Chung tay bảo tồn, phát huy các giá trị của văn nghệ dân gian

  • 08:05, 04/05/2018
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nằm ở vị trí hẹp nhất theo chiều Đông - Tây của dải đất hình chữ S Việt Nam, Quảng Bình chứa đựng  nhiều giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống, tiêu biểu là các loại hình văn nghệ dân gian...
 
Tuy không phải là cái nôi sản sinh những loại hình văn nghệ dân gian độc đáo của Việt Nam, như: quan họ (Bắc Ninh), nhã nhạc cung đình (Huế), ví dặm (Nghệ - Tĩnh), đờn ca tài tử Nam bộ,… nhưng đây là vùng đất có khá nhiều loại hình văn nghệ dân gian phong phú, như: hò khoan, ca trù, hát kiều, hò thuốc… tạo nên bản sắc riêng trên nền chung của văn hóa dân tộc.
 
Những năm qua, tỉnh ta đã có nhiều nỗ lực trong việc khơi dậy, bảo tồn, phát huy vốn di sản văn hóa nói chung, gìn giữ và phát huy loại hình văn nghệ dân gian nói riêng. Mặc dù vẫn chưa khai thác tối đa trữ lượng văn nghệ dân gian còn tiềm ẩn, nhưng những người làm công tác sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến, truyền dạy văn nghệ dân gian Quảng Bình đã thể hiện năng lực, tâm huyết của mình trong công tác này  và bước đầu đã đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận. Kể từ khi thành lập (1995) đến nay, Chi hội Văn nghệ dân gian Quảng Bình đã có trên 130 công trình sưu tầm nghiên cứu, trong đó có nhiều công trình được nhận giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Giải thưởng Lưu Trọng Lư, một số công trình được Nhà nước tài trợ xuất bản.
 Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Đặng Thị Kim Liên với công trình mới của mình
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Đặng Thị Kim Liên với công trình mới của mình
Điều dễ nhận thấy là, đề tài, lĩnh vực, các loại hình, loại thể văn hóa, văn nghệ dân gian trở thành đối tượng nghiên cứu của các tác giả  rất phong phú, đa dạng. Tiêu biểu là các công trình, như: Văn hóa miền biển Quảng Bình; Văn hóa dân gian Quảng Bình; Văn hóa dân gian Bru - Vân Kiều, Chứt Quảng Bình; Văn hóa dân gian người Nguồn huyện Minh Hóa, Chợ quê Quảng Bình, Giếng nước, hồ nước, đầm phá trong tâm thức người Quảng Bình… cùng nhiều cuốn địa chí làng, xã. Sự đa dạng, phong phú trong đề tài, lĩnh vực nghiên cứu cho thấy từng loại hình, loại thể văn nghệ dân gian, dù mai một hay đang tồn tại đều được các tác giả dày công tìm tòi, nghiên cứu. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đã dành trọn cuộc đời để sưu tầm, nghiên cứu với sự say  mê, trách nhiệm, tâm huyết.
 
Không chỉ nhiều về số lượng và đa dạng về đề tài, lĩnh vực nghiên cứu, những người làm công tác nghiên cứu văn nghệ dân gian trong tỉnh còn chú trọng đến nội dung, chất lượng các công trình của mình.
 
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Văn Tăng, một trong những “cây đại thụ” đối với lĩnh vực văn nghệ dân gian Quảng Bình tâm sự: Đối với đề tài này, càng viết, càng nghiên cứu, lại càng đam mê. Mỗi lần đặt bút lại nảy sinh ra những điều mới mẻ thôi thúc ông tìm kiếm, góp nhặt để lưu giữ những giá trị văn hóa cổ xưa, những nét đẹp rất đỗi đời thường những những ẩn chứa trong đó nhiều giá trị văn hóa của mỗi vùng đất trên quê hương Quảng Bình. Đến nay, ông đã có trong tay 12 bản thảo, 7 đầu sách, chủ yếu là nghiên cứu về lĩnh vực văn nghệ dân gian cùng rất nhiều tác phẩm gồm các thể loại thơ, tản văn, bút ký được đăng tải trên các báo, tạp chí của Trung ương và địa phương.
 
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Đặng Thị Kim Liên, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam Quảng Bình cũng đã dành tất cả sự tận tâm với công việc nghiên cứu để mang “vàng thô” về “mài giũa”, làm nên các công trình có giá trị, như: Địa chí làng Đức Phổ, Địa chí làng Phú Vinh, Các làn điệu dân ca Quảng Bình, Văn hóa dân gian tộc người Vân Kiều, Văn hóa dân gian cư dân vùng cát Quảng Bình… Đến nay, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Đặng Thị Kim Liên đã có 10 công trình được xuất bản và đang hoàn chỉnh một số công trình, như: Quảng Bình miền sự tích (dự kiến 2 tập), Nghiên cứu hương ước làng (đang chỉnh sửa bổ sung để hoàn chỉnh). Một số công trình của các tác giả Đinh Thanh Dự, Trần Hùng, Văn Lợi, Văn Tặng, Đặng Thị Kim Liên… vinh dự được nhận nhiều giải thưởng của trung ương và địa phương.
Các câu lạc bộ văn nghệ dân gian của Hội Người cao tuổi là nơi lưu giữ nhiều loại hình văn nghệ độc đáo của các địa phương
Các câu lạc bộ văn nghệ dân gian của Hội Người cao tuổi là nơi lưu giữ nhiều loại hình văn nghệ độc đáo của các địa phương
Bên cạnh việc sưu tầm, nghiên cứu các công trình, Chi hội Văn nghệ dân gian Quảng Bình còn chú trọng đến việc phổ biến, truyền dạy và bảo tồn vốn văn hóa, văn nghệ dân gian cho các địa phương trong tỉnh. Thông qua câu lạc bộ, đội, nhóm văn nghệ dân gian ở các làng, xã, các loại hình văn nghệ dân gian như hò khoan 6 mái ở Lệ Thủy; múa bông, chèo cạn ở các xã vùng biển; hò thuốc Minh Hóa; ca Huế Quảng Xá; hát ru Cảnh Dương; hát phường nón Thổ Ngọa; dân ca Bru Vân Kiều; hát nhà trò Tuyên Hóa; hát Kiều Quảng Kim; ca trù Đông Dương… được gìn giữ, khôi phục và lưu truyền theo thời gian.
 
Có thể nói, công tác bảo tồn, gìn giữ các loại hình văn nghệ dân gian trên địa bàn tỉnh những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu rất đáng ghi nhận, góp phần phát huy những giá trị của di sản văn hóa dân tộc trong các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Đặng Thị Kim Liên thì trong sâu thẳm vỉa tầng văn hóa dân gian bản địa vẫn còn nhiều điều tiềm ẩn, còn không ít góc khuất chưa được khai phá để gìn giữ, trao truyền. Và đó cũng là trăn trở của những người nặng lòng với di sản, với những tinh hoa văn hóa mà ông cha để lại.
 
Nhật Văn   

tin liên quan

Quyên đã gọi hè
Quyên đã gọi hè

(QBĐT) - Tháng ba theo lịch ta, ở miền Trung, gió nam sớm đã bắt đầu hây hẩy. Mà cũng chẳng còn sớm sủa gì nữa. "Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi", những cánh én đã thưa, rồi vắng hẳn. Lúa trổ đòng, ngậm sữa, đưa hương, gọi những loài chim no ấm của mùa gặt hái bay về.

Bế mạc Festival Huế 2018
Bế mạc Festival Huế 2018

Sau 6 ngày diễn ra với nhiều hoạt động hấp dẫn, tối 2-5, Festival Huế 2018 đã bế mạc.

Mỹ trao trả cho Iraq hàng nghìn cổ vật có niên đại hàng nghìn năm
Mỹ trao trả cho Iraq hàng nghìn cổ vật có niên đại hàng nghìn năm

Ngày 2-5, các cơ quan chức năng Mỹ đã tiến hành đợt trao trả cho Iraq 3.800 cổ vật bị buôn bán trái phép sang nước này.