Người thầy đầu tiên

  • 08:11, 11/11/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những ngày cuối thu cảnh vật dường như cũng muốn chiều lòng "tuýp" người lãng mạn. Lá vàng không còn trút từng đợt mạnh mẽ như khi đương mùa mà thay vào đó không gian trở nên chùng chình hơn, chậm rãi hơn, và dĩ nhiên rất thi vị. Điều này dễ khiến cho tâm hồn người đi lạc lắm. Mùa êm ái nhất là vào đêm, khi những loài hoa “dạ hương” cứ kích thích, miên man. Chúng thâu tóm, dẫn dắt chúng ta chạm đến vùng sâu thẳm. Vùng sâu thẳm của ký ức…
 
Trong thước phim hoài niệm ấy tôi không quên được con đò nhỏ neo đậu dưới bóng tre cong vít cần câu bên bến nước. Quê tôi gọi đó là “Ngọn Rào”. Ngọn Rào bắt nguồn từ phía rừng Bồng Lai đổ về, chảy quanh co qua các làng mạc rồi nhập vào phần trung lưu của sông Son, chảy ra sông Gianh và cuối cùng đi ra biển.
 
Con đò nhỏ của “thầy Vấn”, cả xóm gọi chú ấy như thế dù chú chưa hề đứng lớp một ngày nào. Danh xưng ấy có lẽ bắt nguồn từ đám trẻ chăn bò. Bãi bồi trải dài ven sông có những khoanh cỏ xanh rì, trâu, bò của xóm toàn được dắt ra đây chăn thả. Mỗi lần đám trẻ tụ tập là “thầy Vấn” neo đò lại rồi lên bờ, câu đầu tiên thầy Vấn hỏi là: Mấy đứa đã thuộc bài chưa để thầy kiểm tra?! Khi ấy, cả bọn lại lao nhao đáp “Dạ rồi ạ!”.
 
“Ừ tốt, ai không thuộc bài thì phải chịu trách nhiệm “giữ bò” cho mấy đứa đã học thuộc nghe chưa? Nào đọc to lên… “Bài vè về các loài chim” xem nào!
 
"Vè vẻ vè ve
Nghe vè tôi kể
Tôi xin kể lể
Về các loài chim
Xin cứ lặng im
Để nghe tôi đọc
Đen khu đỏ trôốc
Là con làng chài
Con kêu có oai
Là con tù tị
Con hay mần đị
Là con bồ câu
Con kêu rầu rầu
Là con gõ kiến
Con hay biến liến
Là con bồ chao
Con hay ngán ngao
Là con bìm bịp
Con hay đuổi kịp
Là con chòi choi".
"Tốt… tốt lắm, tất cả đều đã học thuộc, thế còn bài toán đã giải ra chưa? Đây là bài toán đố các bạn lớn hơn còn các bạn nhỏ thì không tính nhé. Đề toán “rất thơ” nên dễ nhớ đúng không?".
Vào thời điểm công trình thủy lợi Rào Nan đang được thi công dưới làn bom đạn, Quảng Bình nở rộ phong trào “tiếng hát át tiếng bom”, tại sân kho hợp tác xã, nhiều bài thơ của ông đã được biểu diễn. Những câu thơ gần gũi cuộc sống đời thường, sau hơn nửa thế kỷ, nhiều người vẫn còn nhớ!
Minh họa: Minh Quý
“Yêu nhau cau sáu bổ ba
Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười
Cả thương cả ghét 72 người
Hỏi có mấy người ghét thương?"
 
“Đúng rồi, thằng Hân giỏi, con Chòe giỏi, đáp án của thằng Tỵ cũng đúng rồi đó. Còn lại ấy đứa mau đi giữ bò nhanh lên, bò ăn no thì “ tời” lại rồi về đây ăn sắn nướng nhé!".
 
Cứ thế, những nét chữ đầu tiên, bài tập đọc đầu tiên, những bài toán đố đều được thầy Vấn miệt mài giảng giải lên tấm ván cũ đen nhánh bụi than. Thi thoảng thầy hơ chiếc bi đông đựng nước chè xanh bên bếp lửa rồi khề khà nhấp từng ngụm, có những câu chuyện thầy Vấn kể ngày này qua ngày nọ nhưng lần nào nghe cũng hấp dẫn như lần đầu vậy.
 
Dưới sông nghe có tiếng ai gọi đò thì thầy lại xuống bến chở. Có lần, tôi nhìn chiếc bi đông nhôm đám trắng đám xanh loang lỗ, có vài chỗ đã bị móp méo. “Nó quá cũ rồi sao thầy không sắm cái mới?”. Thầy nhìn tôi cười, nét cười có chút phảng phất buồn: “Cái gì còn dùng được thì cứ dùng con ạ”. Dứt câu, thầy trầm ngâm hướng mắt về một nơi xa xăm lắm, tôi không biết ở đó có gì, là nơi nào, mãi sau này lớn lên tôi mới biết đó là “hướng chiến trường”-nơi lưu giữ tuổi trẻ của thầy, một phần xương máu và muôn vàn ký ức không bao giờ quên.
 
Lâu rồi tôi không về thăm thầy, tháng 11 những cơn gió “lập đông” đủ khiến lòng người se lạnh, không biết thầy Vấn có còn đội chiếc mũ len xanh tôi đan tặng hay không? Bao nhiêu năm rồi nhỉ? Tôi nhớ khi ấy, trên con đò nhỏ, một ngày mưa to gió lớn, thầy chở tôi qua sông. “Trong tất cả những đứa thầy thấy gương mặt con sáng nhất đó, vào đại học rồi ráng học cho tốt nhé!”. Tôi bùi ngùi nhìn dáng thầy trên con đò nhỏ, manh áo mưa ngắn củn chỉ che đủ tấm lưng, thầy giơ tay vẫy chào tôi. Nước mắt thầy hay nước mưa tôi cũng không biết nữa, khi tôi chạy xuống đưa chiếc mũ len xanh cho thầy. "Con đi thầy nhé, 4 năm sẽ rất nhanh thôi!".
 
Từ những nét chữ đầu tiên trên tấm ván cũ, hàng đêm tôi sắp đặt từng mảng ký ức, bện kết từng sợi nơ ron cảm xúc, như mây, như tơ… để xuất bản những cuốn sách của riêng mình. Tôi thấy có lỗi, nói đúng ra là hối hận khi chưa một lần nào mang sách về thăm và “khoe" thầy. Giờ có muộn quá không, thầy còn nhớ hay đã quên?
 
Tôi chênh vênh bước đi trên những phiến đá rêu phong, còn phiến nào của tháng năm mùa cũ? Dòng sông không còn dềnh dào như khi xưa, bây giờ lòng sông vắng, có chỗ cạn trơ đáy, có chỗ động thành vũng nhỏ, có chỗ nước xiết khơi dòng vẫn âm thầm chảy trôi ra biển. Bãi bồi ven sông, xanh mướt ngô khoai bây giờ là sân bãi bóng chuyền, nhà văn hóa thôn, và là chỗ để dựng rạp cưới hỏi công cộng. Nhà thầy có còn ở dưới xóm mít?
 
Tôi bước đi trong tâm trạng của một kẻ lãng du sáng tác, một cô sinh viên rồi bé dần cho đến khi trở thành một cô bé tiểu học. Tất cả đã vỡ òa, khi hàng chè tàu vẫn còn đó, nếp nhà vẫn nguyên sơ, khói bếp cuộn lên trong làn mưa thu lất phất. Thầy tôi đó, bên bếp lửa đã được nhóm lên từ sớm, than củi đượm nồng làm bừng sáng gương mặt thầy, từ khóe mắt ánh lên một sự ấm áp khó diễn tả.
 
“Thầy ơi, thầy có nhận ra con nữa không?” , tôi nắm chặt bàn tay khô và nhăn nheo của thầy, không kìm được sự xúc động mãnh liệt. Thầy vẫn đội chiếc mũ len xanh năm nào… nhưng thầy không còn nhớ tôi là ai nữa rồi! Thấy tôi khóc, thầy chạm tay lên đầu tôi: “Đừng chối!” (đó là một phương ngữ của người dân quê tôi hay dùng để an ủi một ai đó). Tôi đưa cho thầy những cuốn sách của tôi cùng một số thứ tôi mua từ thành phố, và không hiểu sao trong túi quà ấy, tôi lại sắm thêm cả một chiếc áo mưa, một gói thuốc mà khi xưa thầy hay hút khi ngồi chờ khách dưới bến. Có lẽ, hoài niệm chính là thứ khiến cho lòng người yếu mềm nhất, chân thật nhất và trở nên im lặng nhiều hơn trước những xô bồ của cuộc sống thường nhật.
 
Rời nhà thầy, tôi không về tắt trên cây cầu mới bắc qua sông, mà tôi muốn đi qua dòng sông như khi xưa. Bờ sông lau trắng bời bời, con cò trắng đi tìm ăn lẻ bạn, con bói cá bay vụt qua nhanh, con gõ kiến lộc cộc trên thân gỗ mục…
 
“Vè vẻ vè ve… nghe vè tôi kể…”, bài hát đồng dao năm nào văng vẳng bên tai…
Trác Diễm

tin liên quan

Ơn thầy
Ơn thầy
(QBĐT) - Tuổi thơ từ dưới mái trường
Thầy cho em sẵn con đường tương lai
Hẹn một ngày về
Hẹn một ngày về
(QBĐT) - Ta có hẹn một ngày về tao ngộ
Mà dòng sông bên lở trách con đò.
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số

(QBĐT) - Thực hiện dự án 6 "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, ngành Văn hóa-Thể thao Quảng Bình nỗ lực triển khai nhiều hoạt động và đạt được những kết quả đáng khích lệ.