Muốn sẽ được đổi tên Đánh Mạnh để góp phần gây khí thế chung (…). Nhờ nắm được quan điểm “hạ phóng” của đại hội, tôi đã viết bài thơ Ngày mai anh về xuôi”.
Ngày nay, qua các bộ chính sử và các tài liệu lịch sử khác ở địa phương, chúng ta biết rằng, Tuần lễ “Quảng Bình quật khởi” là cuộc phát động toàn dân, toàn diện đánh địch trên tất cả các mặt trận quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, kết hợp công tác địch vận, phá tề, bao vây kinh tế địch; xây dựng tổ chức đảng, chính quyền vững mạnh, tổ chức sản xuất kinh tế ở hậu phương... để kháng chiến chống Pháp.
Trong sự huy động tổng lực đó, việc ra đời sớm bài thơ Ngày mai anh về xuôi cho thấy vai trò đi trước và quan trọng của công tác truyền thông, báo chí, văn nghệ trong kháng chiến nên đã được tổ chức kích hoạt đúng lúc. Theo nhà thơ Xuân Hoàng: “Bài thơ còn mang tính động viên chung chung, nhưng trong thời điểm đó, không ít anh em cán bộ đã thuộc lòng và tâm đắc nó, có lẽ do bài thơ nói đúng được ao ước “hạ sơn” của cán bộ ngay sau Đại hội Kim Bảng nổi tiếng của tỉnh”.
![]() |
Sau đó, chính nhà thơ Xuân Hoàng từ tòa soạn báo Đánh Mạnh cũng mang khí thế này “hạ sơn” xuống các huyện trong tỉnh xây dựng mạng lưới cộng tác viên kết hợp viết bài về cơ sở. Cùng với các hướng phát triển khác, cộng tác viên các huyện gửi bài về cho báo Đánh Mạnh ngày càng nhiều, từ đó tờ báo có hơi thở cuộc sống hơn trong việc phản ánh chủ trương chuyển mạnh sang tổng phản công và Tuần lễ “Quảng Bình quật khởi” của tỉnh, có tác dụng tuyên truyền hiệu quả khi phát hành số lượng lớn về tận thôn quê.
Cùng với báo chí, công tác thông tin truyền thông, sáng tác văn nghệ cũng được chú trọng đẩy mạnh trong phạm vi toàn tỉnh với nhiệm vụ chủ đạo: Tuyên truyền chiến thắng quân sự trên chiến trường, tuyên truyền địch vận, phá tề, trừ gian trong vùng tạm chiếm và cả tuyên truyền kết quả bao vây kinh tế địch, bài trừ hàng ngoại hóa… bằng các sản phẩm thông tin (truyền đơn, gọi loa, hò hát…), các sáng tác văn nghệ (văn xuôi, thơ, trường ca, bài hát, tranh vẽ)…
Chẳng hạn, việc sáng tác và phổ biến các câu hò khoan sản xuất, hò khoan địch vận… thời kỳ này phát triển rầm rộ, hiệu quả, đặc biệt ở các huyện Quảng Ninh, huyện Lệ Thủy, xã Bảo Ninh (TX. Đồng Hới)… là những vùng địch đang tạm thời kiểm soát. Lịch sử đã ghi lại và những người đương thời đến nay vẫn còn nhớ sự kiện làm binh biến thắng lợi, trở về với cách mạng của các ngụy binh đồn Cổ Hiền đóng ở Đuồi Diện (Quảng Ninh) một phần là nhờ tác động từ các câu hò của anh Tồn và đội hò địch vận ở địa phương; hay những câu hò khoan địch vận da diết của mẹ Tòng ở xã Ninh Châu, nơi đúng đêm 15/7/1949 phát tiếng trống lệnh mở màn cho phong trào “Quảng Bình quật khởi”:
Tưởng anh ra đi mang về danh giá,
Không ngờ anh về nhổ hành mệ Đóa,
bưng trách cá mệ Thào…
Còn lẽ làng chi nữa anh nào,
anh không quay về với Tổ quốc,
Còn vác súng bắn đồng bào nỗi chi!
Còn với các thể loại sáng tác văn học: Ngoài một số rất ít tác phẩm truyện ngắn, truyện vừa, phóng sự... các sáng tác thời kỳ này chủ yếu là thơ ca. Thơ ca cách mạng từ chiến khu, từ vùng địch hậu lan nhanh về thôn xóm, trong nhân dân suốt từ những ngày đầu “hạ sơn” cho đến hết cuộc kháng chiến với một nội dung chính là tập trung phản ánh, ca ngợi cuộc kháng chiến hy sinh, gian khổ nhưng đầy vẻ vang với tất cả những khía cạnh phong phú của nó.
Chỉ với tên các bài thơ kể ra dưới đây cho thấy cuộc kháng chiến đã được thơ ca phản ánh một cách khá toàn diện và chất phác, trong đó ở tiền phương: Đánh liên hồi, Chiến thắng Sen Bàng, Độn thổ, Chiến sỹ Minh Lệ, Chống càn, Đánh đồn An Lạc…; ở hậu phương có: Rào làng, Chút lòng tản cư, phân tán trâu bò, rau lạng cá mòi, Một trận càn, Báo động, Tình ca cây sắn, Bao giờ biển lặng…; tình quân dân: Gửi mẹ, Về với dân, Qua làng, Lòng dân, Bát nước, Bà mẹ Ninh Châu… ; đoàn kết dân tộc: Lương giáo Hòa Ninh, Về đây anh…
Tiêu biểu thơ ca giai đoạn này là trường ca. Có thể nói trong tiến trình văn học Quảng Bình chưa có giai đoạn nào lại xuất hiện nhiều trường ca như lúc này. Hầu hết trong số đó là những trường ca trực tiếp tái hiện và ngợi ca những chiến công vang dội của quân và dân ta như những khúc ca chiến thắng: Tiếng hát Sông Gianh (Xuân Hoàng), Chiến thắng Sen Bàng, Chiến sỹ Xuân Bồ (Dương Tử Giang), Chiến thắng Xuân Bồ (Trần Đình Hiếu), Giải phóng Ba Đồn (Lê Hồng Cần), Đánh đồn An Lạc, Chiến thắng Mỹ Lộc, Xuân Lai (Văn Dinh).
Bên cạnh đó, còn có những trường ca khác ca ngợi những vùng quê nghèo khó mà anh dũng (Về Bố Trạch-Xuân Hoàng), phản ánh đời sống người thợ, người chiến sĩ (Bài ca người thợ, Chiến sỹ Minh Lệ-Dương Tử Giang) hoặc phê phán các hành vi phi kháng chiến (Chống hàng ngoại hóa-Văn Dinh). Các trường ca, đến lượt mình lại được “đi” vào ca dao như một niềm tự hào của quê hương: Quảng Bình là đất trường ca/Đất đai chi Bảo Đại mà kéo Tây qua đóng đồn”.
Có thể nói rằng, đóng góp to lớn của báo chí, truyền thông, văn nghệ kháng chiến Quảng Bình trong cao trào “hạ sơn” và các thời kỳ sau đó là ở nội dung phong phú cùng hình thức thể hiện mộc mạc, sâu lắng và kịp thời phục vụ công cuộc kháng chiến chống Pháp nên được bạn đọc, nhân dân chào đón, ghi nhớ và lan truyền.
Trở lại bài thơ Ngày mai anh về xuôi của nhà thơ Xuân Hoàng, mặc dù ông khiêm tốn tự đánh giá “bài thơ mang tính động viên chung chung”, nhưng chỉ với khổ thơ hùng tráng mang tính dự báo này chúng ta thấy ông là một trong số rất ít các nhà thơ chuyên nghiệp đi kháng chiến và kháng chiến chuyên nghiệp bằng thơ:
Anh đi mỗi bước còn gian khổ
Nhưng tiếng mùa xuân đã báo rồi:
Nắng sẽ bừng lên trên nội cỏ,
Hẹn ngày hoa trái sắp đua tươi…
Trần Hùng
Tài liệu tham khảo:
- Lịch sử Đảng bộ Quảng Bình, tập 1 (1930-1945), Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình, năm 1995.
- Lịch sử ngành Văn hóa-Thông tin Quảng Bình 1945-2000, Sở Văn hóa-Thông tin Quảng Bình, 2005.
- Quảng Bình kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 1945-1954, Thường vụ Tỉnh ủy, Đảng ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình, 1991.
- Một thời khói lửa, Nhiều tác giả, NXB Văn học và Hội Văn học-Nghệ thuật Quảng Bình, 1994.
- Chuyến đi làm báo, Xuân Hoàng, Thông tin Văn hóa Đời sống, số 9 (1/7/1990), Sở Văn hóa-Thông tin Quảng Bình.