(QBĐT) - Hoạt động có hiệu quả, những năm qua Hội Di sản văn hóa Việt Nam huyện Minh Hóa đã góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn huyện.
Minh Hoá là một huyện miền núi rẻo cao nằm ở phía Tây của tỉnh, là nơi sinh sống của các dân tộc anh em như người Kinh, người Bru Vân Kiều, người Chứt…Trải qua hàng trăm năm phát triển, người dân Minh Hóa vẫn còn lưu giữ được nhiều loại hình văn hóa đặc sắc như điệu hò thuốc cá, đúm, ví, hát ru, hát bội, hát kiều, các trò chơi và hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc.
Minh Hóa nổi tiếng với Hội Rằm tháng ba thu hút rất đông khách thập phương đến dự. Người ta đi hội rằm không chỉ để ngắm trăng, thưởng thức những món ăn dân dã mà còn để được nghe, tìm hiểu về làn điệu hò thuốc cá (hò thuốc) bởi đây được xem là làn điệu dân ca đặc trưng của người Minh Hóa. Hò thuốc ra đời bắt nguồn từ nghề thuốc cá tập thể khi giã nhỏ rễ cây tèng rồi chế thành thuốc thả xuống khe, suối để bắt cá. Hò thuốc có nhịp điệu linh hoạt, khẩn trương theo nhịp chày giã thuốc. Ngày nay, hò thuốc được diễn xướng trong các cuộc hội hè, đình đám như lễ hội, đám cưới và cả khi ru con. Phần hò và xô vẫn được diễn xuất như khi hò trong lao động, chỉ khác động tác giã tèng được thay bằng nhịp vỗ tay của mọi người trong cuộc vui. Khi ru con, người Minh Hóa chỉ sử dụng lời hò với những câu hát mộc mạc như: "Con bướm chừ nó đậu rừng côi rừng. Lấy nhau chừ không được, xin đừng tăm tiếng tăm"...
Góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc ở Minh Hóa - VHMH 1: Các trò chơi dân gian ở Minh Hóa được bảo tồn và phát huy giá trị |
Đúm và ví là hình thức hát giao duyên phổ biến ở Minh Hóa. Với đặc trưng là thể loại hát giao duyên, nhịp điệu nhẹ nhàng nên trong các cuộc hát đúm, ví thu hút rất đông người đến xem và cổ vũ. Mở đầu cuộc hát là sự bày tỏ "tưởng ngờ gặp nhau" và mời nhau "cất lời lên" rồi cuộc hát cứ thế kéo dài với những ca từ chứa đựng các cung bậc tình cảm của đôi trai, gái... Ngoài ra, ở Minh Hóa còn tồn tại các làn điệu dân ca, như: hát sắc bùa thường được tổ chức vào dịp Tết để chúc mừng năm mới, hát ru, hát bội, hát kiều... cùng nhiều hình thức sinh hoạt dân gian độc đáo khác…
Hội Di sản văn hóa Việt Nam huyện Minh Hóa được thành lập từ năm 2004, sau gần 14 năm hoạt động có hiệu quả, đã góp phần tích cực vào việc bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn huyện.
Ông Đinh Xuân Đình, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam huyện Minh Hóa cho biết, một trong những hoạt động có hiệu quả nhất của hội trong thời gian qua, đó là phối hợp với các ban, ngành liên quan thành lập được 7 câu lạc bộ (CLB) cơ sở, động viên khích lệ tạo điều kiện cho các nghệ nhân mở lớp chuyển giao, truyền dạy các làn điệu dân ca Minh Hóa như hò thuốc, hát đúm, ví…; qua đó góp phần quan trọng vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể này. Mặc dù các hội viên đều đã cao tuổi, tự lực cánh sinh là chủ yếu, nhưng hầu hết các anh chị em, các nghệ nhân, diễn viên, nhà nghiên cứu… đã hoạt động tích cực, miệt mài và hiệu quả.
Góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc ở Minh Hóa - VHMH 2: Cờ người, một trò chơi dân gian được phát huy có hiệu quả ở Minh Hóa |
Các nghệ nhân, diễn viên hoạt động trên lĩnh vực đàn và hát dân ca như bà Đinh Thị Phương Đống, Đinh Thị Loan, Đinh Thị Hạ, ông Đinh Văn Trợ, Cao Tiến Dòng… ngoài công việc luyện tập, biểu diễn còn tích cực mở lớp truyền dạy các làn điệu dân ca Minh Hóa. Trong đó, năm 2017, nghệ nhân Đinh Thị Phương Đống đã truyền dạy cho 12 học viên là cán bộ văn hóa các xã, thị trấn… Đặc biệt, nghệ nhân Đinh Thanh Đàn (hội viên Hội Di sản văn hóa huyện) ở xã Hồng Hóa đã đứng ra vận động và được UBND xã quyết định thành lập CLB đàn và hát dân ca xã Hồng Hóa. Từ 26 hội viên lúc mới thành lập, đến nay đã có trên 57 hội viên hoạt động rất hang say, tích cực, hiệu quả góp phần bảo tồn, gìn giữ các làn điệu dân ca của các dân tộc trên địa bàn huyện Minh Hóa. Mới đây, CLB đàn và hát dân ca xã Tân Hóa cũng vừa được thành lập ngoài mục đích bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống còn để phục vụ khách du lịch, đặc biệt là người nước ngoài khi đến du lịch ở Tân Hóa…
Trên lĩnh vực nghiên cứu, hội viên Đinh Thanh Dự (nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Việt Nam) với nhiều công trình nghiên cứu có giá trị trước đây về văn hóa lịch sử của vùng đất, con người Minh Hóa, năm 2017, ông tiếp tục có thêm công trình: “Ngược miền nguồn Cơ Sa và nguồn Kim Linh”.
Hội viên Đinh Tiến Hùng có 3 công trình nghiên cứu và được công nhận là hội viên - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam với các tác phẩm: “Văn học dân gian người Nguồn huyện Minh Hóa”- tập 1, “ Nét đặc sắc trong châm ngôn, phương ngôn của người Nguồn huyện Minh Hóa” và “Tri thức trong nuôi dạy con trẻ của người Nguồn huyện Minh Hóa”.
“Các công trình nghiên cứu nêu trên và những công trình có giá trị trước đó của hội viên Hội Di sản văn hóa Việt Nam huyện Minh Hóa đã góp phần đưa bản sắc, các giá trị văn hóa, lịch sử của đồng bào các dân tộc huyện Minh Hóa vào kho tàng tri thức văn hóa của đất nước”, ông Đinh Xuân Đình khẳng định.
Phan Phương