Khẳng định và phát triển từ hiệu quả hoạt động

  • 08:11, 21/11/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hội Di sản văn hóa Việt Nam (DSVHVN) tỉnh quảng Bình là tổ chức xã hội-nghề nghiệp, tập hợp những tổ chức, những cá nhân có tâm huyết với di sản văn hóa, có phạm vi hoạt động rộng trên địa bàn toàn tỉnh và giao lưu, nghiên cứu, gắn kết các di sản văn hóa trên phạm vi cả nước… Dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các hội và chi hội cơ sở đã nêu cao vai trò quan trọng trong việc nâng cao trách nhiệm của nhân dân, huy động nhân dân chung tay bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn toàn tỉnh.
 
Trước khi hình thành tổ chức Hội DSVHVN tỉnh, hội chỉ là một chi hội được thành lập thuộc Sở Văn hóa-Thông tin tỉnh vào năm 2005 với 26 hội viên là các cán bộ chủ chốt của ngành Văn hóa-Thông tin và Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, trong đó có 2 ủy viên Ban Chấp hành Trung ương hội. Sau gần 2 năm thành lập chi hội, ngày 30-3-2007 Chủ tịch UBND tỉnh đã ra Quyết định số 619/QĐ-UB cho phép thành lập Hội DSVHVN tỉnh Quảng Bình.
    
Sau khi chính thức thành lập, hội đã phối hợp với các địa phương trong toàn tỉnh tiếp tục thành lập các hội và chi hội cơ sở. Đến nay, Hội DSVHVN tỉnh có 11 hội và chi hội cơ sở trực thuộc, với tổng số 467 hội viên.
 
Trong đó có 6 hội huyện, thành phố: Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Trạch (chung với TX. Ba Đồn), Bố Trạch, Quảng Ninh, Đồng Hới và 5 chi hội: huyện Lệ Thủy, Văn phòng Tỉnh hội, Trường đại học Quảng Bình, Sở Văn hóa-Thể thao, Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. Các hội, chi hội cơ sở đều được cơ cấu 1 Ban Chấp hành, có chủ tịch, phó chủ tịch (đối với các địa phương thành lập hội) hoặc chi hội trưởng, chi hội phó (đối với các chi hội).
 Hội thảo khoa học do Hội DSVHVN tỉnh Quảng Bình chủ trì.
Hội thảo khoa học do Hội DSVHVN tỉnh Quảng Bình chủ trì.
Xác định công tác tuyên truyền bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa cho cộng đồng là nhiệm vụ trọng tâm của hoạt động hội, nhiều hội và chi hội cơ sở đã có sự liên kết, tổ chức các hoạt động, các sự kiện nhằm tích cực quảng bá, giới thiệu các di sản văn hóa của các địa phương, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa và đã xác lập được vị thế của tổ chức mình ở địa phương, cơ sở, nhất là việc chủ động thành lập các câu lạc bộ (CLB) như: CLB ca trù Đông Dương, CLB hò khoan Phong Thủy (Lệ Thủy), CLB dân ca truyền thống Nhân Trạch, CLB hát tuồng bội Phú Trạch (Bố Trạch), CLB ví đúm, sắc bùa, hò thuốc ở Minh Hóa… 
 
Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo tồn di sản văn hóa thông qua các cuộc thi với các chủ đề như: “Thắp sáng niềm tin”, “Hướng về nguồn cội ”, xướng họa các bài thơ của Bác Hồ…, thu hút hàng nghìn tác giả tham gia. Hội đã chọn các bài hay, ý nghĩa, phản ánh sinh động cuộc sống đăng tải trên các báo, tạp chí Trung ương và địa phương, tạo nên hiệu ứng xã hội rộng khắp trong bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa.
 
Nhiều hội và chi hội cơ sở cũng đã chủ động sưu tầm, biên soạn và xuất bản nhiều ấn phẩm văn hóa có giá trị phản ánh vùng đất, con người và văn hóa của từng địa phương góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa giàu bản sắc của Quảng Bình như: Hội DSVHVN huyện Tuyên Hóa đã xuất bản 7 tập “Tuyên Hóa quê hương-con người”; Hội DSVHVN Đồng Hới xuất bản 3 tập “Đồng Hới-di sản và danh thắng”, đang chuẩn bị xuất bản tập 4, Hội DSVHVN Bố Trạch xuất bản 5 tập “Bố Trạch-Quê hương miền di sản”, Hội DSVHVN Minh Hóa xuất bản 3 tập “Văn hóa, văn nghệ dân gian Minh Hóa”; Hội DSVH huyện Quảng Trạch với 2 tập “Miền quê di sản”; Hội DSVH Quảng Ninh với phim tài liệu trên VTV1 “Nẻo về nguồn cội”…
 
Đặc biệt, Hội DSVH Huyện Minh Hóa và Tuyên Hóa là hai đơn vị có nhiều sáng kiến huy động hội viên tích cực tham gia công tác sưu tầm hiện vật với hàng trăm hiện vật quý có giá trị.
 
Những năm qua, ngoài những hoạt động có tính độc lập của từng cơ sở hội, chi hội, Hội DSVHVN tỉnh đã thực hiện 1 đề tài khoa học cấp tỉnh với chủ đề: "Đánh giá thực trạng và đề xuất phương án bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng phục vụ cho phát triển du lịch"; phối hợp thực hiện 4 hội thảo khoa học về Hoàng Kế Viêm, Nguyễn Du những năm làm quan cai bạ ở Quảng Bình, vua Hàm Nghi với phong trào Cần Vương trong thời gian 3 năm hoạt động ở vùng Minh Hóa...
 
Đặc biệt, hội thảo khoa học "Nghiên cứu khai thác tiềm năng du lịch Quảng Bình từ tài nguyên văn hóa" được đánh giá cao về hàm lượng khoa học cũng như thực tiễn đối với một địa phương tiềm năng du lịch như Quảng Bình.
 
Trên diễn đàn khoa học, nhiều hội viên Hội DSVHVN tỉnh đã phát huy năng lực, trách nhiệm của mình tích cực nghiên cứu, phản biện, tham gia các hội thảo khoa học, tọa đàm khoa học cũng như các bài viết đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, góp phần tích cực vào việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh cũng như cả nước và quốc tế. 
Đoàn khảo sát di tích đường Hồ Chí Minh (nhánh tây Trường Sơn) của Hội DSVHVN tỉnh và huyện Quảng Ninh.
Đoàn khảo sát di tích đường Hồ Chí Minh (nhánh tây Trường Sơn) của Hội DSVHVN tỉnh và huyện Quảng Ninh.
Các hội, chi hội cơ sở đã chủ trì và phối hợp thực hiện các đề tài khoa học cấp tỉnh như: Lễ hội đua thuyền Lệ Thủy, Quảng Ninh; nghiên cứu bảo tồn và phát huy các giá trị của lễ hội truyền thống nhằm phát triển du lịch của Đồng Hới; nghiên cứu quần thể di tích khu vực núi Thần Đinh của huyện Quảng Ninh; tham gia hội thảo về Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nội dung “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cách mạng Việt Nam và quê hương Quảng Bình”; tham vấn bảo tồn và phát huy đúng hướng các giá trị văn hóa tâm linh, nhất là các di tích tín ngưỡng tôn giáo như văn hóa Phật giáo chùa Hoằng Phúc (Lệ Thủy), chùa Kim Phong (Quảng Ninh), Thánh mẫu Liễu Hạnh (Quảng Trạch), Thánh mẫu Thiên Y A Na (Bố Trạch)…
 
Có thể nói, các hoạt động tham vấn, phản biện, công tác khoa học và các hoạt động chuyên môn của Hội DSVHVN tỉnh cũng như các hội và chi hội cơ sở thời gian qua, tuy chưa đều, chưa liên tục, song những kết quả đạt được nêu trên đã phần nào khẳng định Hội DSVHVN tỉnh đã hoạt động đúng hướng, trọng tâm và khẳng định được vị trí, vai trò của hội với tư cách là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Quảng Bình trong thời gian qua.
 
Hàng năm, vào Ngày DSVHVN (23-11), các hội, chi hội phối hợp với ngành Văn hóa tổ chức gặp gỡ ôn lại ý nghĩa sâu sắc từ các nội dung trong Sắc lệnh số 65 năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bảo tồn cổ tích trong toàn cõi Việt Nam. Đây cũng là dịp để các hội viên gặp gỡ, chia sẻ tình cảm, đồng thời, củng cố tổ chức hội, chi hội cơ sở và phát triển hội viên. Ngày DSVHVN thực sự là ngày hội của toàn xã hội chung tay bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa trên toàn tỉnh và mỗi địa phương, cơ sở.
 
Những kết quả đạt được trong thời gian qua của Hội DSVHVN tỉnh Quảng Bình là minh chứng cho hiệu quả từ phong trào quần chúng với phương châm xã hội hóa công tác bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa của địa phương; là sự khẳng định vai trò của các hội viên hội DSVHVN tỉnh với tâm huyết và trách nhiệm mang tính tự nguyện của những người hoạt động trên một lĩnh vực đặc thù khi Hội DSVHVN tỉnh không phải là hội đặc thù…
 
Lê Hùng Phi
Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam tỉnh Quảng Bình
 

tin liên quan

Vang vọng lời thầy…
Vang vọng lời thầy…
(QBĐT) - Lá bàng dệt nỗi bâng khuâng
Rụng vào cõi nhớ trong ngần giấc mơ
Em về rốn lũ miền Trung
Em về rốn lũ miền Trung
(QBĐT) - Ra trường em về nơi rốn lũ
Mảnh đất nghèo khắc nghiệt miền Trung
Đổi thay từ phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"
Đổi thay từ phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"

(QBĐT) - Trong 20 năm qua, phong trào"Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" (TDĐKXDĐSVH) được triển khai trên địa bàn TP. Đồng Hới một cách sâu rộng, sôi nổi, hiệu quả và thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Đặc biệt, những hiệu quả mà phong trào mang lại đã tác động tích cực, làm thay đổi diện mạo và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân trên địa bàn, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội của thành phố.