Khơi dậy tình yêu đọc sách trong thiếu nhi

  • 07:04, 20/04/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sách có vai trò quan trọng đối với sự hình thành và phát triển nhân cách của con người, đặc biệt là độ tuổi thiếu nhi. Vì vậy, hình thành thói quen đọc sách, làm bạn với những trang sách bổ ích sẽ góp phần giúp các em phát triển tư duy và hoàn thiện nhân cách. Ở thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, văn hóa nghe, nhìn đang có xu hướng lấn át văn hóa đọc. 
 
Cần sự định hướng
 
Làm thế nào để nuôi dưỡng đam mê đọc sách ở trẻ là một thách thức không nhỏ đối với các nhà quản lý, tác giả và các bậc làm cha, làm mẹ. “Thời còn đi học, mỗi giờ ra chơi, đám học sinh chúng tôi thường tụm 5, tụm 7 kể cho nhau nghe về chuyến phiêu lưu của chú dế Mèn trong truyện “Dế Mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài hay những câu chuyện cổ tích Việt Nam thú vị.
 
Thế nhưng ngày nay, thế hệ các con tôi chỉ thích đọc truyện tranh nước ngoài, xem phim hoạt hình cùng các trò giải trí trên mạng internet…” - anh Phạm Hùng ở phường Nam Lý, TP. Đồng Hới chia sẻ.
 
Đến một số nhà sách lớn trên địa bàn tỉnh, một điều dễ nhận thấy là sách phục vụ cho độ tuổi thiếu nhi khá phong phú. Đập vào mắt người xem là đa số sách đề có hình thức đẹp và nhiều sách được dịch ra từ tiếng nước ngoài, phổ biến nhất là truyện tranh. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, sở dĩ các em thích truyện tranh là vì thể loại truyện này ít chữ, ngôn ngữ hài hước, dí dỏm, dễ hiểu lại có hình minh họa phù hợp nên gần với tâm lý, tính cách của trẻ em.
Thông qua hoạt động thư viện lưu động, học sinh ở các trường học được tiếp cận với nhiều loại sách phong phú.
Thông qua hoạt động thư viện lưu động, học sinh ở các trường học được tiếp cận với nhiều loại sách phong phú.
Em Giang Thị Mỹ Duyên, học sinh Trường tiểu học Hải Đình (TP. Đồng Hới) cho hay: Em vẫn thường đọc sách những khi nhàn rỗi. Cuốn sách mà em yêu thích nhất là “Thám tử lừng danh Conan” của tác giả Gosho Aoyama (Nhật Bản). Ngoài ra, em còn thích đọc các truyện tranh nước ngoài về khám phá hành tinh, về kỹ năng sống… Em thấy đây là những cuốn sách bổ ích vì nhờ sách mà em được biết thêm nhiều điều mới lạ."
 
Thực tế cho thấy, nhiều em học sinh ngày nay, phần lớn là ở bậc học THCS không còn xem sách là "món ăn tinh thần" mà hứng thú với các phương tiện truyền thông khác như tivi, internet. Văn hóa nghe, nhìn với nhiều hình thức giải trí phong phú, tiện ích đang ngày càng “lấn át” văn hóa đọc. Đáng lo ngại là ngày càng có nhiều trẻ nghiện các trò chơi điện tử dẫn đến học hành, sức khỏe sa sút và nhiều hệ lụy khác. Cũng bởi lười đọc sách nên vốn văn chương, kỹ năng giao tiếp của không ít học sinh bị hạn chế, các em không còn hứng thú với giờ học văn...
 
Cũng phải nói thêm rằng, không ít bậc phụ huynh chỉ quan tâm đến việc đầu tư cho con cái học tập, chưa có những định hướng đúng đắn để con phát triển văn hóa đọc. Nhiều học sinh không còn thời gian để đọc sách vì ngoài giờ học ở trường, các em còn tham gia học thêm ở các trung tâm ngoại ngữ, các cơ sở dạy thêm tư nhân.
 
Một thời, những câu chuyện cổ tích Việt Nam hay những tác phẩm văn học có giá trị như "Dế mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài, “Hòn đất” của Anh Đức… được xem là sách gối đầu giường của học sinh thì nay trở nên xa lạ với không ít trẻ đang độ tuổi đến trường. Tình trạng học sinh dành nhiều thời gian để giải trí trên máy tính có kết nối internet càng ngày phổ biến, trong khi việc kiểm soát các nội dung giải trí trên internet là hết sức khó khăn.
 
Vì vậy, người lớn mà vai trò quan trọng là các bậc phụ huynh cần định hướng văn hóa đọc cho các em, bồi dưỡng trong các em niềm đam mê đọc sách nhằm giúp các em được tiếp cận với những tác phẩm giàu tính văn học, nghệ thuật có giá trị giáo dục, giúp các em phát triển tư duy, rèn luyện nhân cách.
 
Điểm hẹn của độc giả nhí
 
Để khuyến khích độc giải nói chung, thiếu nhi nói riêng tiếp cận nhiều hơn với sách, những năm gần đây. Thư viện Tổng hợp Quảng Bình đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin và phát huy vai trò của thư viện cơ sở thông qua các hình thức như: hướng dẫn nghiệp vụ, hỗ trợ vốn sách cho các địa phương, trường học; đồng thời chú trọng việc xây dựng, bổ sung thêm vốn tài liệu, đẩy mạnh công tác phục vụ bạn đọc, tuyên truyền, giới thiệu sách đến với bạn đọc.
 
Phòng đọc thiếu nhi của thư viện được trang bị cơ sở vật chất khá đầy đủ, thoáng mát với nhiều đầu sách phong phú như truyện tranh nước ngoài, truyện cổ tích Việt Nam, sách về thế giới động vật, thiên nhiên, sách giáo dục kỹ năng sống và một số loại sách phục vụ trẻ ở độ tuổi mẫu giáo.
 
Chị Trương Thị Quỳnh Anh, Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: Ngoài việc thu hút các em trong độ tuổi học sinh đến học bài, đọc sách, thư viện còn đẩy mạnh hoạt động thư viện lưu động tại các trường học trên địa bàn tỉnh. Từ đó, khuyến khích các em học sinh xây dựng thói quen đọc sách và tìm hiểu, khám phá những điều bổ ích từ sách nhằm nâng cao văn hóa đọc cho học sinh ở các cấp học.
 
Đội ngũ cán bộ của thư viện còn thường xuyên định hướng cho các em về lựa chọn sách và hoạt động cả ngày thứ 7 để phục vụ nhu cầu bạn đọc, nhất là các em học sinh. Thư viện còn phối hợp với ngành Giáo dục-Đào tạo tổ chức tốt các hoạt động hưởng ứng Ngày sách Việt Nam 21-4 như giới thiệu sách tại thư viện, tăng cường hoạt động thư viện lưu động và các hoạt động khác nhằm phát triển phong trào đọc sách trong trường học.
 
Các trường học trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều hoạt động thiết thực như tổ chức ngày hội đọc sách, tuyên truyền cho học sinh về lịch sử ra đời Ngày sách Việt Nam nhằm xây dựng văn hóa đọc trong học sinh, sinh viên. Hầu hết các trường học đều chú trọng đến việc bổ sung đầu sách, phát động phong trào thu gom sách để hỗ trợ cho học sinh các trường học thuộc vùng sâu, vùng xa.
 
Cô giáo Lương Thị Hoa Lý, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hải Đình cho biết: Mặc dù cơ sở vật chất phục vụ hoạt động thư viện tại trường còn nhiều hạn chế nhưng trường luôn quan tâm đến phát triển văn hóa đọc trong học sinh.
 
Cùng với việc thường xuyên giới thiệu, định hướng cho các em cách lựa chọn sách phù hợp với độ tuổi, trường còn kết nối với các nhà sách mở gian hàng sách tại trường để các em chọn đọc và mua sách với giá ưu đãi. Trường còn tổ chức cho các em viết cảm nhận về cuốn sách đã đọc cùng các hoạt động trải nghiệm thực tế để các em có điều kiện chia sẻ thông tin, lan tỏa tình yêu đọc sách trong toàn trường.
 
Sách là người thầy cung cấp nguồn tri thức vô tận. Vì vậy, để phát triển văn hóa đọc trong mỗi người, đặc biệt là độ tuổi học sinh, các nhà quản lý, trường học và các bậc phụ huynh cần hướng các em đến với những cuốn sách gieo hạt giống tâm hồn nhằm khắc phục tình trạng quá lệ thuộc vào công nghệ thông tin mà xa rời văn hóa đọc truyền thống.
 
Nh.V

tin liên quan

Phát động cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2021
Phát động cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2021

(QBĐT) - Sáng 20-4, tại Thư viện tỉnh, Sở Văn hóa và Thể thao đã tổ chức phát động cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2021 và hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21-4. 

 

Tổ dân phố Trung Trinh: Đón nhận danh hiệu "Tổ dân phố văn hóa 5 năm liên tục gai đoạn 2016-2020"
Tổ dân phố Trung Trinh: Đón nhận danh hiệu "Tổ dân phố văn hóa 5 năm liên tục gai đoạn 2016-2020"

(QBĐT) - Ngày 17-4, tổ dân phố (TDP) Trung Trinh, thị trấn Quán Hàu (Quảng Ninh) tổ chức lễ đón nhận danh hiệu "Tổ dân phố văn hóa 5 năm liên tục giai đoạn 2016-2020". Dự lễ có đồng chí Đoàn Ngọc Lâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, lãnh đạo huyện Quảng Ninh, thị trấn Quán Hàu và đông đảo cán bộ, nhân dân TDP Trung Trinh.

Bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc là vấn đề cấp thiết
Bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc là vấn đề cấp thiết

Sự biến động của thời gian, hoàn cảnh sống, những tác động của trong quá trình hội nhập… khiến cho văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số bị mai một, đòi hòi cần phải bảo tồn cách thiết.