Những đình làng "Thế hệ mới" - Kỳ 2: Để đình làng phát huy giá trị
04:09, 10/09/2019
(QBĐT) - Các đình làng được phục dựng, xây mới là minh chứng rõ nét cho tấm lòng của những người con của làng, nhất là những ai làm ăn phương xa, luôn ngóng về quê cha đất tổ. Đó vừa là điểm tâm linh, vừa góp phần giáo dục truyền thống quý báu cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, do chưa có hướng dẫn về hoạt động nên đình làng mỗi nơi hoạt động mỗi khác, chưa phát huy hết tác dụng, giá trị của công trình ý nghĩa này.
Đình làng Mai Hạ (Xuân Thủy, Lệ Thủy) chính thức được xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2016 với nguồn kinh phí xã hội hóa 630 triệu đồng. Đình làng được phục dựng trên nền đất của ngôi đình cũ và đặc biệt vẫn còn giữ được cổng đình cổ kính, công phu cùng cây đa cổ thụ mấy trăm năm tuổi. Vì lẽ đó, khác với nhiều ngôi đình được xây mới khác, đình làng Mai Hạ vẫn giữ được nét cổ xưa, truyền thống.
Ông Mai Vũ Bảo, Trưởng thôn Mai Hạ cho biết, đình làng được giao lại cho Hội Người cao tuổi thôn để tổ chức, triển khai các hoạt động sinh hoạt cộng đồng của làng, trong đó, đáng chú ý là hoạt động cúng Lễ Thành hoàng vào ngày 20-6 âm lịch và mừng thọ các bậc cao niên vào dịp Tết Nguyên đán. Kinh phí hoạt động chủ yếu dựa vào hòm công đức và quỹ văn hóa-xã hội của thôn.
Ngoài ra, một hoạt động ý nghĩa được Hội Người cao tuổi thôn tổ chức thường xuyên tại đình làng là trao học bổng hiếu học của các dòng họ. Đây cũng là dịp để các bậc cao tuổi truyền đạt cho con cháu về truyền thống cách mạng, các giá trị văn hóa tốt đẹp của làng.
Tuy vậy, theo như chia sẻ của ông Mai Vũ Bảo, mặc dù so với các đình làng khác, đình làng Mai Hạ có các hoạt động sôi nổi hơn, những vẫn còn khá nhiều "khoảng trống" trong suốt thời gian dài.
Đình làng Mai Hạ là một trong những đình làng hiếm hoi của huyện Lệ Thủy còn giữ được cổng đình và cây đa trăm tuổi.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Văn Tăng, không nhiều ngôi đình tổ chức được các hoạt động như đình làng Mai Hạ. Từ năm 2000 trở lại đây, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình xuất hiện nhiều đình làng. Nhìn chung, các đình làng "thế hệ mới" đều to đẹp, bề thế, nhưng các hoạt động vẫn chưa phong phú, đa dạng, chủ yếu chỉ diễn ra vào các dịp lễ hội chính của làng. Bên cạnh yếu tố tâm linh, một nguyên nhân khác là bởi các thôn, xã chưa có sự hướng dẫn thống nhất, toàn diện về hoạt động, mà chủ yếu theo kiểu "mạnh đình nào đình ấy làm". Chỉ riêng việc quản lý đình làng cũng đã thiếu thống nhất, thôn thì giao cho Hội Người cao tuổi, thôn lại lập ban quản lý đình làng…
Đáng chú ý, nhiều vùng quê có các di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, nhưng vẫn chưa biết khai thác thế mạnh của đình làng để làm nơi biểu diễn, giới thiệu di sản, đưa di sản đến gần hơn với người dân và du khách thập phương. Hoặc, nhìn xa hơn, các đình làng hoàn toàn có thể là một "điểm đến du lịch" nhằm quảng bá nét văn hóa truyền thống riêng có của làng, kết hợp với các điểm đến danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa-lịch sử khác.
Tuy nhiên, trước hết, nhà nghiên cứu văn hóa Văn Tăng khẳng định, rất cần một hội thảo khoa học riêng về lĩnh vực này để vừa thống nhất ý kiến giữa các nhà chuyên môn, nhà quản lý văn hóa, vừa lắng nghe tâm tư nguyện vọng của chính cộng đồng dân cư đang bảo vệ, gìn giữ văn hóa làng, đặc biệt trong giai đoạn nông thôn mới đang nâng cấp kiểu mẫu như hiện nay.
Chia sẻ quan điểm này, ông Mai Xuân Thành, Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, đình làng là một thiết chế văn hóa-tín ngưỡng với 3 chức năng chính là: hành chính, văn hóa và tín ngưỡng. Đình làng là nơi thờ Thành hoàng và cũng là nơi hội họp, làm việc của làng, là nơi đánh dấu một bước phát triển của cơ cấu làng xã cổ truyền, là biểu tượng của tính cộng đồng trong làng xã của người Việt. Ngôi đình là trung tâm văn hóa của làng, thể hiện cô đọng nhất là các lễ hội, tổ chức sinh hoạt, hội họp… của cư dân.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có nhiều đình làng, trong đó có 15 đình làng đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh (chủ yếu tập trung trên địa bàn TX. Ba Đồn, huyện Quảng Trạch và Bố Trạch). Đối với các đình làng đã được xếp hạng di tích, các hoạt động của đình sẽ thực hiện theo quy định của Luật Di sản Văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa; Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
Ông Thành cũng chia sẻ thêm, mới đây, theo ý kiến của cử tri xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh về ban hành và xây dựng quy chế hoạt động của đình làng, Sở Văn hóa và Thể thao cho rằng, căn cứ vào các chức năng của đình làng và phong tục, tập quán của từng địa phương, hoạt động của đình làng là do cộng đồng dân cư địa phương quyết định, như: sử dụng để tổ chức lễ hội, thờ tế, tế lễ; hoặc tổ chức hội họp và các hoạt động khác. Theo đó, việc quản lý, tổ chức các hoạt động tại đình làng (chưa được xếp hạng di tích) do chính cộng đồng dân cư trực tiếp thực hiện, dưới sự quản lý, hướng dẫn của chính quyền cấp xã như đối với một thiết chế văn hóa của cộng đồng.
Tiếp thu ý kiến cử tri, thời gian tới, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ nghiên cứu để hướng dẫn các địa phương trong việc quản lý, tổ chức các hoạt động tại những đình làng chưa được xếp hạng di tích trên nguyên tắc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bảo đảm tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và đặc điểm văn hóa, phong tục tập quán của cư dân mỗi địa phương.
Chương trình nghệ thuật Bến Thủy anh hùng kết hợp với các đoạn clip ngắn, phim tài liệu, tư liệu, điểm lại các sự kiện tiêu biểu trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, tái hiện lại những trang sử hào hùng.
(QBĐT) - Có những thứ tưởng chừng giản dị nhưng ngay cả khi cuộc sống đủ đầy, con người ta vẫn thấy nhớ đến da diết, nghẹn lòng. Có những ngày, chợt nhận ra rằng hóa ra, thứ bản thân muốn tìm lại không đơn giản là một món đồ có thể mua bán được mà là ký ức, là kỷ niệm, là những niềm thương, nỗi nhớ mãi mãi không thể lấp đầy.