Về Quảng Xá

  • 11:04, 06/04/2018
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhà nghiên cứu văn hóa Đăng Nguyên mời, tôi cùng nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ Xuân Bé làm một chuyến lên Quảng Xá (Tân Ninh, Quảng Ninh) xem lễ hội cầu yên họ Nguyễn. Không ngờ, đường lên Quảng Xá "thông" đến thế. Đến Dinh Mười rẽ phải, qua hết cầu Trung Quán vạm vỡ trên sông Kiến Giang là Quảng  Xá. Chưa lâu, tôi từng có dịp ngoa ngôn: sông Kiến Giang đến Quảng Xá uốn lượn như một “khóa son” sinh cho làng bảy nhạc sĩ thành danh và hai ông hiền tế làng nhạc nổi tiếng là Vĩnh Phúc và Phạm Tuyên. Và Quảng Xá không chỉ có nhạc sĩ...
 
Nhà nghiên cứu văn hóa Đăng Nguyên dẫn chúng tôi  ra bờ Kiến Giang khoe “Rặng bần nặng nghĩa nặng tình”. Gió xuân hây hẩy, bờ sông hoang vắng mà như có hồn vía, ẩn nhiều nét sinh động. Hàng bần đứng dầm chân trong nước lợ bao đời giữ đất cho làng. Cả một bãi sông cứ nhoài ra, cỏ mọc miên man, trâu thong thả nhai lại. Giữ bờ bãi thì, sông nước ngọt không gì bằng tre, sông nước lợ... bần là thượng sách. Nhớ một câu thơ của Thu Huề:
 
Gốc bần neo đậu con đò
 Ánh trăng rớt xuống giọng hò bay lên
 
Thanh bình quá! Rìa làng, công trình chùa làng mới khánh thành đã đi vào hoạt động. Tầm vóc công trình khá lớn, hướng ra bờ sông, nơi có một đoạn sông nhánh lượn vòng khá điệu đàng mà sách chữ Hán gọi là "loan". Phong cảnh chùa nằm giữa thiên nhiên mà không u tịch. Lại vui và gần đời. Đó là nét mới của tôn giáo ngày nay: đạo-đời. Đình, chùa, miếu, nhà thờ họ hài hòa với trụ sở chính quyền, trường, trạm, chợ, đều vì con người, cho con người, giáo lý và pháp lý, nhân văn và hướng thiện. Trong đình làng, ảnh và tượng Bác Hồ được dựng nơi trang nghiêm nhất. 
 Sông quê.  Ảnh: T.H
Sông quê. Ảnh: T.H
Trở lại với Quảng Xá, có lẽ chưa thấy nơi nào đường liên xóm mà rộng như ở đây. Tính cho hết lộ giới chắc phải đến bốn làn xe. Ở mỗi đầu ngõ (trôổng) có nhiều ghế đá. Từng nhóm nhỏ “nam phụ lão ấu” ngồi hút thuốc, chải tóc, tán chuyện đông tây kim cổ... Ngoài đồng, lúa đang thì con gái, ven làng, rau màu xanh tốt. ..
 
                        *
 
Sách “Nếp đất hương quê” của Văn Tăng ước đoán làng Quảng Xá được hình thành cách nay chừng 400 năm, chừng từ năm 1610 đến 1620. Cùng thời với những làng khác dọc hai bờ Kiến Giang. Từ cụ tổ đầu tiên đến nay đời thứ mười sáu mười bảy. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Tú cho rằng, ngày trước di dân theo chiếu vua ban hoặc di dân tự do đều bằng đường thủy. Cập cảng Nhật Lệ, những người theo nghề cá thì dừng lại ở cửa sông. Người theo nghề nông thì ngược sông tìm vùng đất màu mỡ. Đó là giai đoạn chúa Nguyễn Hoàng trở lại đất Thuận Hóa lần hai. Năm 1613, chúa Tiên Nguyễn Hoàng mất để lại lời dặn bất hủ cho người con kế nhiệm đề cao đất và người Thuận Quảng từ Hoành Sơn đến Thạch Bi. Theo kết quả nghiên cứu của Thái Kế Toại thì họ Nguyễn Đăng ở Bình Trị Thiên là hậu duệ của quý tộc triều Mạc sau khi thất thủ ở Cao Bằng năm 1592 đã phải thay đổi danh tính lưu tán vào dân gian tránh đòn trả thù tàn độc của triều đình Lê Trịnh. Một trong số quý tộc này đã là người khai khẩn hình thành nên dòng họ Nguyễn Đăng Quảng Xá. Ngày nay, cùng với họ Dương, họ Trần..., con cháu họ Nguyễn ở Quảng Xá tạo được ấn tượng mạnh trên các nẻo đường lập nghiệp. Và điều rất quý là những người ở làng cũng xây dựng được cốt cách “văn hóa làng” đẹp và bền vững.
 
Lần ngược sử làng, năm 1947 để lại một vết thương lòng không bao giờ phai. Ngày 31-3-1947, sau khi chiếm được Đồng Hới, quân viễn chinh Pháp ngược sông Nhật Lệ đánh lên Quảng Ninh, Lệ Thủy. Người Quảng Xá tổ chức trận địa đánh Pháp “Giữa đồng một trận xông pha/ Bên kia đạn sắt bên ta gan vàng”. Kết cuộc, 73 tráng đinh ngã xuống trên cánh đồng.
                 
    *
 
Cũng không hình dung trước được lễ hội cầu yên giữa mùa xuân của một dòng họ mà hoành tráng đến thế. Là có cả một đêm văn nghệ chào mừng, là có lễ rước bài vị tiên tổ từ sinh phần kính cáo quanh làng về nhà thờ họ, có lễ trọng của chức sắc và nhân sự các đời từ ông “cố, tổ, phụ nhi thân tự tử tôn chí tằng huyền”. Con cháu dâu rể về từ Nam, Bắc... về bái tạ từ đường, ca hát nhảy múa vui văn nghệ với vô số màu sắc và làn điệu dân ca. Lại nhớ một đoạn ca từ của nhạc sĩ Trần Hoàn: “Từ cửa sông Nhật Lệ, mời anh lại thăm quê, dòng Kiến Giang mình đó...”. Ngược sông Nhât Lệ, đến Trần Xá, lại ngược Kiến Giang một quãng ngắn, thấy bãi bồi và rừng bần đứng dầm chân trong nước là đích thị địa phận Quảng Xá, làng Văn hóa đúng nghĩa cả chiều rộng, bề nổi và chiều sâu. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ Xuân Bé thú nhận: Dòng họ tôi khá lớn ở Cam Thủy, có cụ tiên tổ là “Tứ triều nguyên lão Võ Xuân Cẩn” nhưng cũng chưa tổ chức được lễ cầu yên hoành tráng và...thú vị như ở đây. Quảng Xá, một làng quê bình dị với  nhiều hoạt động văn hóa độc đáo và ấn tượng đến thế.
 
Nguyễn Thế Tường

tin liên quan

Khắc họa hình ảnh đội hùng binh Hoàng Sa qua lễ khao lề thế lính
Khắc họa hình ảnh đội hùng binh Hoàng Sa qua lễ khao lề thế lính
Sáng 6-4, tại đình làng An Hải, xã An Hải, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi, Ban Khánh tiết đình làng An Hải tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa nhằm tái hiện, khắc họa hình ảnh đội hùng binh Hoàng Sa năm xưa vâng lệnh vua dong thuyền ra đo đạc thủy trình, xác lập chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. 
 
Ngọt miền ký ức
Ngọt miền ký ức
(QBĐT) - Ký ức vẫn một miền xanh thẳm
Từng góc quê cong mát bờ tre
Tiếng gà gáy vang trong nắng ấm
Tiếng chim kêu trên những vòm cây...
Hát phường nón làn điệu cổ được hồi sinh
Hát phường nón làn điệu cổ được hồi sinh

(QBĐT) - Làng Thổ Ngoạ (thuộc phường Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn), một trong "tứ danh hương" của phủ Quảng Trạch xưa là xứ sở của những câu dân ca ra đời trong lao động, gắn với lịch sử hình thành của làng quê.