(QBĐT) - Truyền thanh cơ sở là phương tiện tuyên truyền hữu hiệu, giúp nhân dân nắm bắt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương. Tuy nhiên, hoạt động truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập về cơ sở vật chất, trang thiết bị...
Đài truyền thanh cơ sở có nhiệm vụ tổ chức phát các chương trình truyền thanh tự sản xuất và các chương trình phát thanh do cấp trên cung cấp; tiếp âm, tiếp sóng các chương trình phát thanh của đài cấp trên. Thời gian qua, hoạt động của đài truyền thanh cơ sở nhìn chung đã bám sát định hướng chỉ đạo tuyên truyền của cấp ủy, chính quyền các cấp và ngành dọc cấp trên; thông tin, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thông báo kịp thời các văn bản chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền cấp xã trên hệ thống loa truyền thanh; phản ánh các hoạt động tại cơ sở; phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật, kinh tế, văn hóa, xã hội, công tác an ninh trật tự, các phong trào thi đua yêu nước, gương người tốt việc tốt... góp phần động viên các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua lao động, sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Minh Hải, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: "Theo số liệu đến đầu năm 2018, toàn tỉnh có 116/159 xã, phường, thị trấn có đài truyền thanh và 901 trạm truyền thanh tổ dân phố, thôn, bản. Về cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật của đài truyền thanh cơ sở, có 112/116 đài có máy thu-phát sống, 96/116 đài có máy tính, 52/116 đài có máy ghi âm, 85/116 đài sử dụng phương thức phát thanh không dây, 31/116 đài sử dụng phương thức phát thanh có dây. Hầu hết các đài truyền thanh cơ sở tự sản xuất chương trình với số lượng bình quân 76 chương trình/tháng. Tỷ lệ phủ sóng phát thanh cơ sở đến hộ gia đình trên địa bàn toàn tỉnh đạt 65,4%".
![]() |
Đài TT-TH thị xã Ba Đồn lắp đặt loa truyền thanh phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền ở cơ sở |
Qua khảo sát và tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết, trong tổng số đài truyền thanh cơ sở có 44 đài phát sóng 1 lần/ngày, 70 đài phát sóng 2 lần/ngày và 1 đài phát sóng 3 lần/ngày. Về thời lượng phát sóng, có 27 đài phát sóng dưới 30 phút, 80 đài phát sóng từ 30 phút đến dưới 1 giờ và 1 đài phát sóng trên 1 giờ. Thời gian phát sóng của đài truyền thanh cơ sở chủ yếu vào các khung giờ: từ 5 đến 6 giờ, 6 đến 7 giờ, 16 đến 17 giờ, 17 đến 18 giờ và 18 đến 19 giờ. Ngoài việc tự sản xuất chương trình để phát sóng, các đài truyền thanh cơ sở đã tiếp sóng chương trình của đài phát thanh huyện (thị xã, thành phố), tỉnh, quốc gia với số lượng từ 1 đến 3 lần/ngày. Hiện trên địa bàn tỉnh có thành phố Đồng Hới và thị xã Ba Đồn có 100% xã, phường, thị trấn có đài truyền thanh cơ sở; huyện Quảng Trạch có 20 đài/18 xã; Bố Trạch có 29 đài/30 xã, thị trấn; Tuyên Hoá 12 đài/20 xã, thị trấn; Minh Hoá 7 đài/16 xã, thị trấn; Quảng Ninh 9 đài/15 xã, thị trấn và Lệ Thuỷ 7 đài/28 xã, thị trấn.
Những con số kể trên cho thấy hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh còn rất thiếu thốn, chưa đáp ứng được yêu cầu hoạt động trong tình hình hiện nay. Hiện tại, toàn tỉnh còn 45 xã, phường, thị trấn chưa có đài truyền thanh cơ sở; tập trung chủ yếu tại các huyện: Lệ Thuỷ, Minh Hoá, Tuyên Hoá, Quảng Ninh... Trong tổng số máy vi tính được trang cấp tại đài truyền thanh cơ sở, có 8 máy không có kết nối internet; trong đó thị xã Ba Đồn 4 máy, Quảng Trạch 1 máy, Bố Trạch 2 máy và Lệ Thuỷ 1 máy. Về máy thu-phát sóng có 18/112 máy cần sửa chữa và không sử dụng được. Phần lớn các đài truyền thanh cơ sở chỉ thực hiện việc tiếp sóng và phát lại chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, có một số đài không thu được do máy thu đã sử dụng quá lâu và do địa hình các xã miền núi phức tạp nên ảnh hưởng đến việc tiếp sóng. Ngoài việc tiếp sóng các đài cấp trên, truyền thanh cấp xã chủ yếu thông báo các văn bản chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền, các chính sách hỗ trợ về hoạt động y tế, giáo dục, nông nghiệp, nông thôn tại địa phương.
Ông Trần Dương Sơn, Trưởng đài TT-TH thị xã Ba Đồn cho biết thêm: "Thị xã Ba Đồn có tỷ lệ phủ sóng phát thanh đạt 94% hộ gia đình. Toàn thị xã có 16/16 xã, phường, thị trấn có đài truyền thanh, trong đó 12/16 đài có máy vi tính, máy thu-phát sóng và lắp truyền thanh không dây. Hàng năm, hệ thống cơ sở vật chất truyền thanh cơ sở thường xảy ra hư hỏng, nhưng do cán bộ truyền thanh cơ sở còn yếu về kỹ thuật nên có nơi việc sửa chữa chưa kịp thời, làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả thông tin, tuyên truyền trên địa bàn”.
Được biết, nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả của hệ thống truyền thanh cơ sở, Sở Thông tin và Truyền thông đang đánh giá một cách toàn diện về hiện trạng hoạt động, khả năng phát triển, những tồn tại, hạn chế của đài truyền thanh cấp xã, phường, thị trấn để đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng của đài truyền thanh cơ sở trong thời gian tới; với thực trạng còn thiếu thốn hiện nay, trước mắt, rất cần sự quan tâm, có kế hoạch từng bước đầu tư về cơ sở vật chất hệ thống truyền thanh cơ sở từ các sở, ngành liên quan. Đặc biệt, để hệ thống truyền thanh cơ sở phát huy tốt vai trò quan trọng trong triển khai các nhiệm vụ tại địa phương, cơ sở, nhất là với đặc điểm truyền tin tác động trực tiếp, tức thời, các đài TT-TH huyện, thị xã, thành phố cần tăng cường mở các lớp tập huấn về kỹ năng biên tập, phát thanh, duy tu bảo dưỡng hệ thống cơ sở vật chất cho đội ngũ làm truyền thanh cơ sở với mục đích nâng cao nhận thức, hiểu biết cho đội ngũ này.
Hiền Chi