(QBĐT) - Khi rời quê đi, thấy trời còn oi oi, vậy mà ngay hôm sau nghe tin mưa suốt dải Bắc miền Trung. Mưa một ngày, hai ngày..., ba ngày. Nước về, sông Kiến Giang quá tải, nước dâng tràn bờ, ngập vườn, ngập sân, dâng cao nữa: lụt. Báo, đài đưa tin, hệ thống chính trị tích cực triển khai công tác phòng, chống và khắc phục. Khắp nơi chia sẻ nỗi lo. Có những nguồn thông tin như hốt hoảng. Nhưng, liệu có nhiều người hiểu được tâm thế của quân dân Lệ Thủy những ngày này không?! Chắc, chỉ người Lệ Thủy mới hiểu sâu, hiểu hết.
Người Lệ Thủy chống lụt như hàng năm vẫn đón gió mùa Tây Nam, gió mùa Đông Bắc, bình thản, tự tin như với một người khách quen mỗi năm trở lại, như người Nam bộ chờ con nước Cửu Long, không về, có khi lại nhớ. Mà không phải tới bây giờ đâu, 60 năm trước, chừng như năm 1960, lụt rất lớn. Nền nhà cao nhất trong làng tôi lần đầu tiên nước vào láng nền. Cả vùng lưu vực Kiến Giang mênh mông nước bạc, có nhà nước ngập đến mái. Người Lệ Thủy, khi con nước về cuồn cuộn dưới sông thì đàn ông vẫn bình thản tìm trộ cất rớ đón loài cá lúi ngon đặc biệt đang đổ về.
![]() |
Phụ nữ kê cao bếp lên một chút, chuẩn bị dỡ mắm cá ra chưng, kho và mở sạp lấy bắp rang ăn... Trẻ con được nghỉ học, thích lắm. Đứa lớn thì chặt chuối đóng bối (bè). Đứa nhỏ hơn xắn quần lội nước lụt, thỉnh thoảng ngóng xem nước đã... thâu eo? Thâu eo là nước từ hai phía cánh đồng và sông Kiến Giang dâng lên gặp nhau giữa đường xóm, chính thức biến con đường thành con sông nhỏ.
Và người nông dân, thóc đã khô khén trên tra (la phông), vừa ngồi nhâm nhi chén rượu mong nước lụt ngưng lâu lâu để cánh đồng được thau chua rửa phèn, lắng lại nhiều phù sa tươi tốt cho vụ sau, cũng có nghĩa vụ lúa năm sau không lo bị chuột phá hoại, vừa nhẩm tính kế hoạch sau lụt nên bắt đầu bừa thửa nào nước.
Rồi nữa, năm nay lụt to, cá tràn vào đồng nhiều, sinh sôi nảy nở, năm tới nên cấy thêm vài sào lúa theo. Lúa theo là lúa “cấy theo” không nệ sản lượng mà chỉ để dụ cá vào. Tới mùa, tát nước bắt cá, chở về... bằng thuyền. Vấn đề là: Thóc đã khô khén lên tra!
60 năm trước đã vậy. Bây giờ vẫn vậy và còn tự tin bình thản hơn bội phần. Vì sao? Vì từ lâu, Lệ Thủy đã giải quyết xong vấn đề lương thực. Như cuộc đấu trên sân cỏ, người Lệ Thủy buộc thời tiết “đá theo cách chơi của mình”: Vụ đông-xuân gieo thẳng, vụ hè-thu tái sinh, nhàn mà hiệu quả. Người Lệ Thủy đã “ăn no mặc ấm” và bắt đầu ‘ăn ngon mặc đẹp”.
60 năm qua, trừ những năm chiến tranh khốc liệt, trừ 10 năm hậu chiến lúng túng như "gà mắc tóc", còn thì Lệ Thủy bước chắc chắn trên con đường xây dựng một nông thôn phồn thịnh, những cụm đô thị đẹp và nhiều cá tính. Về thị trấn Kiến Giang vào đêm trăng mà xem, cứ gọi là huyền ảo và đêm không trăng mà xem, cứ gọi là lung linh. Không thể khen Lệ Thủy thạo kinh doanh, nhưng không thể chê Lệ Thủy trồng lúa và trị thủy.
Trong và sau trận lụt, người ta vẫn thấy những đoàn cứu trợ đến và người Lệ Thủy vẫn đón tiếp nồng hậu như truyền thống hiếu khách từ xưa. Lệ Thủy vẫn tiếp nhận quần áo, chăn màn, lương thực từ những nguồn thiện nguyện. Có thể từ chối những món quà nặng ân tình sẻ chia ấy sao!? Nhưng, đừng vì thế mà nghĩ người Lệ Thủy thiếu đói.
![]() |
Không bao giờ nữa đâu. Người Lệ Thủy bây giờ làm lúa như đùa mà ăn thật. Một ngày cách nay cả 15 năm, tôi về thăm quê, thuận chân ra cánh đồng ngồi trên vệ cỏ hóng mát. Đang tận hưởng hương đồng gió nội, thấy một đôi trai thanh gái lịch chở nhau trên chiếc “giấc mơ 2” theo con đường nội đồng chạy ra. Tôi đã nghĩ, thanh niên thành phố vê tận đây đổi gió chăng. Đến gần hóa ra hai vợ chồng đứa cháu.
Hỏi, chúng thưa là... đi thăm đồng. Thì ra, là nông dân “chính hãng”, đang phóng xe dream đèo nhau ra thăm lúa xem có cần tăng, giảm nước, có sâu bệnh gì chăng. Thăm lúa mà chồng quần xanh áo trắng, tóc chải mượt, cô vợ ăn mặc tươm tất đến mức tưởng như chỉ thiếu điều... diện váy.
Cũng vậy, dạo quanh làng, ngang qua một nhà bà con, nghe vọng ra tiếng: Một hai ba zô! Là tiếng phụ nữ, qua cổng ghé mắt nhìn vô thấy một đám phụ nữ trong xóm đang tụ tập nâng cốc... bia loon. Bèn vừa mừng vừa ngỡ ngàng: Đời sống đã nới ra, thả lỏng đến thế này rồi sao? Mà sao trăng gì nữa! Hai vợ chồng đứa em họ cùng làm nông, không đi nước ngoài làm thuê, cũng chẳng vào Tây Nguyên, Bình Dương gì, chỉ luẩn quẩn ở làng mà cũng xây cái nền nhà ngang vai người lớn, thượng chua hạ gõ, lợp ngói Hạ Long sang chảnh thì lụt bão có là gì.
Đừng nói trong con nước lớn, cả trong mùa El Nino, khi cả nước lao đao nắng hạn khô khát, tôi về quê, hốt hoảng ra đồng để hết sức ngạc nhiên thấy chân lúa vẫn xăm xắp nước, ngọn lúa vẫn reo vui theo gió. Phải đến ngày được ngồi trên ca nô chạy suốt chiều dài hồ An Mã mới lý giải được vì sao. Vậy là, cái công cuộc trị thủy, Lệ Thủy đã làm xong một nửa, nửa kia vui vẻ sống chung và đón chờ nguồn lợi. Phải chăng đó chính là phương pháp hiệu quả nhất trong ứng xử với thiên nhiên.
Đó gọi là “tâm thế”. Tâm thế được tạo nên bởi nội lực. Tâm thế ấy của người Lệ Thủy ngày càng bền vững.
Tình cờ, trên mạng xã hội, tôi gặp trang facebook Trần Nga ở làng Tuy Lộc. Thấy chị than phiền nước lụt làm hỏng hoa thược dược trước sân, tôi bình luận bằng mấy câu thơ của Xuân Hoàng viết thời chiến tranh khi Đồng Hới đổ nát:
Ta lại về xây Đồng Hới quê ta
Sẽ trồng lại hoa hồng bên lối nhỏ
Hoa thược dược đến mùa xuân lại nở
Vàng huân chương trong mỗi sân nhà
Thì chính chị lại an ủi tôi, rằng, không sao, chờ nước rút sẽ lại trồng hoa.Vâng, chị Trần Nga, khi nước rút, chị sẽ giữ lại lượng phù sa, sẽ trồng lại hoa thược dược và mùa xuân tới đây sẽ lại đỏ “huân chương” trước sân nhà.
Nguyễn Thế Tường