(QBĐT) - Tôi luôn tự hỏi: Giữa cuộc đời nhiều bão tố, đâu mới thực sự là chốn an trú vững chãi? Đó là nơi mà tâm hồn luôn cảm thấy thanh thản, an yên hay đơn giản chỉ cần là một mái nhà che mưa, che nắng, che đi bao bụi bặm của trời, của đời?
1. Hơn 30 năm trước, căn nhà bố mẹ tôi được dựng lên trên một khoảnh đất bằng phẳng, mặt hướng ra giữa đồng lúa mênh mang. Đó là căn nhà bằng gạch hiếm hoi của làng ở thời điểm ấy. Nơi đó đã chứng kiến chị em tôi lớn lên, chở che cho gia đình đi qua bao mùa bão lũ, những ngày giáp hạt. Chúng tôi đã cùng nhau khóc, cười, cùng nhau trưởng thành trong nếp nhà xưa cũ ấy. Thời gian trôi đi, căn nhà bỗng trở nên già nua qua bao bận bão gió, những lần ngập ngụa trong nước lũ. Những bức tường loang lổ vết dấu thời gian. Mái ngói đã phủ màu rêu phong, bợt bạt hơn sau mỗi trận gió Lào ràn rạt thổi.
Khi không gian ấy dần trở nên chật hẹp trong mỗi dịp đoàn tụ, cha tôi thường trầm ngâm trước mái hiên, nơi hoàng hôn đổ bóng. Rồi một ngày, ông quyết định dựng lại căn nhà mới trên nền đất cũ. Đó là một căn nhà hai tầng khang trang, rộng rãi, đủ sức xua đi những lo lắng mỗi bận lũ đến, bão về. Cũng từ ngày đó, mỗi dịp về thăm quê, chúng tôi không còn phải chen chúc ngủ giữa nền nhà lạnh ngắt.
Mẹ đã không phải bận rộn thu vén từng góc giường chật hẹp cho đàn cháu nhỏ. Niềm vui tưởng chừng đã đủ đầy nhưng vẫn không hiểu vì sao, ẩn sâu trong đôi mắt cha vẫn còn đó một nỗi buồn mơ hồ. Còn tôi, rất nhiều lần, trong giấc ngủ chập chờn, tôi lại mơ thấy căn nhà cũ với những bức tường rêu phong, căn bếp nứt toác ám màu khói xám. Ở đó, mỗi dịp lễ Tết, cả gia đình ba thế hệ lại quây quần nơi góc nhà chật chội, kể cho nhau nghe bao buồn vui nơi phố thị. Tiếng cười nói chộn rộn giữa khoảnh sân ngập nắng. Giấc mơ cứ thế tới lui không biết bao lần. Khi ấy, mỗi lần thức giấc, không hiểu vì sao cảm giác hụt hẫng và tiếc nuối mơ hồ cứ vô thức xâm chiếm tôi.
Nhiều lần trò chuyện cùng cha, tôi mới hiểu ánh mắt buồn hiu hắt của ông trong những chiều chập choạng. Ông bảo, nơi này luôn là chốn an trú của chúng tôi, sẵn sàng đón chúng tôi trở về sau những nhọc mệt, bon chen với đời. Nhưng chốn an trú không đơn thuần là mái nhà vững chãi trước bão tố thiên tai, mà phải thực sự là điểm tựa cho mỗi thành viên gia đình đủ sức mạnh để đương đầu trước cơn bão cuộc đời. Mỗi ngày, ông nhìn thấy ở chúng tôi những chộn rộn, toan lo với cuộc mưu sinh, rồi đối diện hết khổ đau này đến sóng gió khác.
Nhưng chẳng còn như ngày thơ bé, hễ buồn vui, hờn tủi đều ngả vào lòng cha mẹ mà khóc. Giờ đây, chỉ vì sợ người thân yêu phiền lòng, chúng tôi giữ cho riêng mình những vất vả không thể sẻ chia, những nỗi niềm không thể giải tỏa. Cha mẹ đau lòng và bất lực khi không thể cùng con trẻ gánh vác những gánh nặng không tên ấy. Và căn nhà, dẫu rộng rãi là thế, khang trang là vậy nhưng giờ chỉ còn là nơi chốn cho chúng tôi trở về, ăn bữa cơm sum họp rồi vội vã rời đi, tiếp tục quăng quật mình giữa bão táp cuộc đời, chỉ còn lại hai mái đầu bạc tựa vào nhau giữa cô đơn, quạnh quẽ.
![]() |
2. Hơn 50 người tử nạn trong một trận hỏa hoạn kinh hoàng ngay giữa lòng Thủ đô. Con số ấy làm đau nhói hàng triệu con tim và sẽ còn là nỗi đau dai dẳng cho đến mãi về sau. Họ là sinh viên, là học sinh, là những người lao động trẻ, rời quê hương khó nhọc, lên với phố thị mang theo ước mơ đổi phận. Có người chỉ vừa đặt chân đến thành phố, chưa kịp tận hưởng những phồn hoa nơi phố xá đã vội vã rời đi. Có em bé chưa kịp nhìn ngắm cuộc đời dài rộng cũng đã vội vàng khép mắt. Bao mái ấm hạnh phúc đã bị vùi chôn dưới lớp khói xám mịt mù. Và những ước mơ, khát vọng vừa kịp nhen lên bỗng chốc hóa tro tàn.
Nơi họ rời bỏ cuộc sống từng là căn nhà che mưa, che nắng, che đi những bụi bặm của trời, của đời. Nơi ấy đã từng là chốn an trú bé nhỏ giữa Thủ đô rộng lớn. Nơi ấy cũng là chốn trở về sau những mệt mỏi, sấp ngửa với cuộc mưu sinh. Và nơi ấy, chắc hẳn đã có biết bao niềm vui, thật nhiều tiếng cười, lắm điều hạnh phúc. Vậy mà trước sức mạnh của ngọn lửa dữ, căn nhà bé nhỏ đã không còn là chốn an trú cho những phận người mong manh. Hẳn trong giây phút cuối đời, họ đã từng hoảng loạn, đã từng hoang mang, đã từng muốn trốn chạy khỏi những bức tường chật hẹp ấy.
Thời gian sẽ trôi đi. Với những người may mắn được sống, họ rồi sẽ tìm được một chốn an cư để sống tiếp và bước tiếp. Sống cho cả phần của những người đã khuất! Và tôi vẫn tin, những người đã vội vã nằm lại giữa mịt mờ khói xám ấy đã “đi đến” một nơi thật đẹp đẽ. Ở nơi ấy, sẽ không còn những nỗi lo, gánh nặng, những thấp thỏm mơ hồ. Và tâm hồn họ, hẳn đã tìm được một chốn an trú vững chãi.
3. Một lần ngược rừng Động Châu-khe Nước Trong cùng các cán bộ bảo vệ rừng, tôi luôn tự hỏi vì sao, những người đàn ông ấy lại dành một tình yêu đặc biệt với đại ngàn. Dù cung đường của những chuyến ngược rừng đằng đẵng luôn chứa đựng vô vàn hiểm nguy và vất vả. Với họ không phải là không gian vững chãi với ngói đỏ, tường gạch mà nhà chính là… rừng! Và những chuyến ngược rừng cũng chính là một cuộc trở về nhà. Bởi hai phần ba cuộc đời họ đã gắn với thăm thẳm đại ngàn, sống tựa nhờ cả vào nơi chốn ấy.
Có những chuyến đi kéo dài hơn 20 ngày trời, đủ đầy mưa nắng, lạnh lẽo. Hành trang mang theo chỉ là ít thực phẩm, vài ba đồ dùng cá nhân. Rồi cứ thế, ngày này qua tháng khác, những bước chân vẫn ngược vào rừng. Dù bữa ăn giữa đại ngàn chỉ đơn giản là bát mì tôm, ít măng rừng và chút gạo mang theo. Nơi nghỉ chân cũng chỉ là mái lán dựng vội xiêu vẹo, không đủ sức chống chọi trước cơn mưa rừng bất chợt. Thiếu thốn, hiểm nguy và vất vả nhưng họ vẫn lạc quan đi qua bao mùa nắng, bấy nhiêu mùa mưa. Bởi giữa đại ngàn, họ tìm thấy niềm vui, sự an yên và sẻ chia từ những người đồng hành.
Trong cuộc đời này, dù là ai, dù làm gì, mỗi người cũng cần một bến đỗ bình yên-chốn an trú vững chãi. Đó không phải là mái nhà che mưa, che nắng mà đôi khi chỉ cần là nơi có thể mang đến cho ta niềm vui, sự an lạc giữa bão tố và tìm thấy sự bình yên trong tâm mình ngay cả khi đương đầu với sóng gió.
Diệu Hương