(QBĐT) - Nhà báo Nguyễn Thị Thanh Xuân sinh năm 1949, trong một gia đình đông con tại thị xã Đồng Hới (nay là thành phố Đồng Hới).
Là chị đầu, Nguyễn Thị Thanh Xuân đã sớm biết chia sẻ gánh nặng mưu sinh với bố mẹ. Bố làm thợ điện, thợ sửa đồng hồ, mẹ chạy chợ vất vả lo cuộc sống của đại gia đình hơn mười người. Khi mới học xong lớp 7, chị đã xin gia đình đi làm công nhân xí nghiệp bát sứ để có tiền giúp bố mẹ. Vào thời gian đó, giặc Mỹ đánh phá rất ác liệt. Vốn là thanh niên sôi nổi, nhiệt tình nên khi có chủ trương thành lập Đội thanh niên xung kích Đồng Hới, chị đã làm đơn tự nguyện xin vào. Ngay trong những năm tháng gian lao này, ý thức muốn đưa những thông tin nóng bỏng từ thực tiễn lên trang báo đã nung nấu trái tim người nữ xung kích trẻ. Ngày lo làm nhiệm vụ, đêm về tập viết tin, bài cho báo tỉnh. Trước khi gửi tin, bài cho báo, chị nhờ anh em trong đội góp ý. Nhờ vậy chất lượng tin, bài càng được nâng cao. Niềm say mê viết báo cùng sự thông minh sắc sảo đã giúp chị ngày một trưởng thành. Đầu năm 1969, khi vừa mới 20 tuổi, Nguyễn Thị Thanh Xuân đã được đứng vào đội ngũ phóng viên Báo Quảng Bình.
Theo tư liệu của cố nhà báo Phan Văn Khuyến trong cuốn "Phan Văn Khuyến – tuyển tập" do NXB Thuận Hóa ấn hành năm 2016: “Bốn năm làm phóng viên giữa thời kỳ chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ác liệt nhất, hình ảnh nữ phóng viên Nguyễn Thị Thanh Xuân ít ai quên được.
![]() |
Chân dung nhà báo liệt sĩ Nguyễn Thị Thanh Xuân. |
Là phóng viên trẻ nhất cơ quan, lại là cán bộ Đoàn, trong tình huống khó khăn, Xuân càng xông xáo, mẫu mực. Với bộ quần áo đen và chiếc khăn rằn như cô du kích miền Nam, Xuân len lỏi giữa bom đạn, khi vào bến phà Quán Hàu, khi ra Ba Trại, sông Gianh, ở đâu cần là cô đến. Nhiều lúc anh em trong tòa soạn tìm cách bố trí công việc khác cho phù hợp hơn nhưng cô không chịu, nằng nặc xin đi cơ sở ”.
Một lần vào thăm Báo Quảng Bình thời chiến tranh, đồng chí Lưu Quý Kỳ, Vụ trưởng Vụ Báo chí- Ban Tuyên huấn Trung ương từng nhận xét: “Trong đội ngũ những nữ phóng viên của báo hiện nay, ít người được như cô Xuân, nhanh nhẹn, xông xáo, ở đâu cũng làm được việc. Đây là vốn quý, tòa soạn nên cố gắng bồi dưỡng cho Xuân trở thành nhà báo giỏi”. Nguyễn Thị Thanh Xuân, nữ phóng viên Báo Quảng Bình đã được đồng nghiệp, bạn đọc đánh giá cao bắt đầu từ lòng dũng cảm, đức hy sinh và niềm say mê nghề làm báo đến cháy bỏng.
Trong lịch sử báo chí quê hương, có lẽ chưa bao giờ người làm báo phải trải qua nhiều hy sinh gian khổ như vậy. Cùng với cán bộ nhân dân trong tỉnh, họ đã viết nên trang sử hào hùng của thời kỳ Quảng Bình “Hai giỏi”. Những năm tháng này, mỗi khi đi cơ sở, phương tiện đi lại quen thuộc của nhà báo là chiếc xe đạp thô sơ, lắm khi phải cuốc bộ trên những cung đường chằng chịt hố bom. Nhà ở quen thuộc của họ là những căn hầm chữ A. Phương tiện tác nghiệp chỉ là chiếc bút, cuốn sổ tay, và nếu có máy ảnh thì đã cũ kỹ... Bữa ăn luôn đạm bạc. Nơi họ đến tác nghiệp luôn là nơi ác liệt nhất của chiến tranh.
Trong hoàn cảnh đó, Nguyễn Thị Thanh Xuân, nữ phóng viên Báo Quảng Bình là một nhà báo tiêu biểu. Cô là một nữ nhà báo dũng cảm có tài sắc toàn diện. Cô luôn trăn trở học hỏi đồng nghiệp để nâng cao nghiệp vụ báo chí. Từ chỗ chỉ mới viết được một số tin, bài phản ánh, sau một năm vào nghề, cô đã viết được nhiều bài phóng sự điều tra có chất lượng cao, nhiều gương người tốt, việc tốt và tin tường thuật hội nghị quan trọng của tỉnh. Trong cuộc sống đời thường, cô là người giàu lòng yêu thương gắn bó với nhân dân.
Theo ông Phan Gia Ấm, đồng nghiệp của nhà báo Nguyễn Thị Thanh Xuân hiện đang nghỉ hưu tại xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn kể lại: “Điều đặc biệt là do tính cởi mở, chân tình, dễ bắt chuyện và cũng là một cô gái nói năng duyên dáng và giọng hát hay như văn công chuyên nghiệp, nên Thanh Xuân đến cơ quan đơn vị, địa phương nào cũng để lại ấn tượng tốt đẹp”. Tác phẩm báo chí của nữ nhà báo Nguyễn Thị Thanh Xuân đã góp phần tuyên truyền cổ vũ Đảng bộ và nhân dân viết nên trang sử hào hùng của quê hương Quảng Bình "Hai giỏi".
Vào các năm 1972, 1973 là thời kỳ ác liệt nhất của cơ quan Báo Quảng Bình thời kỳ chiến tranh. Từ tháng 6 năm 1972 trở đi đế quốc Mỹ dùng máy bay B52 đánh phá khốc liệt các khu dân cư. Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình có chủ trương cho phép Báo Quảng Bình sơ tán. Làng Thọ Linh, xã Quảng Sơn là địa điểm sơ tán sau cùng của Báo Quảng Bình trong chiến tranh chống Mỹ. Nữ nhà báo Nguyễn Thị Thanh Xuân đã cùng anh em trong cơ quan, ba lô áo quần, mắm muối thồ trên xe đạp vượt hơn hàng chục ki lô mét qua các tọa độ lửa đến làm việc tại làng Thọ Linh. Đó là chuyến công tác định mệnh của nữ nhà báo Nguyễn Thị Thanh Xuân.
Linh cảm về một sự ác liệt của chiến tranh đang chờ phía trước, nữ nhà báo Thanh Xuân nghẹn ngào xúc động trong giây phút chia tay người mẹ: “Lần này con đi xa chưa biết khi mô trở về. Con thương mẹ ở nhà vất vả. Ba thì ốm yếu, một mình mẹ lo cho cả bảy em, năm sáu đứa còn ăn học. Bom đạn thì ngày càng ác liệt, không sót nơi mô... Liệu mẹ có trụ nổi không...”
Động viên mẹ là vậy nhưng nhiệm vụ cơ quan báo chí là trên hết. Công việc của báo đang lúc rất cần sự có mặt của những cây bút dũng cảm xông xáo. Và bản thân người nữ phóng viên Thanh Xuân cũng đang có rất nhiều dự định cho những bài viết ở vùng quê nơi sơ tán. Thời điểm ấy, tại nơi sơ tán, báo Quảng Bình vừa mới ra được hai số báo. Bạn đọc của Báo đang chờ đợi những tin, bài nóng hổi tính thời sự của cô. Bản thân nữ nhà báo Nguyễn Thị Thanh Xuân cũng đã thu thập được nhiều tư liệu quý cho những bài báo nóng hổi tính thời sự về vùng đất anh dũng kiên cường Nam Quảng Trạch.
Thời điểm này, Tòa soạn Báo Quảng Bình được phân công về ở xóm Làng, xã Quảng Sơn. Nhà in báo đặt ở cuối dãy lèn ở làng Tiên Lệ, xã Quảng Tiên cách xã Quảng Sơn 6 km, cơ quan phát hành báo ở Bưu điện thị trấn Ba Đồn cách xa khoảng 7 km. Đây là những trọng điểm đánh phá của máy bay địch. Tin quân dân trong tỉnh cùng quân dân cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược được in đậm trên các số báo. Đặc biệt, tin quân dân Thủ đô Hà Nội anh hùng lập nên trận “Điện Biên Phủ trên không” chiến thắng pháo đài bay B52 trong 12 ngày đêm chiến đấu oanh liệt đã làm nức lòng nhân dân cả nước và cổ vũ khí thế của những người làm báo. Nữ nhà báo Nguyễn Thị Thanh Xuân đã có những dự định viết thật nhiều những bài báo cổ vũ tinh thần kiên cường của quân và dân quê hương "Hai giỏi".
Nhưng buổi chiều ngày 1-2-1973 lạnh giá, trên đường chạy về nhà chị Luyến, (nơi cơ quan bố trí nhà cho nhà báo Nguyễn Thị Thanh Xuân ở tại xóm Làng, xã Quảng Sơn) để tiếp tục viết bài báo còn dang dở kịp cho số báo ngày hôm sau, bỗng những loạt bom B52 ào áo dội xuống, chị bị trúng bom và hy sinh tại chỗ. Người nữ phóng viên Nguyễn Thị Thanh Xuân ra đi khi tuổi đời vừa mới 24. Biết bao dự định tương lai nghề nghiệp và cả hạnh phúc cuộc đời tươi đẹp còn ở phía trước. Bài báo viết còn viết dở và những dòng thư chưa kịp gửi cho người yêu của chị bị cũng bị rách nát bởi bom đạn kẻ thù. Nữ nhà báo Nguyễn Thị Thanh Xuân hy sinh là một mất mát vô cùng to lớn của gia đình và cơ quan Báo Quảng Bình. Cơ quan Báo Quảng Bình mất đi một nữ phóng viên xuất sắc, giàu nghị lực,gia đình mất đi một người con hiếu thảo.
Nỗi đau như dồn nén lại, hôm an táng nữ nhà báo Nguyễn Thị Thanh Xuân tại quê ngoại bên sông Gianh, mọi người đưa tiễn chị, không ai kìm nỗi nước mắt. Biến đau thương thành hành động cách mạng, tập thể cán bộ, phóng viên Báo Quảng Bình như được truyền thêm sức mạnh từ tấm gương hy sinh quả cảm của nhà báo Nguyễn Thị Thanh Xuân, quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng bộ và nhân dân giao phó. Nhà báo Nguyễn Thị Thanh Xuân đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu liệt sĩ, Hội Nhà báo Việt Nam truy tặng Huy chương Vì sự nghiệp Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Hơn 45 năm trôi qua, trong những ngày kỷ niệm 55 năm thành lập Báo Quảng Bình, hình ảnh nữ phóng viên Nguyễn Thị Thanh Xuân vẫn còn sống mãi trong trái tim những người làm báo Quảng Bình. Chị là nữ nhà báo dũng cảm, đầy nghị lực, đã hy sinh cả cuộc đời vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Phan Hòa