Mấy kỷ niệm nhỏ về Trường cấp 3 Đồng Hới

  • 07:08, 06/08/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tháng 9/1966, tôi giã từ Lệ Thủy để về nhận làm giáo viên cho một trường cấp 3 mới toanh: Trường cấp 3 Đồng Hới. Nói là TX. Đồng Hới, nhưng thật ra nó ở trên rừng!
 
Tôi về đến miền đất Đồng Hới (nay đã thành một vùng đổ nát) rồi theo con đường phía Tây đạp xe mãi toát cả mồ hôi mà đến một nơi có tên gọi là: Cồn Chùa (không hiểu tại sao). Trường cấp 3 Đồng Hới được dựng lên hầu như từ tay trắng: Mấy ngôi nhà nhỏ giống nhà ở của dân, mọc rải rác, chỗ thấp chỗ cao, quanh mấy ngọn đồi thấp. Có 6 giáo viên đầu tiên như "ngọn lửa mồi"!
 
Về phía Đông của xóm Cồn Chùa là một ngọn đồi khá cao và dốc, được mọi người đặt cho cái tên khá lạ: Đồi ông Thảng. Có một vị phụ huynh học sinh đặc biệt một lần đến thăm trường, có ý kiến phát biểu: “Chắc phải tính chuyện chuyển trường đến nơi khác. Ở đây, không khéo có lúc con tôi bị lẫn với tù!…”. Chả là, cách trường chưa đầy một cây số về phía Tây, có một trại giam. Đôi khi trên đường ra lớp, tôi cũng gặp một toán phạm nhân đi lao động. Cũng may, học trò tôi không có em nào bị “lẫn với tù”!
 
Còn về cái đồi ông Thảng thì tôi có một kỷ niệm nhỏ. Hôm ấy không biết vì sao, tôi lên cơn sốt dữ dội. Học trò mấy đứa chạy đến. Nguyễn Ngọc Giai mượn đâu đó cái nhiệt kế, liền đo cho tôi rồi tuyên bố: 43 độ!Thế là cả bọn đặt tôi lên võng, ba chân bốn cẳng vượt đồi ông Thảng qua Trạng để đến trạm xá. Tôi nằm lắc lư trên võng, cứ nghĩ: Thường thì người ta sốt đến 41 độ đã chết rồi, thế mà mình đến 43 độ! (Giai ơi, có lẽ nhầm: Bốn mươi độ ba?).
 
Đó là một kỷ niệm vui vui. Đây mới là kỷ niệm không thể quên ở Cồn Chùa. Hôm ấy, sau mấy ngày họp chuyên đề ở Quảng Hòa, tôi cùng hai bạn Lộc và Truy, đạp xe về đến Đức Ninh thì trời tối, đành ngủ lại. Đêm ấy, nghe tiếng bom nổ rền ở phía trường. Rạng sáng, cả ba vội vã đạp xe về. Trước mặt, cái nhà làm văn phòng trường đã là một hố bom, tất cả đều tung tóe. May mà không có tổn thất nhân mạng.
 
Nhưng đâu phải thế! Một quả bom nổ trúng một ngôi nhà cách đó chưa đầy trăm mét. Cả căn hầm trong ngôi nhà ấy không còn một ai. Mà trong căn hầm ấy có đến hai học sinh của trường, đều là gái, một em lớp 8, một em lớp 10 mà tôi đang dạy: Em Oanh. Chỉ 5 hôm trước thôi chứ đâu, lúc tôi lên xe đạp, gặp tôi bên đường, Oanh còn chúc tôi bình an trở về. Tôi còn nói đùa: Ở nhà lo học nhé! Giôn-xơn (tên của Tổng thống Mỹ lúc ấy) không cắt hộ khẩu thầy được đâu! Sáng hôm sau, bước vào lớp, tôi cứ nhìn sững cái chỗ mà em Oanh vẫn ngồi. Chiều ngồi ở nhà, tôi ghi vào sổ tay mấy dòng:
 
        Nhớ em Oanh lời nói dịu dàng 
        Dáng em thanh như một cây liễu nhỏ
 
Đến nay, tôi vẫn chưa viết thêm được dòng nào cho Oanh. Có phải nỗi đau nào cũng biến được thành thơ đâu! 
Minh họa: Minh Quý
                                                                                            Minh họa: Minh Quý
Trường cấp 3 Đồng Hới còn chuyển đi chuyển lại bao nhiêu lần nữa, cho đến cái chỗ ngày nay, một cơ ngơi hiện đại khang trang. Những năm sau này, tuy cũng còn nhiều thứ đáng nhớ nhưng những điều đáng nhớ nhất thì đã qua rồi. Chắc hôm nay, ngồi trên ghế của ngôi trường này, mấy ai biết rằng mình từng có một ngôi trường ngày nay đã là đáy sâu của một hồ nước mênh mông! Kỷ niệm xưa chắc cũng đang nằm dưới đáy sâu ấy rồi.
 
Hè năm 1975, ngay sau niềm vui chiến thắng, tôi quyết xa Quảng Bình, sau một thời gian kỷ lục dành cho một trường: 9 năm tròn. Tôi đã không thể chiến thắng một nỗi buồn riêng. Cảm ơn nỗi buồn! Tôi rời Quảng Bình với quyết tâm sẽ tìm cho mình một chân trời mới. Thật ra thì chính ngôi trường này đã ban cho tôi một phần thưởng vô giá. Đến cả chục năm sau khi tôi rời xa, ở Đồng Hới vẫn truyền tụng một câu ngạn ngữ theo kiểu “dưa La cà Láng…”: “Văn Cán …”. Cả đời tôi chưa hề có một danh hiệu khen thưởng nào. Nhưng thế này thì còn gì bằng, còn ai bằng. Không phải là nhà giáo nhân dân, tôi là nhà giáo của nhân dân, cái bằng khen ấy trong lòng người là quan trọng nhất dành cho tôi.
 
Tôi bây giờ đã là dân miền Nam, dân TP. Hồ Chí Minh, 46 năm rồi. Mỗi năm, về Quảng Bình, tôi phải chịu tốn tiền vào khách sạn, giống như một du khách hành hương về đất Tổ. Thế mà hầu như năm nào tôi cũng về.
 
Tôi về để cảm ơn quê hương, cảm ơn cả những nỗi buồn đã đẩy tôi đi xa. CẢM ƠN NỖI BUỒN! 
Lung linh như nước 
Long lanh như thủy tinh
Nỗi buồn tuyệt đẹp 
Nỗi buồn của anh 
Cảm ơn em 
Anh cảm ơn nỗi buồn 
 
Vậy mà, như một sự trớ trêu, vẫn có ai đó nhớ mình, một sự tiếc nuối muộn màng và an phận. Một vài em học trò cũ của tôi hỏi tôi: Sao thầy nhắc nhiều chuyện cũ buồn như vậy? Tôi trả lời: Trước hết là để tự nhắc thầy em à!
Vô ơn với người làm ơn 
Đó là tội ác
Vô ơn với công ơn mẹ cha 
Đó là năm lần tội ác
Vô ơn với quá khứ
Đó là tội ác gấp mười 
Vô ơn với máu xương 
Tội ác đến tột cùng tội ác!
Kìa em tài giỏi và thành công quá 
Kìa em xinh đẹp và thông minh quá 
Tôi yêu những con người 
Từ lòng biết ơn mà đi tới. 
Hà Nhật

tin liên quan

Người "thổi hồn" cho vỏ trứng
Người "thổi hồn" cho vỏ trứng

(QBĐT) - Bằng sự khéo léo, sáng tạo và niềm đam mê đặc biệt, họa sĩ Nguyễn Quốc Vượng (SN 1979, ở thôn Văn La, xã Lương Ninh, Quảng Ninh) đã "thổi hồn" vào những chiếc vỏ trứng tưởng chừng như bỏ đi thành các tác phẩm nghệ thuật sống động, đặc sắc.

Đồng Hới và anh
Đồng Hới và anh
(QBĐT) - Thời gian
dọn dẹp những ký ức
trái tim bỏ lửng tháng năm
 
Quảng Bình muôn vẻ
Quảng Bình muôn vẻ
(QBĐT) - Hải Ninh (Quảng Ninh) sở hữu những nét độc đáo riêng có của một làng chài ven biển. Khi bình minh vừa ló dạng, những chiếc bơ nan cập bến với đầy ắp tôm, cá, báo hiệu một mùa biển bội thu.