(QBĐT) - Những năm qua, phong trào văn nghệ quần chúng trên địa bàn huyện Lệ Thủy phát triển mạnh, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân. Trong đó, có sự đóng góp không nhỏ của các gia đình yêu văn hóa, văn nghệ. Gia đình chị Nguyễn Thị Hợi (SN 1983), anh Trương Châu Thoại (SN 1982) thôn Mỹ Hà, xã Mỹ Thủy là một gia đình tiêu biểu của phong trào văn nghệ trên địa bàn huyện.
Đến thôn Mỹ Hà, xã Mỹ Thủy hỏi thăm gia đình anh Thoại, chị Hợi, không ai là không biết. Không chỉ bởi gia đình anh chị sống chan hòa với bà con lối xóm mà còn bởi đây là gia đình đam mê văn nghệ tiêu biểu của xã. Xuất thân trong một gia đình làm nông nghiệp thuần túy, không ai theo nghệ thuật nhưng chị Hợi lại có tình yêu đặc biệt với các thể loại âm nhạc.
![]() |
Chị kể: "Ngay từ khi còn nhỏ, mỗi lần nghe những làn điệu hò khoan các ông bà, anh chị hát, tôi bị mê hoặc một cách lạ lùng. Cứ mỗi lần trong thôn, xóm có chương trình ca nhạc gì là tôi phải ngồi nghe cho bằng hết, nghe say lắm, mà cứ càng nghe lại càng thích. Còn anh Thoại cũng yêu ca hát, những lúc có thời gian, anh thường ôm đàn cùng các bạn nghêu ngao hát...". Thế rồi chữ "duyên" đã đưa anh chị tìm được nhau, qua những lời tâm tình, tìm hiểu, nhận ra ở nhau sự đồng điệu về tâm hồn, họ quyết định về chung một nhà, cùng nhau nuôi dưỡng đam mê nghệ thuật.
Được biết, anh Thoại là giáo viên thể dục, Tổng phụ trách Đội Trường tiểu học Mỹ Thủy, còn chị Hợi là giáo viên âm nhạc Trường THCS Tân Thủy. Vừa dạy học, chị Hợi, anh Thoại vừa tham gia các hoạt động, phong trào văn hóa-văn nghệ của thôn, xã, huyện, của trường và Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện. Đặc biệt, chị Hợi dù bận rộn công việc trường lớp, vẫn luôn xông xáo tham gia dàn dựng tiết mục cho các đoàn, đội văn nghệ của các ban, ngành; dành thời gian tham gia các hoạt động của thôn, xã nơi chị công tác và sinh sống.
![]() |
Hơn 10 năm gắn bó với phong trào văn nghệ quần chúng, điều anh chị trăn trở nhất là làm thế nào để việc mang lời ca tiếng hát đi biểu diễn, phục vụ khán giả, không chỉ giúp nâng cao đời sống tinh thần cho người dân mà còn góp phần phát triển phong trào chung của địa phương.
Vì vậy, bên cạnh tích cực luyện tập, tham gia hội thi, hội diễn, giao lưu ở địa phương, anh chị cũng thường xuyên động viên người thân trong gia đình cùng tham gia phong trào văn hóa-văn nghệ quần chúng.
Hàng tuần, vào các ngày thứ bảy, chủ nhật, gia đình anh chị quây quần cùng luyện giọng, hát cho nhau nghe. Những lúc rảnh rỗi, anh chị còn dành thời gian tìm hiểu các làn điệu hò khoan, lối hát mới, cách dàn dựng phù hợp với chất giọng sẵn có của các thành viên trong gia đình. Những ngày chuẩn bị biểu diễn, anh chị thức cả đêm đàn, hát, sửa cho nhau từng lời ca, điệu múa.
Mặc dù là phong trào văn nghệ quần chúng nhưng anh chị luôn ý thức tập luyện sao cho điệu múa thật dẻo, lời ca thật hay để mang đi biểu diễn phục vụ bà con. Nhờ sự nỗ lực của anh chị mà các thành viên trong gia đình luôn đoàn kết, gắn bó, yêu thương nhau, gia đình chị nhiều năm liền được bình chọn là "Gia đình văn hóa tiêu biểu" của xã, huyện. Năm 2019, gia đình anh chị đạt giải nhì hội thi "Gia đình văn hóa".
Chị Trương Thị Diệu Thúy, Phó Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Lệ Thủy cho biết: Gia đình anh Thoại, chị Hợi rất gần gũi, hòa đồng với tất cả mọi người.Vào những dịp lễ hội lớn, những hoạt động văn hóa-văn nghệ của địa phương không thể thiếu tiếng hát của gia đình anh chị.
Bằng trách nhiệm và sự nhiệt tình, gia đình anh chị đã đóng góp tích cực cho phong trào văn nghệ của xã và huyện. Họ chính là những hạt nhân tiêu biểu làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, đồng thời góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa dân gian quý báu mà cha ông để lại.
Toàn huyện Lệ Thủy hiện có 288 đội văn nghệ quần chúng với hơn 3.000 diễn viên, hạt nhân văn nghệ trong các xã, cơ quan, đơn vị, trường học, hoạt động theo phương thức xã hội hóa, tự đóng góp kinh phí, mua sắm trang thiết bị âm thanh, trang phục biểu diễn. Bên cạnh đó, toàn huyện còn có 61 CLB văn hóa nghệ thuật, 69 CLB thể thao và 247 CLB thuộc các loại hình khác. |
Phạm Hà