Thơ lục bát của một nhà văn

  • 01:07, 30/07/2018
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(Nhân đọc THƠ LỤC BÁT của Hoàng Bình Trọng – NXB Thuận Hóa, 2018)
 
(QBĐT) - Trong số các nhà văn thuộc Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Bình, nhà văn Hoàng Bình Trọng là người duy nhất vừa viết văn, vừa làm thơ và viết trường ca. 
Ông đã in 9 cuốn tiểu thuyết, 5 tập truyện ngắn, 3 tập truyện dịch, 6 tập thơ và 2 tập trường ca. Ở ông có sức viết dồi dào, sự lao động nghiêm túc của một nhà văn chuyên nghiệp. Lần này, ở tuổi 78, ông cho ra mắt bạn đọc tập thơ lục bát gồm 52 bài cùng thể loại. Với nhiều nỗi niềm, tâm trạng không giống nhau ở từng thời đoạn cuộc đời, mỗi bài thơ lục bát của ông là một dấu ấn buồn, vui, khổ đau, hạnh phúc của cuộc đời. Có cảm tưởng, sau những lao động vất vả qua hàng vạn con chữ trên cánh đồng chữ, lục bát là nơi ông lắng hồn mình để ghi lại những kỷ niệm và để giải tỏa tâm hồn!
 
Là một nhà văn, nhưng lục bát của Hoàng Bình Trọng rất giàu âm hưởng ca dao, chất triết lý và khá phóng túng. Cuộc đời của ông trải qua nhiều công việc, từ người lính đến anh kỹ sư địa chất, người cán bộ công chức… Ông đã thú nhận về cuộc đời mình như sau:
 
Đã sa vào nghiệp văn thơ
Đố ai thoát được xác xơ phận nghèo
Mặc thân xiêu dạt bọt bèo
Tâm hồn vẫn rộng cánh diều mộng mơ
                                                                               (Nghiệp chướng)
 
Nhiều lần ông nói về sự vất vả của nghề cầm bút, bên cạnh những niềm vui, vinh quang thì cũng có sự nhọc nhằn và buồn khổ:
 
Lắm cây, lắm chỉ thì giàu
Lắm câu, lắm chữ nhọc đau tình đời
                                                                               (Tự trào)
 
Thế những, ông vẫn đề cao công việc viết văn là một nghề đặc biệt, không phải ai cũng làm được; ông đã lấy vua so sánh với mình:
 
Tớ không có chí làm vua
Nên trời bắt tớ cày bừa ruộng văn
                                                                               (Tự trào)
 
Hoặc:
 
Tôi đi tính tháng tính ngày
Hành trang một trái tim này cô đơn
Trái tim biết dỗi, biết hờn
Biết thương, biết nhớ, biết buồn, biết vui
                                                                               (Đường thơ)
 
Vâng, chỉ có thi sĩ mới có trái tim như ông vừa nói. Đã là nhà thơ chân chính thì không thể làm ngơ với nỗi đau, nỗi buồn của đồng loại, không thể không trăn trở với cuộc sống nghèo cực của nhân dân. Chiến tranh là cơn ác mộng đối với loài người. Dân tộc Việt Nam nói chung cũng như nhân dân Quảng Bình nói riêng đã trải qua nhiều cơn “binh lửa”, từng bị thịt nát xương tan. Năm 1972, chứng kiến những cảnh rùng rợn do chiến tranh gây ra, ông viết:
 
Chết rủi xương thịt nát tan
Lẫn cùng sỏi đá vô vàn hố bom
Thương tình, người sống thu gom
Chôn chung một nấm mồ hơn trăm người
                                                                            (Chết rủi, chết may)
 
Hoặc:
 
Bom Tây vùi mẹ năm nào
Bây giờ bom Mỹ lại đào mẹ lên
Đời người chết vẫn chưa yên
Nhắc câu hát cũ lòng thêm nghẹn ngào
                                                                            (Dòng đời – dòng sông)
 
Nhưng, không vì đau thương tàn khốc mà gục ngã! Bằng ý chí của một người lính từng trải, ông luôn luôn vươn mình đứng dậy,  giương  cao ngọn bút. Ông quan niệm đời người cũng như dòng sông:
 
Dòng đời như thể dòng sông
Phù sa cũng lắm, rêu rong cũng nhiều
                                                                            (Dòng đời – dòng sông)
 
Người đọc bắt gặp trong thơ của Hoàng Bình Trọng những nét đẹp của cuộc đời, từ nét đẹp một bông hoa đến nét đẹp của một cánh đồng, một dòng sông, một mảnh vườn, một con suối…Trong bài  Hồn hoa, ông tỏ thái độ nâng niu hương và sắc của hoa những ngày Tết đến:
 
Hương xuân năm cũ để dành
Sáng nay nở rộ trên cành hoa thơm
Hoa trước ngõ, hoa sau vườn
Hoa cười môi thắm, hoa thơm má hồng
Và điều quan trọng hơn nữa mà nhà thơ nhận ra là:
Giữa nơi thanh bạch lòng ta
Hồn thơ bám gót hồn hoa tìm về
 
Ở tập thơ này, nhiều lần Hoàng Bình Trọng nhắc nhớ với người đời về cội nguồn, về những kỷ niệm đẹp trong quá khứ không nên để mất:
 
Ta về tìm lại nơi đây
Tiếng cười thuở trước, nét mày ngày xưa
Ta về tìm lại giấc mơ
Tóc thơm thơm đến bây giờ vẫn thơm
                                                                           (Gửi…)
 
Hoặc:
 
Về cùng đụn rạ, cây rơm
Tìm trong ải mục mùi thơm thật thà
Tìm trong dưa muối tương cà
Những lời mẹ hát ru ta thuở nào
                                                                            (Tìm thơ)
 
Với tư tưởng: thân dù phiêu bạt nơi đâu/Lòng không phai nhạt sắc màu quê hương. (May còn…), nhà thơ luôn coi quê hương là nơi  gần gũi  hơn cả. Ông đã có nhiều bài thơ hay viết về Quảng Bình nhưng không phải thơ lục bát nên tôi không đề cập ở bài viết này.
 
Hoàng Bình Trọng có một số bài thơ tình lục bát hay như: Người yêu đầu đời, Lá buồm  trong thơ, Gửi, Hoa vườn, Tìm nhau…Ông so sánh người yêu đầu đời của riêng ông (và có lẽ cũng là của nhiều người) như cô tiên trong truyện Tấm Cám, cô Kiều trong Truyện  Kiều với sự tự kiêu, ngồ ngộ nhưng cũng có lý của nó:
 
Đẹp như cô Tấm, cô Kiều
Cũng không sánh được người yêu đầu đời
                                                                            (Người yêu đầu đời)
 
Thơ lục bát của Hoàng Bình Trọng có nhiều câu triết lý hay. Chẳng hạn:
 
Đã không chịu sống cúi luồn
Ai còn so đọ thiệt hơn đường đời
                                                                            (Tự hát)
 
Hoặc:
 
Cảm ơn cuộc thế vần xoay
Để người tri kỷ còn ngày gặp nhau
                                                                            (Chén rượu tẩy trần)
 
Bằng những dòng lục bát chân tình, giản dị mà thấm đẫm tình người, tình đời,  Hoàng Bình Trọng đã mang đến cho người đọc những suy ngẫm và sự rung cảm có ý nghĩa. Thơ lục bát của ông không dịu dàng, tươi mát, uyển chuyển như một số nhà thơ nhưng lại tạo được giọng điệu riêng, có ấn tượng!
 
                                                                            Lý Hoài Xuân

tin liên quan

Bình minh trên biển
Bình minh trên biển

(QBĐT) - Bình minh trên biển

Hoa sim Đồng Lộc
Hoa sim Đồng Lộc

(QBĐT) - Sim từ Đồng Lộc tím hoa

Chắt qua sỏi đá để mà thủy chung

Gió lào thổi vẹt miền Trung

Hoa như sắc nắng thắm vùng túi bom...

120 bức ảnh kể chuyện 'Trường Sa trong ta' giữa lòng Hà Nội
120 bức ảnh kể chuyện 'Trường Sa trong ta' giữa lòng Hà Nội
Khoảng 120 bức ảnh về biển đảo quê hương sẽ được giới thiệu tới công chúng Thủ đô tại triển lãm "Trường Sa trong ta." Chương trình sẽ diễn ra từ ngày 3 đến 7-8 tại Nhà triển lãm số 93 Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội).