(QBĐT) - Tết trong đời sống văn hóa của người Việt là khởi đầu cho một năm mới với niềm tin và hy vọng vào những điều tốt đẹp. Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị văn hóa truyền thống còn được người dân bảo tồn, gìn giữ qua thời gian, cuộc sống hiện đại vô tình làm cho Tết trở thành gánh nặng, là nỗi lo trong suy nghĩ của nhiều người dân.
Hướng về nguồn cội
Tết không chỉ là khoảng thời gian để sum họp gia đình, gắn kết tình thân mà còn là dịp để mỗi người tưởng nhớ về nguồn cội với rất nhiều hoạt động ý nghĩa. Sáng mồng một Tết, trong khi nhiều ngõ nhà, tuyến phố khá vắng vẻ thì tại các chùa, nghĩa trang... trên địa bàn tỉnh lại rất đông người dân tìm đến để dâng nén tâm hương bày tỏ lòng thành kính với đức Phật, với tổ tiên và cầu mong cho gia đình, quê hương, đất nước một năm mới an lành, thịnh vượng. Đây còn là cơ hội để mọi người vãn cảnh, tìm lại sự thảnh thơi trong tâm hồn sau những lo toan, bộn bề của cuộc sống.
Nghĩa trang Đá Bạc phường Đồng Sơn, một trong những nghĩa trang lớn nhất của TP. Đồng Hới ngày đầu năm mới rất đông người dân, từ người già đến trẻ nhỏ tìm đến. Để tránh cảnh ùn tắc giao thông trên tuyến đường chính vào nghĩa trang, Ban quản lý nghĩa trang, chính quyền địa phương đã bố trí các bãi giữ xe và hướng dẫn người dân vào viếng mộ một cách trật tự.
![]() |
Cụ Trần Văn ở xã Đức Ninh (TP. Đồng Hới) cho hay, cụ không nhớ rõ đã bao nhiêu lần đến các nghĩa trang trong ngày đầu năm mới, bởi từ khi còn rất nhỏ, cụ đã theo cha mẹ đi thắp hương lên các phần mộ.
Bây giờ tuổi đã cao, song cụ vẫn đi cùng con cháu để lo việc hương khói cho người đã khuất. Cụ cho rằng, viếng mộ ngày Tết là dịp để thể hiện lòng biết ơn đối với ông bà, tổ tiên, là một trong những việc làm ý nghĩa nhất trong dịp năm mới.
Từ xưa đến nay, trong mỗi gia đình Việt, bất kể giàu nghèo, đều lấy việc thờ cúng ông bà, tổ tiên làm trọng. Bởi vậy, việc trang trí bàn thờ trong ba ngày Tết có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Ngoài chuẩn bị mâm ngũ quả đẹp mắt, chất lượng, các gia đình còn chọn những loại hương có mùi thơm đặc biệt như hương bài, hương trầm... để thắp.
Mùi thơm từ những nén hương thể hiện tấm lòng, đạo nghĩa và sự tri ân của người còn sống đối với người đã khuất. Và đó là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của mỗi người dân Việt, góp phần tạo nên giá trị bản sắc văn hóa dân tộc.
Nỗi lo khi Tết đến
Ngày nay, nhiều người quá chú trọng đến vấn đề hình thức nên Tết không chỉ đơn thuần là những ngày được vui chơi mà còn là dịp để phô trương, bày biện, thể hiện sự no đủ, sung túc. Vì thế, không ít gia đình phải đón Tết trong nhiều nỗi lo toan. Không biết từ bao giờ, nhiều người quan niệm rằng, Tết phải có nải chuối để đặt lên bàn thờ thì mới sung túc, đủ đầy.
Thế nên, các gia đình có điều kiện đã mạnh tay chi tiền triệu để mua chuối. Một số gia đình tuy còn khó khăn về kinh tế cũng cố bỏ ra tiền trăm để sắm cho được nải chuối, buồng chuối thì mới yên tâm là đã có mâm cỗ Tết. Và sau ba ngày Tết, chuối cùng nhiều trái cây khác như dưa, dứa, quả phật thủ, dưa vàng... bị đổ ra đường trong khi trước đó phải vất vả lắm mọi người mới mua sắm được.
Một số chủ nhà cho rằng, Tết phải có quả khổ qua (mướp đắng) thì mới mong mọi khó khăn, cực khổ qua đi, năm mới dồi dào, hay phải có cá thu (ý là thu vào) thì mới no đủ nên vô tình đẩy giá quả khổ qua hay cá thu tăng lên rất nhiều so với ngày thường.
Chuyện cái phong bì để mừng tuổi (lì xì) cho trẻ nhỏ cũng là nỗi lo đối với nhiều người trong những ngày đầu năm mới. Người xưa xem việc tặng quà đầu năm là thể hiện tình yêu thương đối với trẻ nhỏ nên món quà chỉ đơn thuần là phong bánh, hộp kẹo, vài ngàn tiền lẻ... Ngày nay, những ý nghĩa nhân văn vốn có của tục lì xì bị mai một, là điều mà những người yêu văn hóa truyền thống luôn trăn trở.
Nghiêm trọng hơn, thói thực dụng của người lớn qua việc “thương mại hóa” tục lì xì đã vô tình “lây” sang con trẻ. Nhiều trẻ em sau khi nhận các bao lì xì đã vội vàng mở ra rồi tỏ thái độ tị nạnh, so bì giá trị đồng tiền khiến cho người lớn ngượng chín mặt trước bạn bè, người thân.
Tết nay vẫn tồn tại nhiều trò chơi dân gian như bài chòi, kéo co, cướp cù… song không còn giữ được nét đẹp văn hóa vốn có như trước đây vì rất ít người dân tham gia. Thậm chí, có nơi, chính quyền địa phương phải đi huy động từng nhà mới đủ quân số cho những trò chơi tập thể. Một số nơi, nhất là ở các vùng nông thôn, trò xóc bầu, cua, tôm, cá (một trò chơi truyền thống) được tổ chức dưới hình thức cá cược bằng tiền (gần như đánh bạc trá hình) đang diễn ra khá phổ biến.
Có người chỉ sau ba ngày Tết đã mất vài chục triệu đồng vào trò thử vận may trên, khiến cho đời sống kinh tế rơi vào khó khăn. Chuyện đốt pháo cũng là nỗi lo thường trực của nhiều người dân trong dịp Tết.
Mặc dù chính quyền các cấp đã có lệnh cấm đốt pháo song năm nay, hầu hết các địa phương trong tỉnh đều có người đốt pháo, có nơi đốt đồng loạt. Một số trường hợp còn đốt pháo tự chế và đã xảy ra nhiều vụ tai nạn do pháo khiến không ít người dân phải nhập viện điều trị dài ngày…
Giữa những ngày xuân, thi thoảng lại có người thốt lên rằng, "Tết năm nay không vui bằng bằng năm trước” hay “Tết bây giờ nhạt quá”… bởi, trong ký ức của những người lớn tuổi, hình ảnh Tết xưa luôn đẹp, luôn vui mà Tết nay không thể so sánh được.
Suy cho cùng, Tết nay hay Tết xưa đều mang trong mình những giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng gắn với phong tục, tập quán, đời sống sinh hoạt của người dân trên mỗi miền quê. Mục đích cơ bản và thiêng liêng nhất của mỗi dịp Tết là để nhớ về cội, về nguồn.
Thế nên, mấy ngày Tết, ai cũng muốn trở về với gia đình, quê hương, ai cũng mong được sum vầy, hội ngộ… Vì vậy, để Tết thực sự là những ngày vui cần lắm sự gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của mỗi người dân, đừng để cuộc sống hiện đại cuốn đi những nét đẹp xưa cũ mà vô tình làm cho cho Tết trở thành gánh nặng bởi những lo toan...
Nhật Văn