Nhà thơ Xuân Hoàng và nguyên mẫu một bài thơ chưa công bố

  • 04:06, 03/06/2018
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhà thơ Xuân Hoàng, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, là vị Chủ tịch đầu tiên của Hội VHNT Quảng Bình. Vừa qua, trong thời gian giúp gia đình nhà thơ tìm kiếm, tập hợp tác phẩm và tư liệu để thực hiện “Tổng tập Xuân Hoàng”, tôi tình cờ thu thập được một bài thơ của ông chưa được công bố bao giờ. Đó là bài thơ “ Ông chủ quán bên sông” viết tặng ông Nguyễn Văn Bá, hiện đang sinh sống tại phường Hải Thành, thành phố Đồng Hới.

Ông Nguyễn Văn Bá, hiện đang sinh sống tại phường Hải Thành, thành phố Đồng Hới, nguyên là nhà giáo. Tôi tình cờ quen ông trong những buổi chiều đứng đợi đón con trước cổng một trường tiểu học. Ban đầu thì lân la những câu chuyện không đầu không cuối về sự học của bọn trẻ. Dần dà thành thân quen và mọi chuyện trở nên cởi mở hơn. Một hôm, ông chợt hỏi tôi: “Chị làm nghề chi ?”. Tôi trả lời: ‘Dạ thưa ông, con làm việc ở Hội Văn học Nghệ thuật”. Đôi mắt của ông sáng lên: “A! Ở đó có anh Xuân Hoàng. Tôi quen Xuân Hoàng vì anh ấy và văn nghệ sỹ Quảng Bình những năm cuối thập kỷ 80 hay đến quán nhà tôi uống rượu và đọc thơ. Tôi yêu thơ nên cũng có nhập cuộc với họ …”

Ông Nguyễn Văn Bá (người đứng bìa phải) múa hát với Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch.
Ông Nguyễn Văn Bá (người đứng bìa phải) múa hát với Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch.

Ngay sau đó, ông đọc cho tôi nghe bài thơ do nhà thơ Xuân Hoàng viết tặng trong một buổi chiều ngồi uống bia khổ và hóng gió bên sông Nhật Lệ, bài thơ “Ông chủ quán bên sông”:

“Con sông ngày xưa sâu hơn, bây giờ nó cạn
Mũi Thác càng dài, rêu rong càng sạm
Nước lan lên lâu, nước rặc mau ròng
Ngày xưa bơi qua bơi về trên sông
Tôi biết rõ con lạch ngầm của nó
Bây giờ già rồi, bơi không được nữa
Mà hình như con lạch cũng thay dòng
Thầy chủ quán nói với tôi như vậy
Ông giáo già về hưu, một thời thanh niên bay nhảy
Cũng như tôi, bơi qua sông thưở ấy sức thừa
Gió nam non lay động tàu dừa
Ông chủ quán lim dim nhìn sông nắng
Ôi! Con sông này ngày xưa sâu hơn, bây giờ nó cạn
Sao âm vang câu nói cứ như đùa!”
 
Ông Bá sinh năm 1932 tại phường Hải Đình, thành phố Đồng Hới. Năm 18 tuổi ông đã đi bộ đội, thuộc Trung đoàn 18, Sư đoàn 325 tham gia trận chiến đấu Xuân Bồ “Hoan hô chiến thắng Xuân Bồ/500 giặc Pháp không mồ chôn thây”. Sau giải phóng Điện Biên Phủ, ông được gửi sang Khu học xá Nam Ninh, Trung Quốc, học ngành sư phạm. Kỷ niệm không quên trong cuộc đời ông là năm 1955 ông cùng đoàn học sinh Quảng Bình bất ngờ được vào thăm Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch. Xuất hiện trước mặt ông là một con người vô cùng giản dị, chân đi dép lốp, mặc áo bà ba. Có ai đó bất ngờ reo lên “Bác Hồ đó!”. Cả đoàn ngỡ ngàng nhìn Bác, không ngờ Người lại gần gũi đến vậy. Bác hỏi mọi người học tập rèn luyện ở khu học xá thế nào và bảo tất cả hãy cố gắng để sớm trở về phục vụ Tổ quốc. Sau đó, Người múa hát rất vui vẻ với cả đoàn. Cho đến bây giờ ông vẫn còn giữ rất kỹ tấm ảnh ghi lại khoảnh khắc thiêng liêng ấy trước sân Phủ Chủ tịch.
 
Sau khóa học ở Nam Ninh, chàng thanh niên hào hoa Nguyễn Văn Bá trở về quê hương Quảng Bình bắt đầu sự nghiệp dạy học. Năm 1988, thầy giáo Bá về hưu. Đó là thời kỳ đời sống của cán bộ viên chức nhà nước trong đó có giáo viên vô cùng khó khăn.
 
Để cải thiện kinh tế gia đình, đặng có thêm đồng vào đồng ra nuôi 4 con đang tuổi ăn tuổi học, rời bục giảng, thầy giáo Bá dấn thân vào làm kinh tế. Vợ chồng ông nuôi tôm và mở một quán nhỏ bên sông, chỗ khu vực vườn dừa Trị Thiên sát chân cầu Dài bây giờ.  
 
Chẳng ngờ cái quán nhỏ của một thầy giáo về hưu lại trở thành điểm tụ tập nhiều bậc anh tài của văn học nghệ thuật Quảng Bình, như nhà thơ Xuân Hoàng, nhà thơ Văn Lợi, nhà thơ Hoàng Vũ Thuật, họa sỹ Văn Đắc… Bài thơ “Ông chủ quán bên sông” được nhà thơ Xuân Hoàng viết trong cái quán nhỏ của thầy Bá.
 
- Ngày đó không có bia lon sang trọng như bây giờ đâu. Đặc sản của Đồng Hới lúc bấy giờ là bia khổ. Văn nghệ sỹ đến quán tôi, ai tửu lượng cao thì rượu gạo, không thì chỉ uống bia khổ thôi. Nhưng mà chứa chan tình cảm.  Họ đọc thơ và nói chuyện văn chương. Tôi yêu mến những con người có tâm hồn lãng mạn ấy. Đời sống vất vả nhưng vô cùng yêu đời. Tôi gần gũi với họ, tâm sự chuyện đời với họ. Và họ làm thơ tặng tôi. Dù đã ba chục năm qua, tôi cũng già lắm rồi nhưng tôi vẫn nhớ rất rõ. Có lẽ điều gì đã làm mình cảm kích, đã ăn sâu vào máu thịt mình thì không có khái niệm quên hay nhớ. Một lần, tôi nói chuyện về sông Nhật Lệ và thời trai trẻ của tôi với nhà thơ Xuân Hoàng, không ngờ anh ấy biến câu chuyện thành thơ, giản dị thôi mà sao tôi thấy nó yêu thương, thân tình quá đỗi, thơ như một lời tâm tình, thủ thỉ vậy:
 
“Con sông ngày xưa sâu hơn, bây giờ nó cạn
Mũi Thác càng dài, rêu rong càng sạm
Nước lan lên lâu, nước rặc mau ròng…”
Nhà giáo Nguyễn Văn Bá
Nhà giáo Nguyễn Văn Bá
Nhà thơ họ tinh tế như vậy đấy, bảo sao mình không yêu không quý họ được. Có nhiều buổi chiều nhà thơ Xuân Hoàng và các bạn của ông ấy đến quán tôi. Họ không có nhiều tiền để nhậu nhẹt ê hề, tôi thì cũng chẳng có nhiều vốn để bày đặt món này món nọ. Chỉ vài chai bia khổ hoặc xị rượu trắng thôi  nhưng tôi và bà nhà tôi rất vui.  Tôi ngỏ ý mời các anh ấy một lần nhưng chưa khi nào họ nhận lời, có lẽ các anh ấy hiểu rõ hoàn cảnh của tôi lúc bấy giờ.  Bao giờ tôi cũng nghe nhà thơ Xuân Hoàng hoặc một người trong số họ nói rằng “Tôi có tiền đây. Hôm nay tôi vừa nhận nhuận bút!”. Tôi trân trọng cái tình cảm thanh tao của văn nghệ sỹ, của nhà thơ Xuân Hoàng. Anh ấy là một người hiền lành, ít nói nhưng mà rất sâu sắc. Chỉ có anh ấy mới ngẫm từ sự thay đổi của dòng sông đến câu chuyện cuộc đời ý nhị như thế:
 
“…Ngày xưa bơi qua bơi về trên sông
Tôi biết rõ con lạch ngầm của nó
Bây giờ già rồi, bơi không được nữa
Mà hình như con lạch cũng thay dòng”…
*
 
Thầy giáo Bá đã 86 tuổi, ông nghỉ hưu cũng vừa tròn 30 năm nhưng tôi vẫn luôn nhận ra ở trong ông cái cốt cách thanh tao khó lòng phai lạt của một người làm nghề giáo chân chính. Điềm đạm, kiệm lời mà sâu sắc và chung thủy. Một ngày chớm hạ, tôi cùng nhà nhiếp ảnh Bách Chiến tìm đến nhà ông. Có vẻ như không muốn nói nhiều về mình, ông lặng lẽ mang ra cho chúng tôi xem những kỷ vật của cuộc đời. Đó là những tấm ảnh một thời “thanh niên bay nhảy”, hào hoa và lãng tử. Ông múa hát với Bác Hồ. Ông kéo đàn ác cóoc. Ông tham gia Đại hội văn nghệ toàn quốc… Thấy chúng tôi có vẻ quý những tấm hình của mình, ông cười: “Vậy đấy nhưng cuối cùng lại trở thành ông bán rượu. Anh Xuân Hoàng thật là tinh đời”
 
Quả đúng là nhà thơ Xuân Hoàng thật tinh đời! Nhà thơ đã tìm thấy cảm hứng thi ca rất tài tình trong mối quan hệ giản dị giữa con người và dòng sông:
 
Ông giáo già về hưu, một thời thanh niên bay nhảy
Cũng như tôi, bơi qua sông thưở ấy sức thừa
Gió nam non lay động tàu dừa
Ông chủ quán lim dim nhìn sông nắng
Ôi! Con sông này ngày xưa sâu hơn, bây giờ nó cạn
Sao âm vang câu nói cứ như đùa!”
      
Trương Thu Hiền
(Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh)

tin liên quan

150 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo Giải Báo chí quốc gia 2017
150 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo Giải Báo chí quốc gia 2017
Hội đồng chung khảo Giải Báo chí quốc gia 2017 chính thức khai mạc ngày 2-6, tại Hà Nội.
 
Trình chiếu miễn phí phim về sự cố môi trường biển Formosa
Trình chiếu miễn phí phim về sự cố môi trường biển Formosa
"Nhớ biển" - bộ phim tài liệu về quá trình khắc phục sự cố môi trường biển Formosa sẽ được giới thiệu tới công chúng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vào tối 13-6 trong khuôn khổ Liên hoan Phim tài liệu Quốc tế châu Âu-Việt Nam lần thứ chín (2018).
 
Mặt trời bé con
Mặt trời bé con
(QBĐT) - Mẹ gọi em là mặt trời bé con
Mở sắc hoa tươi hồng nắng mới
Bao hy vọng niềm tin chờ đợi
Ôi ánh mắt khoảng sáng trong ngần