(QBĐT) - Buổi sớm ngày giao mùa ngồi chuyện trò với bạn trong không gian thoảng hương cà phê. Chuyện trò một lúc bỗng dưng quay về với nồi cơm cháy ngày xưa, khi cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, chật vật nhưng đủ đầy những bình yên và ấm áp…
Chiếc nồi thần thánh để nấu cơm có lớp cháy vàng giòn rụm phải là chiếc nồi gang. Bếp xưa nấu củi, nấu bằng nồi gang đáy dày dặn, dẫu mấy vụng về cũng có được nồi cơm ngon. Người khéo tay giỏi nội trợ thì sẽ cho ra thành phẩm là món cơm chín tới mềm mại, dẻo thơm và ở đáy nồi là lớp cơm cháy vàng vừa độ, có thể bẻ như bánh tráng và chấm muối mè, muối lạc…
Có những món ăn nhiều thành quen, thành mê rồi thương nhớ, chắc hẳn là món cơm cháy ở đáy nồi gang. Cơm dẻo thơm thường được nhường cho ông bà và đám trẻ bởi người già răng đã rụng còn bọn trẻ răng chưa kịp mọc. Ba mẹ và các anh chị lớn thì chia nhau lớp cơm cháy đáy nồi. Năm tháng qua đi, trẻ con thành người lớn, người lớn thành người già, nên bao thế hệ ở quê đều được thưởng thức món cơm cháy. Nên ai cũng biết cách “ghế” nồi cơm với lớp than dày dưới đáy nồi, lâu lâu xoay tròn nồi cơm để bốn phía đều có đủ lửa ấm từ bếp củi. Sau này lớn lên, mỗi khi nhớ về ấu thơ đôi khi lẩn thẩn so sánh ấu thơ như nồi cơm của mẹ, xoay phía nào cũng đủ đầy, ấm áp dù ngoài kia mưa phùn, gió bấc…
Từ độ giã biệt ấu thơ để làm người lớn ra chốn thị thành được ăn bao nhiêu món ngon vật lạ. Vậy rồi thi thoảng ở nhà hàng nào đó, tự nhiên nhớ món cơm cháy rồi hỏi bâng quơ. Và chợt nhận ra hình như cũng có nhiều người nhớ thương cơm cháy như mình, nên mới có những nhà hàng cơm niêu, cũng cháy giòn tan ở đáy nồi, cũng cơm dẻo thơm giữa nồi, cũng muối mè giã nhỏ, nhưng ăn xong rồi vẫn ngơ ngác nhớ. Bởi cơm niêu dù ngon thì cũng không có mùi vị như khi được nấu bằng chiếc nồi gang "thần thánh" của mẹ, bằng bếp lửa đượm than hồng xoay phía nào cũng đủ đầy, ấm áp!
Dẫu biết ấu thơ mãi mãi không quay về trọn vẹn với mùi vị của những ngày nhọc nhằn, thiếu thốn, nhưng mỗi khi loay hoay trong căn bếp nhỏ, nhất là những ngày mùa đông mưa gió, lại muốn làm món cơm cháy của riêng mình. Ấy là trước lúc ăn cơm tầm dăm bảy phút thì ấn nút nồi cơm điện lần nữa rồi đợi. Món cơm cháy ở đáy nồi cơm điện cũng vàng giòn, dù không mang đầy đủ mùi vị của chiếc nồi gang năm xưa, nhưng trong bữa cơm được kể về ngày xưa của ông bà, bố mẹ trong tiếng à ồ ngỡ ngàng của bọn trẻ. Ngắm bọn trẻ, chợt tự hỏi mình, chẳng biết mai này, ấu thơ trong ký ức của con có món cơm cháy bằng nồi cơm điện và những câu chuyện bất tận của bố mẹ hay không…
Bữa nọ đi công tác về nơi xứ sở của những chiếc nồi gang "thần thánh" đã cho ra đời món cơm cháy đặc biệt. Làng nay đã thưa dần những căn bếp nhỏ, nơi trú ngụ của những chiếc nồi gang và bếp củi, nơi mỗi sáng, mỗi chiều khói bếp mong manh bay lên. Thay vào đó là những chiếc bếp gas, bếp từ hiện đại và nồi đắt tiền sáng bóng. Những nhà xưởng rèn đúc giờ cũng vắng hơn, đồng nghĩa với việc người thợ rèn giờ thảnh thơi hơn, đôi khi thở dài xa vắng khi nhớ lại những năm tháng hoàng kim…
Thời gian không trở lại, nên chuyện xưa chỉ trở về trong ký ức. Như sáng nay, bên tách cà phê thơm, bạn và tôi bâng khuâng nhắc chuyện ngày xưa cũ. Mùi vị món ăn ngày thơ bé nhọc nhằn nhưng đầy ấm áp khiến ngày mới như bình yên hơn, tôi và bạn cũng gần nhau hơn!
Thế thôi đã là quá đủ!
Diệp Đồng