Như một làn điệu hò khoan

  • 08:08, 28/08/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sinh trưởng ven hữu ngạn Kiến giang, khi Lệ Thủy, Quảng Bình đang dần trở thành tuyến lửa. Không quân và Hải quân Mỹ tăng cường đánh phá ngày đêm đến độ gần như hủy diệt. Bé gái ra đời, lớn lên trong bom đạn thời đánh Mỹ, trong khó khăn kinh tế thời hậu chiến, nhưng dòng máu dân ca luôn chảy thao thiết trong tim. Được cả thanh lẫn sắc, nhưng dịp may vào trường nghệ thuật không đến, mười tám tuổi, chị nhập ngũ làm người lính sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc khi mà cuộc chiến biên giới phía Bắc vẫn còn giằng dai quyết liệt. Mặt trận Vị Xuyên, máu trai làng vẫn đổ.
 
Sau bốn năm quân ngũ, trung sỹ Hồng Hới phục viên trở về với ruộng đồng tay liềm tay hái. Rồi lấy chồng sinh con, rồi trở thành bà chủ quán phở phố huyện, rồi... Nhưng cái chất giọng dân ca thì không hề mất đi. Mặc dù không hề được đào tạo cơ bản, nhưng truyền thống ca hát dân ca truyền từ đời cụ, đời ông bà ngoại, cùng với những năm tháng rèn luyện trong quân ngũ khiến chị chưa một phút sao nhãng niềm đam mê hò khoan.
 
Cái duyên của tuổi cập kê đưa chị đến hội diễn dân ca toàn tỉnh Bình-Trị-Thiên cuối năm 1988 và ẵm luôn giải A đầu tiên tiết mục hò khoan Lệ Thủy. Năm 1993, với sự đồng cảm cùng đi theo chăm sóc của chồng, Hồng Hới bồng con bảy tháng tuổi tham dự hội diễn “Giai điệu quê hương” tại Huế và lại giật huy chương vàng tiết mục hò khoan đối đáp.
 
Năm 1994 là năm bội thu trong sự nghiệp ca hát của chị. Tháng bảy, huy chương vàng hội diễn đàn hát dân ca. Tháng mười, hai huy chương ngay trong một hội diễn: huy chương vàng “Hát giao duyên”, huy chương bạc kể vè “Mẹ Suốt”.
Tiết mục hò khoan Lệ Thủy tại chương trình giao lưu văn hóa, du lịch Quảng Bình - Hải Phòng.
Tiết mục hò khoan Lệ Thủy tại chương trình giao lưu văn hóa, du lịch Quảng Bình - Hải Phòng.
Những năm cuối thế kỷ trước chứng kiến sự hồi sinh và khởi sắc của hò khoan Lệ Thủy. Làng xóm, trường học, hội hè, đình đám, cưới hỏi, vui buồn, sân đình, ngõ xóm vang giọng hò khoan. Qua tuổi tứ thập, gia đình đã ổn định, Hồng Hới dành nhiều thời gian cho câu lạc bộ và đến dạy cho các cháu học sinh phổ thông, các cơ quan, đoàn thể trên địa bàn huyện.
 
Năm 2002, tại liên hoan “Nối những câu hò” tổ chức ở Hà Tĩnh, Hồng Hới lại đoạt huy chương vàng và danh hiệu “Người hát dân ca hay nhất hội diễn”, được nhận xét là đã đưa hò năm mái lên một tầm cao mới. Qua tuổi năm mươi, chị vẫn đều đặn tham gia các hội thi dân ca do Bộ Văn hóa-Thông tin tổ chức tại Quảng Bình, Kiên Giang... mang về giải thưởng cao cho toàn đoàn góp phần quảng bá hò khoan Lệ Thủy ra địa bàn cả nước.
 
Từ năm 2017 đến nay, Hồng Hới chuyển sang địa hạt mới: Chăm lo hoạt động của câu lạc bộ, trình diễn và truyền dạy, sưu tầm lời cổ, soạn lời mới các bài hò phục vụ nhiệm vụ chính trị-xã hội tại địa phương và sinh hoạt cộng đồng. Nhiều bài gây ấn tượng mạnh và được công chúng hoan nghênh nhiệt liệt, như: “Đẹp mãi câu hò” “Vui hội chùa Hoằng Phúc”, “Ca ngợi Dương Văn An”...
 
Chị tham gia chủ công các chương trình lớn “Vinh danh Đại tướng” “Nước mắt suối Bang”. Đặc biệt, chào mừng ngày Tết Độc lập 2-9, câu lạc bộ đã xây dựng và tổ chức đàn hát hò khoan Lệ Thủy đêm 1-9-2019 hoành tráng nhất từ trước đến nay ở đôi bờ Kiến Giang, chấp nhận sự bất thường của thời tiết, trình diễn dưới trời mưa tầm tã trắng dòng sông. Buổi biểu diễn không đạt thành công trọn vẹn về chuyên môn nhưng đã gây hiệu ứng tâm lý rất mạnh trong nhân dân đôi bờ về tinh thần và chí quyết tâm vượt khó để bảo tồn và phát huy vốn văn hóa bản địa.
 
Từ ngày hò khoan Lệ thủy được tôn vinh “Di sản văn hóa cấp quốc gia”, hoạt động của Hồng Hới và câu lạc bộ còn kiêm thêm cả nhiệm vụ quảng bá di sản rộng khắp cả nước và thế giới. Câu lạc bộ xây dựng tiêu chí: Truyền dạy, bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị hò khoan Lệ Thủy; xây dựng các chương trình biểu diễn chất lượng phục vụ bà con tại địa bàn và bà con xa quê. Câu lạc bộ đã xây dựng 30 video clip chất lượng cao cung cấp cho các đài truyền hình, báo điện tử và phát trên mạng xã hội được người xem đánh giá rất tốt.
 
Đại dịch Covid-19 bất ngờ diễn ra gây biến động sinh hoạt xã hội một thời gian. Hưởng ứng phong trào “Chống dịch như chống giặc” nhưng không thể biểu diễn phục vụ đông người, Hồng Hới tìm các bài thơ hay viết trực diện về chống đại dịch, chuyển thể thành các làn điệu hò khoan, tự mình thu âm phát trên mạng xã hội, cổ vũ động viên tinh thần những người trực tiếp chống dịch và nhắc nhở cộng đồng tuân thủ quy định sinh hoạt trong mùa đại dịch...
                                                     
Ba mươi lăm năm, kể từ ngày rời quân ngũ trở lại với ruộng đồng, hạt lúa, của khoai, với niềm say mê hát dân ca, Hồng Hới đã cùng với các bạn nghề phục hồi và kích hoạt niềm đam mê hát dân ca trong cộng đồng, đưa hò khoan Lệ Thủy rộng khắp địa bàn trong huyện và giới thiệu ra cả nước, trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
 
Bản thân chị cũng gần như đạt đỉnh vinh quang với hàng loạt huy chương vàng, huy chương bạc cá nhân và đồng đội, danh hiệu hát dân ca hay nhất, được tặng nhiều bằng khen của tỉnh, ngành, Trung ương, được Chủ tịch nước vinh danh Nghệ nhân ưu tú.
 
Đồng đất hai huyện Lệ Thủy-Quảng Ninh khai sinh ra điệu hò khoan Lệ Thủy là quê hương của nhiều danh nhân nổi tiếng qua các thời kỳ: Tiến sỹ triều Mạc Dương Văn An, tác giả văn bản địa chí cổ nhất của Bình-Trị-Thiên “Ô châu cận lục”; Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh có công định vị hình hài đất nước vào tận cõi cực nam vào cuối thế kỷ mười bảy; Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà quân sự thiên tài, nhà văn hóa thế kỷ hai mươi.
 
Xuôi dòng Kiến Giang, dân cư hai huyện Lệ Thủy-Quảng Ninh đã sáng chế và giữ gìn di sản hò khoan qua bao thăng trầm lịch sử. Bao lớp người yêu hò khoan đã khuất núi. Hôm nay đây, lớp người mới đã và đang tiếp nối đưa câu hò Lệ Thủy lan xa và nâng lên một tầm cao mới. Công lao ấy thuộc về nhân dân đôi bờ Kiến Giang, thuộc về những người yêu hò khoan, câu lạc bộ hò khoan, trong đó có sự đóng góp cả chiều sâu, chiều rộng của nghệ nhân dân gian ưu tú Hồng Hới.
 
Ở Lệ Thủy, Quảng Ninh, cảm giác như mỗi người dân yêu hò khoan đều sở hữu cho mình một làn điệu, như thể, mỗi nghệ nhân ưu tú cũng là một làn điệu hò khoan trong cộng đồng. 
 
                                                                         Bút ký của Nguyễn Thế Tường
 
 
 

tin liên quan

Tăng cường hoạt động nghiên cứu, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, văn nghệ dân gian
Tăng cường hoạt động nghiên cứu, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, văn nghệ dân gian

(QBĐT) - Ngày 28-8, Phân hội Văn hóa-Văn nghệ dân gian (thuộc Hội Văn học- Nghệ thuật Quảng Bình) tổ chức đại hội nhiệm kỳ 2020-2025.

Tổ chức cuộc thi ảnh về nông thôn mới
Tổ chức cuộc thi ảnh về nông thôn mới

(QBĐT)- Chiều 27-8, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức cuộc họp triển khai cuộc thi ảnh về nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010-2020. 

Xuất bản bộ sách Hồ Chí Minh - Tác phẩm Bảo vật quốc gia dịp Quốc khánh 2-9
Xuất bản bộ sách Hồ Chí Minh - Tác phẩm Bảo vật quốc gia dịp Quốc khánh 2-9

Nhà xuất bản (NXB) Trẻ vừa cho ra mắt bộ sách "Hồ Chí Minh - Tác phẩm Bảo vật quốc gia" chào mừng Quốc khánh 2-9-2020 và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.