(QBĐT) - Nguyễn Văn Kêng là bạn học của tôi thuở thiếu thời ở thôn Thanh Khê, xã Thanh Trạch (Bố Trạch). Kêng rất khỏe, người thấp, tóc quăn, nước da ngăm đen. Các trò đánh khăng, trọi vụ, ù mọi..., trò gì Kêng cũng tỏ ra xuất sắc.
Đặc biệt là bơi lội và đánh du kích thì không đứa trẻ nào ở xóm tôi qua mặt được cậu ta. Mỗi lần thi lặn, chúng tôi thằng nào giỏi lắm ở dưới nước chừng dăm sáu phút là phải trồi lên. Kêng chơi một hơi hơn mười lăm phút. Thời phà Gianh chưa di dời, chúng tôi thường leo lên phà. Đợi cho phà ra khá xa, một đứa làm trọng tài thả hòn đá cuội xuống nước rồi hô:
- Một... hai... ba... nhảy!
Bảy, tám đứa ở trên phà nhảy cùng một lúc, nhưng bao giờ Kêng cũng là đứa lặn xuống đáy sông nhanh nhất, tìm được hòn sỏi sớm nhất. Những đêm trăng sáng, chúng tôi thường tụ tập ở bãi gỗ cảng Gianh chơi trò du kích. Đầu tiên là chia phe. Phe nào may mắn có Kêng là cầm chắc phần thắng trong tay. Chúng tôi chọn những chỗ thật tối trong các kẽ hở ở những đống gỗ trên bãi sông ngồi thu lu, hoặc nằm co quắp cho đối phương không thể phát hiện. Hễ “kẻ địch” đi, bò hay chạy ngang qua là “bắn”. Nhưng phải “bắn” trúng tên, nếu đối phương trùng tên thì phải hô cả họ hoặc kèm theo biệt danh, như: Bàu Toác, Vện Vàng, Tiếp Còng... Nếu hô tên họ sai, bị đối phương “bắn” lại là y như “chết”. Vì đối phương rất dễ nhận giọng.
Sau một thời gian quy định (thường khoảng một tiếng đồng hồ) hai bên tập hợp, kiểm tra quân số. Bên nào bị bắn chết nhiều hơn coi như thua cuộc. Trao trả tù binh xong, lại tiếp tục chơi, có khi đến nửa đêm mới chịu ra về. Đó chỉ là kiểu nấp rình bắn nhau. Còn có kiểu dàn quân xáp la cà. Quân hai bên đứa nào cũng hóa trang rất kỹ. Đứa bôi nhọ nồi đầy mặt, đứa trùm khăn kín đầu, đứa đeo mặt nạ... Nhận ra đối phương chủ yếu là qua dáng người, qua hơi thở. Nhưng phải tiếp cận thật sát đối phương và biết đích xác mới “nổ súng”. “Bắn” chỉ vừa đủ cho đối phương nghe. “Bắn” to rất dễ bị lộ. Ngoài ra, còn có trò giấu “tướng”.
Quân hai bên cử hai vị tướng rồi đem tướng đi giấu. Bên nào bắt được tướng của đối phương trước xem như thắng cuộc. Kêng thường được chúng tôi cử làm tướng. Đôi khi "tướng" Kêng ngáy khò khò ở nhà mà quân đối phương vẫn phải cứ đi tìm...
Tôi, Nghĩa và Kêng cùng thi đỗ và lên học Trường cấp 3 Quảng Trạch. Đang học giữa chừng thì Kêng rủ tôi và Hoàng Hiếu Nghĩa làm hồ sơ đi học trung cấp Thủy sản ở Hải Phòng. Khi khám sức khỏe, bác sĩ phát hiện tôi hở van tim nên bị loại. Kêng và Nghĩa học trung cấp Thủy sản được một năm thì chiến tranh nổ ra.
Cả hai đều được điều động vào binh chủng Hải quân. Kêng trở thành lính đặc công nước còn Nghĩa thì đi học trường đào tạo sĩ quan Hải quân ở Liên Xô. Khi trở thành lính đặc công nước, Kêng đã phát huy hết tài nghệ của mình. Nguyễn Văn Kêng cùng đồng đội đã ghi những chiến công vang dội ở cảng Cửa Việt, Vũng Tàu, Cam Ranh… (chỉ riêng ở cảng Cửa Việt, đặc công nước đã đánh chìm, đánh hỏng 336 tàu xuồng của địch).
Nguyễn Văn Kêng về quê trong dịp lễ Quốc khánh 2/9 với những tấm huân chương đeo kín cả ngực. Giải ngũ, Kêng được một người bà con giới thiệu vào làm việc ở Ty Thủy sản Phan Thiết. Kêng cưới vợ đã vài ba năm, uống đủ các loại thuốc mà vẫn không có con. Chắc là vì Kêng bị ảnh hưởng bởi sức ép mỗi khi đánh mìn phá tàu chiến địch chăng?
Kêng hưởng cuộc sống hòa bình chưa được bao lâu thì mắc phải căn bệnh hiểm nghèo và mất ở Phan Thiết. Hoàng Hiếu Nghĩa hết chiến tranh mới về nước với quân hàm đại úy và giải ngũ với quân hàm trung tá. Tôi tốt nghiệp đại học Sư phạm rồi dạy văn cho đến khi nghỉ hưu. Giá ngày đó tôi không bị hở van tim biết đâu tôi cũng trở thành lính đặc công nước hoặc “xanh cỏ”, hoặc “đỏ ngực” như Kêng. Đúng là cuộc đời không biết đâu mà lường.
Tôi dám khẳng định thời đó không có bọn trẻ nơi nào máu me chơi trò du kích như bọn trẻ quê tôi. Có phải nhờ thế mà quê tôi xuất hiện ba anh hùng chống Mỹ: Nguyễn Hữu Ngoãn, Trương Thị Diên, Nguyễn Tri Phương. Còn Nguyễn Văn Kêng thì nổi tiếng là một lính đặc công nước vô cùng mưu trí và gan dạ.
Mai Văn Hoan