(QBĐT) - Đã 20 năm nay, lễ đua nôốc (thuyền độc mộc) trên sông Rào Nậy của một số địa phương thuộc huyện Minh Hóa không còn diễn ra nên việc làm nôốc, kéo nôốc cũng đã tạm dừng. Tuy nhiên, điệu hò kéo nôốc vẫn còn nhiều người dân nhớ, lưu truyền và hò trong những dịp lễ, hội.
Để mừng Tết Độc lập và Hội Rằm tháng ba, người dân ở các xã Minh Hóa, Tân Hóa, Trung Hóa, Thượng Hóa và Hóa Sơn vào rừng sâu làm nôốc về đua. Muốn làm được nôốc tham gia lễ hội, trước đó hơn 1 tháng, mỗi làng cử hàng trăm người vào rừng sâu, chọn một cây gỗ to, thẳng, có đường kính trên 1m. Trước khi hạ cây, bà con phải làm lễ cúng thần rừng để xin chặt cây, che chở, bảo vệ cho dân làng trong quá trình ăn, ở, làm nôốc trong rừng. Hạ cây xuống, người đứng đầu làng chọn những người thợ khéo tay, có kinh nghiệm nhất tham gia đục, đẽo. Những người còn lại thì làm những công việc phụ, nấu ăn và hát hò để tạo không khí vui vẻ.
Khoảng 10 ngày thì nôốc xong phần thô. Kéo nôốc về làng là công đoạn khó khăn, vất vả. Để kéo nôốc, người dân lấy những thân dây trong rừng bện lại, dài khoảng 20m, gọi là dây trèng. Cách khoảng 1m trên đoạn dây được buộc một que gỗ táu bằng cổ tay, dài khoảng 80cm để 2 người kéo 2 bên. Dưới nôốc, bà con đặt hàng chục con lăn để kéo đi nhẹ nhàng hơn. Trước khi về, dân làng cử một người cao tuổi, có uy tín hò xạ tình chào thần thổ, núi sông để xin đưa nốôc về: “Tới đây xạ thổ xạ thần/Thổ thần ở lại để dân ra về/Chừ nay xạ rú xạ lèn/Xạ ơn chúng bạn, bạn quen ra về”.
Kéo nôốc về cũng là dịp vui nhất trên hành trình bởi đây là dịp để người dân thể hiện năng khiếu hò kéo nôốc. Ông Trương Văn Mỡ (89 tuổi), thôn Tân Lý, xã Minh Hoá, người đã hàng chục lần đi kéo và hò kéo nôốc kể: “Hò kéo nôốc được đúc kết từ quá trình lao động, sản xuất. Điệu hò giúp cho con người vơi đi những mệt nhọc, thể hiện nét văn hóa độc đáo, trí tuệ, tài ứng khẩu của người dân nơi đây. Các câu hò đều do người dân sáng tác, thường dựa vào các làn điệu ca dao, thơ lục bát, Truyện Kiều… phù hợp với từng hoàn cảnh. Câu đầu có 6 chữ, câu sau 8 chữ và không giới hạn số câu”.
Đua thuyền trên sông Rào Nậy tại xã Tân Hóa (Minh Hóa) cũng tương tự như đua nôốc ở tổng Kim Linh ngày xưa.
(QBĐT) - Ngày 11/5, tại Di tích lịch sử Quốc gia chùa Hoằng Phúc (xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy), Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Lệ Thủy đã tổ chức Đại lễ Phật đản (Phật lịch 2566).
(QBĐT) - "Hoa sứ nở trái mùa" là tập truyện ngắn đầu tay của Nguyễn Đại Duẫn, hội viên Hội Văn học-Nghệ thuật Quảng Bình do Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành năm 2021. "Hoa sứ nở trái mùa" khắc họa hình ảnh của những người lính đang vươn tới cái đẹp, tinh hoa của cuộc sống.