Bảo tồn và phát huy nghệ thuật bài chòi

  • 04:05, 28/05/2018
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Bài chòi là trò chơi dân gian thường được tổ chức vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc và thời gian qua đã được thành phố Đồng Hới chọn đưa vào nội dung hoạt động của Tuần Văn hóa - Du lịch thành phố Đồng Hới. Hội bài chòi do các nghệ nhân đàn hát dân ca và các bạn trẻ trên địa bàn thành phố Đồng Hới chủ trì đã tạo được nét mới, độc đáo, vừa mang đậm chất truyền thống, vừa hiện đại, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân địa phương và du khách khi đến với thành phố hoa hồng.
 
Tham gia chủ trì hội bài chòi là các bạn trẻ trong đội xung kích tình nguyện giữ gìn và bảo tồn nghệ thuật bài chòi do Thành đoàn Đồng Hới tập hợp với số lượng 24 thành viên. Họ là những cây văn nghệ quần chúng ở địa phương, các cơ quan, trường học trên địa bàn. Hàng ngày, sau giờ làm việc, các bạn lại cùng tụ họp, tập luyện các làn điệu dân ca gắn với các con bài trong bộ bài tới của trò chơi bài chòi.
 
Anh Lê Văn Đức Lệ, 28 tuổi ở xã Đức Ninh, là một trong những người hô hát chính tại các hội bài chòi do thành phố tổ chức. Từ nhỏ, anh Lệ thường cùng với bố mẹ, anh chị em ra sân nhà văn hóa thôn để xem và tham gia hội bài chòi do địa phương tổ chức vào các dịp Tết cổ truyền hàng năm. Niềm đam mê bài chòi đã làm anh yêu luôn những làn điệu dân ca mượt mà sâu lắng, những câu hô bài dí dỏm do các cụ ông, cụ bà ở trong thôn thể hiện từ lúc nào không hay. Hai năm trở lại đây, khi bộ môn nghệ thuật bài chòi được UBND thành phố Đồng Hới đưa vào nội dung của Tuần Văn hóa - Du lịch Đồng Hới thì cả  2 mùa lễ hội, anh Lệ đều tham gia ở vị trí người hô hát chính cùng với các bạn trẻ trong nhóm xung kích tình nguyện trên địa bàn.
 
Anh nói: “Với sự đam mê của mình, bản thân tôi thường xuyên tìm tòi, học hỏi thêm các làn điệu mới của bài chòi các tỉnh miền Trung, làm phong phú thêm vốn hiểu biết về ca từ của mình để thể hiện các làn điệu dân ca ngày càng mượt mà hơn, đúng điệu và đúng theo phong tục tập quán của người dân địa phương”.
 
Để kế thừa và phát huy có hiệu quả loại hình nghệ thuật truyền thống này trong đời sống hiện đại, Ban Thường vụ Thành đoàn đã tranh thủ sự hỗ trợ của các nghệ nhân bài chòi có kinh nghiệm trên địa bàn cùng tham gia. Nghệ nhân Phan Văn Thuận ở xã Đức Ninh là một trong những người hô hát bài chòi lâu năm ở thành phố Đồng Hới. Trải qua thời gian, từ vị trí của người chơi đến vị trí "ông hiệu" (tức người hô bài), ông Thuận đã đúc rút và sáng tác ra nhiều làn điệu mới cho các con bài trong bộ bài tới của trò chơi bài chòi. Từ chỗ chỉ là hô tên các con bài, nghệ nhân Phan Văn Thuận đã không ngừng sáng tạo, dần hình thành một thể loại dân ca độc lập với các làn điệu như: vè, hò hụi, hò khoan, lý hoài xuân, lý tình tang…. có thể diễn xướng ở mọi lúc, mọi nơi. Hiện nay, mặc dù tuổi đã cao, nhưng nghệ nhân Phan Văn Thuận vẫn không ngừng sáng tác và truyền thụ những kiến thức, kinh nghiệm của bản thân về loại hình nghệ thuật dân gian bài chòi cho thế hệ trẻ.
 
Nghệ nhân Phan Văn Thuận chia sẻ, lúc mới 20 tuổi, ông đã biết chơi bài chòi, không có một hội bài chòi nào được tổ chức ở xã mà ông không tham gia. Những làn điệu dân ca mượt mà sâu lắng về phong tục, tập quán; ca ngợi quê hương, đất nước đổi mới đã thấm vào máu thịt ông, nuôi dưỡng tâm hồn ông, để rồi sau này ông đã đi theo con đường nghệ thuật và là một nghệ nhân dân gian. Ông mong muốn các thế hệ trẻ sau này, trong nhịp sống hiện đại vẫn luôn có những hoạt động thiết thực nhằm giữ gìn và phát huy loại hình nghệ thuật quý này, để nó sống mãi với thời gian.
Tuổi trẻ Đồng Hới tham gia bảo tồn và phát huy nghệ thuật bài chòi. Ảnh: Ngọc Lưu
Tuổi trẻ Đồng Hới tham gia bảo tồn và phát huy nghệ thuật bài chòi. Ảnh: Ngọc Lưu
Giữa phố xá tấp nập, với nhiều loại hình giải trí hiện đại, hội bài chòi, một loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống được mở ra tại sân các nhà văn hóa thôn, tổ dân phố vào các dịp Tết cổ truyền của dân tộc hay ở Công viên Nhật Lệ trong Tuần Văn hoá - Du lịch Đồng Hới vẫn thu hút đông đảo người dân quan tâm, đặc biệt là các bạn trẻ.
 
Chị Trần Thị Khánh Vân, thành phố Đồng Hới nói: “Bài chòi đối với thế hệ trẻ chúng em là rất mới. Trước đây, bản thân em chưa hề biết đến loại hình nghệ thuật này và cách chơi như thế nào. Sau khi Thành đoàn Đồng Hới tổ chức hội bài chòi trong Tuần Văn hóa - Du lịch Đồng Hới thì em đã tham gia chơi, em cảm thấy đây là một trò chơi dân gian rất hay, phản ánh đời sống, tâm tư, tình cảm của người miền Trung từ xa xưa. Em mong Thành đoàn sẽ còn tổ chức nhiều hơn nữa hội bài chòi trong các dịp lễ hội để không chỉ người dân địa phương, tuổi trẻ chúng em mà còn là dịp để du khách thập phương biết nhiều hơn về mảnh đất và con người Đồng Hới, Quảng Bình”.
 
Với những giá trị văn hóa, nghệ thuật độc đáo mà bộ môn nghệ thuật dân gian bài chòi mang lại đối với đời sống tinh thần của người dân, vừa qua, 9 tỉnh miền Trung, trong đó có Quảng Bình, là quê hương của nghệ thuật bài chòi đã đón bằng vinh danh Nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại của Tổ chức UNESCO. Đây là niềm tự hào không chỉ của nhân dân Quảng Bình và miền Trung nói riêng mà còn của cả cộng đồng dân tộc Việt Nam. Và để gìn giữ, phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể này rất cần  những hành động thiết thực làm cho di sản thêm gắn bó với đời sống tinh thần của các tầng lớp nhân dân, trong đó có vai trò hết sức quan trọng của thế hệ trẻ thành phố Đồng Hới.
Anh Hà Quốc Vương Anh, Bí thư Thành đoàn Đồng Hới chia sẻ: “Bước đầu thành lập và đi vào hoạt động, đội tình nguyện còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất cũng như phương thức hoạt động. Thế nhưng, chúng tôi tin rằng, với sức trẻ, sự nhiệt huyết của mình, chúng tôi sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phó, góp phần gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa của quê hương, đất nước, xây dựng  thành phố Đồng Hới ngày càng giàu đẹp, văn minh, sớm trở thành thành phố du lịch trước 2020 ”.
 
Nếu ai đã một lần tham gia lễ hội bài chòi ở Đồng Hới thì có thể thấy rằng những làn điệu dân ca truyền thống mượt mà, sâu lắng  kết hợp với sự sôi động, đầy nhiệt huyết của các bạn trẻ đã tạo sức hút vô cùng đặc biệt. Bài chòi đã thực sự trở thành một món ăn tinh thần trong đời sống văn hóa của người dân Đồng Hới và là một sản phẩm du lịch độc đáo tạo dấu ấn tốt đẹp trong lòng du khách khi đến với thành phố hoa hồng.                              
 
Cái Huệ

tin liên quan

Cần có bia chứng tích cho trận chống càn năm 1947 ở xã Quảng Thủy
Cần có bia chứng tích cho trận chống càn năm 1947 ở xã Quảng Thủy

(QBĐT) - Đến nay đã 65 năm, làng Lâm Xuân, xã Quảng Thủy, thị xã Ba Đồn có một ngày thật đặc biệt, đó là ngày giỗ chung cho 49 con em quê hương đã ngã xuống trong một trận chống càn của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. 

Chiếc máy cày - Kỷ vật Bác Hồ tặng hợp tác xã Đại Phong
Chiếc máy cày - Kỷ vật Bác Hồ tặng hợp tác xã Đại Phong

(QBĐT) - Trong khuôn viên của Bảo tàng tổng hợp Quảng Bình hiện còn lưu giữ chiếc máy cày DT54 mà Bác Hồ gửi tặng HTX Đại Phong năm 1961. Kỷ vật thiêng liêng của Bác gợi nhớ về một HTX đã được Đảng và Nhà nước trao tặng "Lá cờ đầu trong nông nghiệp toàn miền Bắc…" của những năm đầu trong phong trào hợp tác hóa nhằm cải thiện đời sống của nhân dân, làm cho người dân có cuộc sống ấm no, vui tươi và hạnh phúc.

Cánh thời gian
Cánh thời gian

(QBĐT) - Xếp lần những cánh thời gian

Thành chùm hoa nhớ chói chang giữa lòng

Nhụy là sắc tỏa chờ mong

Hương từ tinh khiết của tâm mà thành