Nghệ thuật Bài chòi trong dòng chảy đương đại

  • 02:06, 07/06/2018
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Vừa qua, nghệ thuật Bài chòi Trung bộ vinh dự được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Là một trong những địa phương bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật dân gian này, Quảng Bình đứng trước nhiều cơ hội và thách thức để Bài chòi có sức sống vững bền trong cộng đồng, đồng thời tìm cơ hội đến với bạn bè quốc tế và đặc biệt sẽ "sát cánh" với du lịch tỉnh nhà trong nỗ lực vươn tầm thế giới.
 
Bài 1: Gian nan duy trì sức sống Bài chòi
 
Đã từ lâu Bài chòi đã gắn bó với cuộc sống của người dân Quảng Bình, không chỉ trong các ngày lễ, tết, hội hè mà còn trong cuộc sống thường nhật, là minh chứng cho đời sống cộng đồng gắn kết, chia sẻ vui buồn. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, bất chấp nỗ lực của chính quyền các cấp và đội ngũ những người làm văn hóa, Bài chòi vẫn khá chật vật để tìm được chỗ đứng trong sự cạnh tranh khốc liệt của các phương tiện giải trí hiện đại.
 
Năm 2018 là năm thứ 2 Bài chòi trở thành một sự kiện quan trọng trong Tuần lễ Văn hóa-Du lịch TP. Đồng Hới. Đây được đánh giá là một cách làm hay để vừa bảo tồn các giá trị của Bài chòi trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ, vừa góp phần quảng bá nét đẹp di sản đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
 
Anh Hà Quốc Vương Anh, Bí thư Thành đoàn Đồng Hới cho biết, ngay từ đầu năm 2018, Ban Thường vụ Thành đoàn đã tiến hành phối hợp với nghệ nhân dân gian Việt Nam – Phan Văn Thuận (Đức Ninh, TP.Đồng Hới) để xây dựng kịch bản, các lời hát của 30 con bài với 5 thể loại nhạc dân ca khác nhau gồm: vè, lý tình tang, lý hoài xuân, hò hụi và hò khoan. Cùng với đó, Thành đoàn tích cực xây dựng và tìm kiếm lực lượng đoàn viên thanh niên tham gia trình diễn dân ca gồm 6 người trong 3 đêm; chỉ đạo và huy động các cơ sở đoàn tham gia công tác phục vụ, đặc biệt bám sát với Xã đoàn Đức Ninh trong việc phác thảo và xây dựng cổng chòi. Trong thời gian 3 ngày tổ chức, Hội Bài chòi đã thu hút trên 3.000 lượt khách tham quan và thưởng thức, gần 1.000 lượt khách trực tiếp tham gia, góp phần quảng bá du lịch Đồng Hới, lan truyền nét đẹp nghệ thuật Bài chòi đến đông đảo người dân, đồng thời từng bước thực hiện mục tiêu phát triển Bài chòi trở thành 1 sản phẩm du lịch độc đáo.
 Bài chòi là điểm nhấn hấp dẫn của Tuần Văn hóa-Du lịch TP.Đồng Hới.
Bài chòi là điểm nhấn hấp dẫn của Tuần Văn hóa-Du lịch TP.Đồng Hới.
Tuy nhiên, mặc dù thành công, nhưng chương trình cũng để lại những nỗi lo trong chặng đường bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể này.
 
Anh Vương Anh chia sẻ, việc nâng tầm Bài chòi trở thành 1 sản phẩm du lịch còn gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt sự đầu tư cho các khâu từ nhân sự, kịch bản, đào tạo và tập huấn về các làn điệu trong nghệ thuật Bài chòi.
 
Việc tìm kiếm nguồn nhân lực đoàn viên thanh niên tham gia hát dân ca, gìn giữ và phát huy nghệ thuật Bài chòi ngày càng khó khăn do thị hiếu của lớp trẻ chủ yếu là các thể loại nhạc trẻ. Các anh hiệu giờ đây bỗng trở nên khan hiếm khi người trẻ thì thờ ơ, lớp già thì đã quá tuổi. Thậm chí, năm 2017, Thành đoàn đã phải huy động tới 3 đội để thực hiện vai trò anh hiệu (một đội chuyên nghiệp từ Quảng Trị, một đội người cao tuổi, một đội đoàn thanh niên).
 
Rút kinh nghiệm, năm 2018, Thành đoàn có sự chuẩn bị kỹ càng từ khâu kịch bản cho đến các anh hiệu. Anh hiệu là đoàn viên thanh niên nòng cốt từ các xã, phường được đào tạo, huấn luyện một thời gian. Bên cạnh đó, các nhạc công Bài chòi đều ở lứa tuổi cao niên, trong khi chưa có lớp kế cận.
 
Anh Vương Anh đang tính đến giải pháp sẽ sử dụng phần nhạc đệm được thu âm sẵn trong các hội Bài chòi tiếp theo, nhưng, nếu như vậy sẽ làm mất đi tính dân gian truyền thống của di sản này. Ngoài ra, cơ sở vật chất cũng là vấn đề nan giải của các đơn vị tổ chức khi kinh phí làm chòi sắt (có độ bền cao) khá lớn, trong khi chòi được làm bằng gỗ, tre lại nhanh hỏng hóc.
 
Một khó khăn khác trong tổ chức Bài chòi ở cộng đồng chính là sự phân vân giữa bảo tồn nét văn hóa Bài chòi kiểu cũ hay du nhập những dạng thức mới. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Văn Tăng, Bài chòi ở tỉnh ta chủ yếu là "hội", tức mang ý nghĩa trò chơi dân gian, khác với các tỉnh phía trong, như: Bình Định, Quảng Nam..., vốn thiên về nghệ thuật Bài chòi. Vì lẽ đó, có những địa phương Bài chòi chỉ thuần túy là trò chơi đơn giản, anh hiệu chỉ đảm nhận vai trò hô bài, ít có các màn giao lưu, đối đáp bằng dân ca Bình Trị Thiên.
 
Chẳng hạn như ở xã Mỹ Thủy (Lệ Thủy). Ông Nguyễn Công Viên, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thủy cho biết, Bài chòi năm nào cũng được tổ chức ở thôn Thuận Trạch do Hội Người cao tuổi xã phụ trách vào dịp Tết cổ truyền và lễ hội chùa Hoàng Phúc. Có thời điểm, huyện khuyến khích xã lồng ghép hò khoan Lệ Thủy vào Bài Chòi, nhưng được một thời gian, bà con lại có xu hướng quay về với phong cách cũ, đơn giản (anh hiệu chỉ cần hô con bài thuần túy). Đây cũng là nỗi niềm trăn trở của xã.
 
Theo ông Mai Xuân Thành, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa-Thể thao, nghệ thuật Bài chòi dân gian ở Quảng Bình hiện nay chỉ được lưu truyền trong nhân dân bằng hình thức truyền miệng, không có các di tích liên quan đến Bài chòi; nguồn gốc lịch sử của Bài chòi đang là vấn đề đặt ra cần phải được nghiên cứu một cách đầy đủ, toàn diện... Cùng với quá trình đô thị hóa và sự biến đổi của đời sống đương đại, Bài chòi đang ngày càng bị mai một, nhiều địa phương trước đây có Bài chòi hiện không duy trì được. Những thế hệ nghệ nhân hát Bài chòi cổ, được coi là “di sản sống”, “báu vật sống” ngày càng ít do tuổi cao, sức yếu, trong khi thế hệ trẻ lại bị lôi cuốn vào các trò chơi công nghệ cao... Năm 2014, việc kiểm kê di sản nghệ thuật Bài chòi trên địa bàn tỉnh Quảng Bình cho thấy, nhiều địa phương đã không còn hình thức sinh hoạt hát Bài chòi. Lớp nghệ nhân hát Bài chòi cổ ngày càng ít do tuổi cao, sức yếu. Ở mỗi xã, phường, thị trấn duy trì việc tổ chức chơi Bài chòi chỉ còn từ 1-2 nghệ nhân biết hát Bài chòi cổ, mà đều đã ở độ tuổi đã cao, số người làm anh hiệu có khả năng giỏi ứng biến, linh hoạt ngày càng ít đi.
 
Nhiều nhà nghiên cứu cho biết, tại Quảng Bình, khi chơi bài chòi, các nghệ nhân thường sử dụng dân ca Quảng Bình để xướng bài (hô bài); trong khi với các tỉnh khu vực Nam Trung bộ, hát bài chòi là một loại hình nghệ thuật dân gian. Sự khác nhau đó làm cho việc nhận thức đúng về giá trị của di sản văn hóa phi vật thể này còn có nhiều quan điểm khác nhau, như: vẫn còn ý kiến cho rằng Bài chòi ở Quảng Bình chỉ là một trò chơi dân gian, chưa phải là một nghệ thuật... Bên cạnh đó, không gian văn hóa của các làng xã – nơi tổ chức hội Bài chòi ở Quảng Bình đang ngày càng biến đổi, thu hẹp, ảnh hưởng đến việc khôi phục, phát triển nghệ thuật Bài chòi. Sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành, nhất là công tác sưu tầm, kiểm kê, chính sách hỗ trợ động viên các nghệ nhân cũng chưa được đặt ra; việc tổ chức ở các địa phương chỉ mang tính tự phát chưa có sự chỉ đạo, quản lý, khôi phục và phát triển hình thức sinh hoạt này.
Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao, đối với nghệ thuật Bài chòi trên địa bàn tỉnh ta, năm 2017, Quảng Bình có 21 CLB, đội, nhóm duy trì hoạt động; 29 anh hiệu trong các hội chơi Bài chòi; không có nghệ nhân độc diễn Bài chòi dân gian; 16 nghệ nhân chơi nhạc cụ Bài chòi; 10 người biết đàn, hát nghệ thuật Bài chòi.
 
Mai Nhân
Bài 2: "Thắp lửa" di sản Bài chòi

tin liên quan

Đọc sách 'Địa chí xã Quảng Kim'
Đọc sách 'Địa chí xã Quảng Kim'

(QBĐT) - Cuốn sách Địa chí xã Quảng Kim dày 300 trang, khổ 16x24cm, Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế ấn hành quý 1 năm 2018, do Lê Trọng Đại chủ biên, cùng các tác giả và cộng sự khác gồm: Trần Hữu Danh, Bùi Thị Nhàn, Từ Nhật Tú, Trần Công Thoan, Nguyễn Hữu Duy Viễn, Phan Uy, Đặng Văn Đôn, Từ Đình Ngoãn, Chu Bá Viên. Sách có bố cục gồm 5 phần, 10 chương.

Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch tặng bằng khen cho Quốc Cơ, Quốc Nghiệp
Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch tặng bằng khen cho Quốc Cơ, Quốc Nghiệp
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL quyết định tặng bằng khen cho anh em "hoàng tử xiếc" Quốc Cơ - Quốc Nghiệp vì thành tích xuất sắc tại Tìm kiếm Tài năng Anh 2018.
 
Quốc Cơ-Quốc Nghiệp tỏa sáng tại chung kết Britain's Got Talent 2018
Quốc Cơ-Quốc Nghiệp tỏa sáng tại chung kết Britain's Got Talent 2018
Trong đêm chung kết Britain's Got Talent 2018 diễn ra tối 3-6 tại London, màn biểu diễn chồng đầu ấn tượng của hai anh em "Hoàng tử xiếc Việt Nam" Quốc Cơ-Quốc Nghiệp đã khiến khán giả hồi hộp đến nghẹt thở, để rồi sau đó là những tràng vỗ tay không ngớt.