Lửa ấm mùa đông…

  • 08:01, 08/01/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Mùa đông trong tôi lan tỏa cảm giác: “Bếp lửa bập bùng như nỗi nhớ dây dưa”. Bếp lửa như tụ hội tâm điểm của tình người trong những ngày rét giá. Những gốc tre khô nỏ được bố tôi đánh sẵn, phơi từ những ngày hè nóng bức, cháy thật đượm.
 
Tiếng nổ lách tách của vỏ tre, rễ tre cháy thật vui. Thân tre ngã xuống để lấy cái bền, dẻo dai làm đủ thứ việc từ dựng nhà, kèo cột đến đan thúng, đan rá rồi võng tre. Nghĩa là tre vẫn sống đời mình cạnh đời người, chỉ có gốc tre là chết, nhưng chết để tỏa hơi ấm cho người…
 
Lửa ấm mùa đông ở vùng cao khi người nói với người bằng giọng sương, giọng khói. Khi những luống rau cải vẫn trổ những đọt nắng vàng, ươm nắng vàng, gieo nắng vàng. Để rồi lá thì xanh, cành thì trắng reo lên trong chảo mỡ sôi đem lại bữa cơm xuýt xoa nóng hổi. Cho má em bé thêm hồng, cho tóc con gái bản thêm mượt, cho cái chữ gập ghềnh đến lớp thêm tươi của màu mực…
 
Lửa ấm mùa đông của người miền biển, hình như nước biển mùa này bốc hơi và ấm hơn chăng khi con sóng nhuộm màu chì, màu tro nặng trịch. Bát nước mắm nguyên chất màu cánh gián đưa lại ngọn lửa ấm trong lòng để bắp tay, vòng ngực cuồn cuộn kéo cả biển về nhà trong những mắt lưới ánh lân tinh như lấp lánh ánh lửa mùa đông của biển. Và mẹ ta đã bày ra những con cá, con tôm còn búng lách tách, roi rói trong cái căm căm rét giá ngày đông của người đi chợ: “Chao ôi! Cá tôm sao mà tươi ngon nhìn đã sướng mắt ấm cả lòng!”.
Lửa ấm mùa đông phố thị khi lá bàng ngã màu đỏ ối như một tàn lửa còn giăng mắc trên cây. Hun hút những ngõ phố dài với tiếng rao của người bán hàng rong. Lại nhớ cái cảnh bạn bè chụm đầu vào nhau bên những cái lò than nướng bắp ngô, củ khoai hôi hổi nóng. Dường như mùa đông tan đi trong những quà mọn từ quê ra phố ấy. Và đông cũng là dịp để ta khoe bao màu áo len, áo rét với những sắc màu tưng bừng để: “Áo đỏ em đi giữa phố đông/Cây xanh như cũng ánh theo hồng/Em đi lửa cháy trong bao mắt... ” (Vũ Quần Phương-Áo đỏ)
 
Lửa ấm mùa đông xua đi cảm giác ẩm ướt mù sương. Và sợ nhất là ẩm cả hồn người, mốc cả lòng người bởi sự xa cách, lãnh cảm như muốn ru rú co cụm. Lửa ấm mùa đông như mời gọi ta xích lại gần nhau hơn, trải lòng với nhau hơn. Và nắng đông thì mới ra ràng. Một sóng sánh mìn mịn, một óng ánh rỡ ràng, một lung linh tươi thắm. Nó như là nắng mật ong, thứ mật lìm lịm ngọt như mật khoai lang nướng...
 
Lửa ấm mùa đông hoài niệm cho ta sống chậm để nếm thấm va nghe được cả những âm thanh vô hình để hiểu thấu rõ hơn giá trị cuộc sống của tươi non của ấm áp, cứ lằng lặng ngấm vào mình như một năng lượng mới. Tôi lại chợt nhớ hai câu thơ của Xuân Diệu: “Đã nghe rét mướt luồn trong gió/Đã vắng người sang những chuyến đò”. Sự nhạy cảm tế vi động lòng ấy giúp ta như một điểm tựa mà lửa ấm là chất xúc tác là thứ gia vị điểm tô không hời hợt sao nhãng...
 
Lửa ấm mùa đông, tôi lại nhớ đến bà tôi. Chao ôi, một đời người có hai lần làm con trẻ khi cái tuổi đã nhớ nhớ, quên quên. Bà chống rét bằng trầu cay đầm đậm và bát nước chè xanh sánh vàng bốc hơi hôi hổi khói.
 
Nhớ lắm những mùa đông rơm rạ của nông thôn trong cái ổ rơm ngày xưa: “Rơm bọc tôi như kén bọc tằm/Tôi thao thức trong cái mật ong đồng ruộng” (Nguyễn Duy-Hơi ấm ổ rơm). Những buổi chiều trên đồng sau vụ gặt là ngổn ngang những đám khói của: “Trẻ con đốt khói đồng hun chuột/Cánh diều mắc cạn dưới vòm tre”. Khói thật thơm, thơm mùi cá đồng nướng mà cho đến bây giờ tóc tôi ngả sang sợi bạc vẫn còn vấn vương. Cái mùi khói đã nhuộm vào da thịt mình không thể bóc ra được, đã ngấm vào ký ức mình bịn rịn, chập chờn cả trong mơ. Và cả khói sóng nữa, khói của sông, của biển, của thung lũng vùng cao cứ vun vào tôi, cứ nâng nhẹ bổng tôi lên vừa chơi vơi vừa đầm đậm, lan tỏa...   
 
 Nguyễn Ngọc Phú
 
                                                                   
 
 
 

tin liên quan

Những người neo giữ hồn quê
Những người neo giữ hồn quê

(QBĐT) - Chúng tôi đang nói về các thành viên câu lạc bộ (CLB) Hát ru-Hò chèo cạn xã Cảnh Dương (còn gọi là CLB Dân ca Cảnh Dương, Quảng Trạch).

Nguyễn Hữu Quý, quê hương đắp đổi tiếng lòng
Nguyễn Hữu Quý, quê hương đắp đổi tiếng lòng

(QBĐT) - Đọc thơ, nhất trường ca "Chín cơn mưa và mẹ", NXB Quân đội nhân dân năm 2020 của nhà thơ, đại tá Nguyễn Hữu Quý, không ai không nghĩ đến Quảng Bình và nghĩ suy về hạt cát. Quê hương ông mở mắt ra thấy cát, cát ở góc độ hiện thực, đi cả vào giấc ngủ, cuộc sống thường nhật. Về mặt siêu hình, con người "cõi về" hay "cõi đi" đều gắn với cát.

Quảng bá điện ảnh và văn hoá Việt Nam trên Netflix
Quảng bá điện ảnh và văn hoá Việt Nam trên Netflix

Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam (VFDA) và Tập đoàn Netflix đã ký kết Biên bản ghi nhớ nhằm hỗ trợ việc phát triển ngành công nghiệp điện ảnh và kinh tế sáng tạo tại Việt Nam. Biên bản ghi nhớ hợp tác trong 3 năm để quảng bá phim ảnh, văn hoá Việt Nam ra toàn cầu trên nền tảng này.