Lễ hội chèo cạn-múa bông và và đón bằng công nhận lễ hội Cầu ngư là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
02:04, 30/04/2019
(QBĐT) - Tối 29-4, tại quảng trường biển Bảo Ninh, UBND TP. Đồng Hới phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao tổ chức lễ hội chèo cạn-múa bông và đón bằng công nhận "Lễ hội Cầu ngư ở Quảng Bình" là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện văn hoá, nghệ thuật của Tuần Văn hoá-Du lịch Đồng Hới năm 2019.
Tham dự có đồng chí Trần Tiến Dũng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành và đông đảo nhân dân trên địa bàn và du khách thập phương.
Tại buổi lễ, đồng chí Trần Vũ Khiêm, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao đã công bố quyết định của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận “Lễ hội cầu ngư ở Quảng Bình” là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Được sự ủy quyền của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, đồng chí Trần Tiến Dũng và Trần Vũ Khiêm đã trao bằng công nhận “Lễ hội cầu ngư ở Quảng Bình” là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho 6 huyện, thị xã, thành phố có tổ chức lễ hội này, gồm: huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch, TX Ba Đồn và TP. Đồng Hới.
Tiếp đó là phần biểu diễn chèo cạn-múa bông của trên 300 diễn viên quần chúng sinh hoạt tại các câu lạc bộ, đội, nhóm văn nghệ của xã Bảo Ninh, như: đàn và hát dân ca, đội trống hội, đội cờ hội, đội múa rồng, đội chèo cạn, đội múa bông, đội hò xố...
Sau phần lễ với nghi thức cúng thần linh nhằm cầu cho trời yên biển lặng, mưa thuận gió hòa và mùa màng bội thu, các đội chèo cạn-múa bông đã thể hiện những động tác nhịp nhàng mang đậm bản sắc văn hóa lâu đời của địa phương vùng biển kết hợp với các điệu hò mái dài, hò mái ba, hò mái nện, hò kéo lưới và hát khoan vô cùng hấp dẫn, sinh động.
Thông qua việc tổ chức lễ hội chèo cạn-múa bông và đón bằng công nhận "Lễ hội Cầu ngư ở Quảng Bình" là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nhằm tôn vinh, quảng bá, giới thiệu đến du khách nét đặc trưng văn hoá dân gian truyền thống của ngư dân miền biển Quảng Bình nói chung, TP. Đồng Hới nói riêng. Qua đó, giáo dục ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc riêng có của nhân dân địa phương, góp phần phục vụ phát triển dịch vụ du lịch biển ở trên địa bàn.
Một số hình ảnh tại sự kiện này:
Nghi thức cầu cho trời yên biển lặng, mưa thuận gió hòa và mùa màng bội thu.
Được sự ủy quyền của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, đồng chí Trần Tiến Dũng và Trần Vũ Khiêm trao bằng công nhận “Lễ hội cầu ngư ở Quảng Bình” là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho các địa phương.
Đánh trống khai hội chèo cạn-múa bông.
Trên 120 diễn viên quần chúng xã Bảo Ninhbiểu diễn chèo cạn.
Tại Festival Nghề truyền thống Huế 2019, công chúng và du khách có dịp chiêm ngưỡng nhiều nghề và làng nghề nổi tiếng, độc đáo của "Tinh hoa nghề Việt."
(QBĐT) - Trong không khí phấn khởi của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đang thi đua lập nhiều thành tích chào mừng kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30-4-1975- 30-4-2019), Ngày Quốc tế Lao động 1-5, 30 năm Ngày tái lập tỉnh (1-7-1989 - 1-7-2019) và 70 năm Ngày Quảng Bình quật khởi (15-7-1949 - 15-7-2019), tối 27-4-2019, tại quảng trường biển Bảo Ninh, TP. Đồng Hới đã tổ chức chương trình nghệ thuật chào mừng Tuần Văn hóa - Du lịch Đồng Hới năm 2019.
Festival Nghề truyền thống Huế 2019 hội tụ tinh hoa của 16 nhóm nghề, với 60 làng nghề và trên 350 nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, bàn tay vàng đến từ các làng nghề nổi tiếng trong cả nước.