Về Đại Phong, thăm Đại Phúc thần miếu

  • 04:05, 16/05/2018
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đại Phúc thần miếu – công trình văn hóa tâm linh ấy được xây dựng trong sự hân hoan của bao thế người Đại Phong (Phong Thủy, Lệ Thủy) và bằng cả tấm lòng của một người con xa quê luôn hướng tâm về quê cha, đất mẹ. Giờ thì mảnh đất này thể tự hào rằng họ đã có một nơi chốn tâm linh để đi về, để tìm thấy những thanh tịnh giữa những ồn ã, xô bồ của cuộc sống mưu sinh.
 
Đất của đình, chùa, miếu mạo
 
Theo sử sách cũ chép lại, mảnh đất Đại Phong ngày nay vốn là làng Đại  Phúc Lộc thuộc phủ Tân Bình xưa, hay còn có tên gọi là Kẻ Đợi. Như bao làng quê khác của mảnh đất Quảng Bình, làng Đại Phong xưa là nơi hội tụ, giao thoa giữa nhiều nền văn hóa Đại Việt – Chăm Pa, Đàng Trong – Đàng Ngoài... Vì vậy mảnh đất này mang nhiều giá trị văn hóa được tiếp biến, giao thoa qua thời gian.
 
Đặc biệt, về tín ngưỡng dân gian, Đại Phong xưa có miếu Long Vương, miếu Bổn Thổ, miếu Tứ Vị, điện Khổng Tử, miếu Thành hoàng… Ấn tượng nhất là các công trình kiến trúc Phật giáo đã hiện diện trong đời sống của người Đại Phúc Lộc xưa như am Hạ Đông, chùa Đại Phúc. Qua những dấu tích còn sót lại của chùa Đại Phúc, một số nền móng các công trình văn hóa tâm linh của làng, giếng nước của người Chăm, cùng các tài liệu nhắc đến Đại Phúc Lộc, có thể khẳng định rằng những cư dân Đại Việt đầu tiên đến mảnh đất này ít nhất là hơn bảy thế kỷ trước.
 
Trong Ô châu cận lục của tiến sỹ Dương Văn An thì chùa Đại Phúc được nhắc đến cùng với chùa Kính Thiên (Hoằng Phúc) và chùa Thiên Mụ ở thành phố Huế. Điều đó cho thấy, chùa Đại Phúc xưa cũng ra đời cùng thời điểm với những công trình Phật giáo nổi bật ấy.
 
Trải qua nhiều đổi thay của thời thế, sự tàn phá của thời gian, nhất là sự ác liệt của bom đạn chiến tranh, các công trình kiến trúc tâm linh ấy đã biến mất hoàn toàn. Duy chỉ có am Hạ Đông là còn khuôn viên, cảnh quan cũ. Suốt nhiều thập kỷ qua, sự vắng bóng của các công trình kiến trúc đặc biệt ấy đã tạo nên một khoảng trống khó lấp đầy trong đời sống văn hóa tâm linh của người dân phía hữu ngạn sông Kiến Giang này.
 
Từ một làng quê hội đủ các công trình kiến trúc tâm linh, nhiều năm liền, những bóng chùa, dáng miếu cổ xưa chỉ còn hiện diện trong ký ức và hoài niệm của những “người muôn năm cũ”. Và tiếng vọng của lễ hội ở đình, chùa, miếu mạo và đền thờ chỉ còn trong tâm thức. Cái đau đáu muốn phục dựng, muốn hồi sinh những giá trị xưa cũ ấy vẫn thấp thoáng trong ánh nhìn đượm buồn của nhiều thế hệ xưa cũ làng Đại Phong.
 
Dựng miếu cho làng
 
Theo như chia sẻ của anh Nguyễn Cao Tuân, trưởng thôn Đại Phong thì nhiều năm liền, đời sống kinh tế của nhân dân đã ổn định, nhu cầu được phục dựng các cơ sở tâm linh xưa của làng được đặt ra. Nhưng những điều kiện về khách quan và chủ quan chưa đủ để có thể phục dựng công trình tâm linh nào đó một cách công phu nhất.
 
Vợ chồng anh Phan Văn Điện và chị Đặng Thị Trà, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần giáo dục Trí Nhân Tâm là những người con xa quê thành đạt, luôn một lòng hướng về quê hương. Tròn một năm trước, chính anh chị đã chủ động xin được phục dựng lại am Hạ Đông thành trung tâm văn hóa tâm linh tín ngưỡng của làng Đại Phong. Ý kiến đưa ra được sự đồng thuận của chính quyền các cấp và sự hoan hỉ của nhân dân, đặc biệt là các bậc cao niên.
 
“Địa điểm xây dựng trên nền khuôn viên của am Hạ Đông cũ. Tuy nhiên, do chưa thể phục dựng tất cả các cơ sở thờ tự như trước đây nên quyết định đưa chung các vị thần linh về một nơi và phân cấp các ngôi thờ dựa trên cơ sở các tín ngưỡng nguyên thủy của làng. Cũng vì lẽ đó, không thể lấy lại tên cũ am Hạ Đông cho địa chỉ tâm linh này mà đặt tên mới là Đại Phúc thần miếu phù hợp với tín ngưỡng đa thần và quy mô của một công trình văn hóa tâm linh đại diện cho làng”, anh Tuân cho biết thêm.
Đại Phúc thần miếu uy nghi đã hoàn thành sau hơn một năm xây dựng.
Đại Phúc thần miếu uy nghi đã hoàn thành sau hơn một năm xây dựng.
Đại Phúc thần miếu gồm 13 hạng mục với tổng diện tích gần 2.250 m2, bề thế với năm gian, ba tầng, mái lợp ngói âm dương, các nét chế tác, trang trí giao hòa giữa phong cách kiến trúc dân gian thời Lê – Nguyễn, cùng các công trình thuộc quần thể, như: Nghi Môn, Long Đàm, Phúc Tỉnh, Tả Vu – là nơi thờ các Mẹ Việt Nam anh hùng và các liệt sỹ của làng hy sinh trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
 
Ngôi miếu tọa lạc trên nền am Hạ Đông xưa, như gốc rễ kết nối giữa nét hiện đại với mạch nguồn văn hóa xưa cũ. Bên trong miếu là tượng thờ Phật, Thánh Mẫu, thần linh cùng nội thất trang nghiêm. Trong khuôn viên của Đại Phúc thần miếu vẫn còn đó hàng cây bún cổ thụ hàng trăm năm tuổi, như chở che, bao bọc công trình tâm linh của làng. Mỗi mùa xuân về, hàng bún nở hoa, ngả bóng xuống khuôn viên ngôi miếu linh thiêng và yên bình.
 
Cùng với số tiền bỏ ra gần 10 tỷ đồng, suốt hơn một năm Đại Phúc thần miếu xây dựng, vợ chồng anh Phan Văn Điện bỏ công sức chăm lo từng khâu, từng chi tiết nhỏ. Theo thiết kế ban đầu, công trình được xây dựng bằng bê tông cốt thép nhưng để đảm bảo vẻ đẹp truyền thống của chốn thờ tự và tính dài lâu của công trình, vợ chồng anh quyết định chuyển sang làm bằng gỗ. Thời gian và kinh phí xây dựng vì thế cũng tăng lên.
 
Anh bảo, là người con xa quê, mỗi một lần trở về là một lần bồi hồi sống lại những kỷ niệm tuổi thơ với cây đa, giếng nước, sân đình. Nhưng rồi thấy hụt hẫng bao nhiêu khi những công trình kiến trúc cổ chỉ còn hiện diện trong tiềm thức của những người cũ. Những suy nghĩ ấy thôi thúc anh phải thực hiện một điều gì đó cho quê hương mình. Nghĩ là làm, khi công việc kinh doanh bắt đầu thuận lợi, vợ chồng, con cái mang ý tưởng phục dựng ngôi miếu về quê, chỉ với mong muốn ngôi làng giàu truyền thống cách mạng này sẽ lại có thêm một công trình văn hóa tâm linh.
 
Những ngày bắt tay vào thực hiện, vợ chồng anh sống trong những xúc cảm lẫn lộn: vừa là sự hối hả lo toan sao cho công trình kịp tiến độ, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật và thẩm mỹ, vừa là cảm giác hân hoan khi thấy từng đường nét công trình ngày càng hiện hữu, thấy bà con quê hương lui tới ghé thăm gửi lời hoan hỉ. Niềm vui của người con xa quê ấy càng nhân lên khi ngày khánh hạ ngôi Đại Phúc thần miếu, được nhìn thấy những ánh mắt vui sướng của bao người làng, nhất là những cái bắt tay thật ấm áp của những bậc cao niên.
 
Giờ thì người Đại Phong có thể tự hào, ngay trên nền của am Hạ Đông xưa, một công trình văn hóa tâm linh của làng đã được dựng lên, bình dị nhưng uy nghi. Nơi chốn ấy sẽ là con tim yêu thương và đoàn kết của làng, đắp bồi lòng tự hào, tự tôn về vùng đất địa linh. Cùng với chùa Hoằng Phúc, nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại Phúc thần miếu hứa hẹn sẽ là điểm đến về văn hóa tâm linh hấp dẫn trên quê lúa Lệ Thủy.
 
Diệu Hương

tin liên quan

Không gian sách về vị cha già của dân tộc giữa lòng Thủ đô Hà Nội
Không gian sách về vị cha già của dân tộc giữa lòng Thủ đô Hà Nội

Hội chợ sách cũ Hà Nội tháng năm sẽ kéo dài từ ngày 17 đến 20-5 tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (số 2 Hoa Lư, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

8 giải A sáng tác theo chủ đề học, làm theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh
8 giải A sáng tác theo chủ đề học, làm theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tối 13-5, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Lễ trao Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh," đợt 1 (2016- 2018).

Sự khởi sắc của phim hoạt hình tại Liên hoan phim Cannes 2018
Sự khởi sắc của phim hoạt hình tại Liên hoan phim Cannes 2018
Tuy không lọt vào danh sách đề cử giải Cành cọ vàng của Liên hoan phim quốc tế Cannes 2018, song thể loại phim hoạt hình lại đang thu hút rất nhiều sự chú ý nơi thành phố duyên hải xinh đẹp miền Nam nước Pháp này.