(QBĐT) - Trong dòng chảy của quá trình đô thị hóa với nhịp sống hiện đại, người nông dân ở thôn Đức Thị, xã Đức Ninh (TP. Đồng Hới) vẫn lưu giữ được những nét sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian. Giữa không gian đất trời vào xuân, lời ca, tiếng hát chân chất, hồn hậu của họ được cất lên làm cho sắc xuân, tình xuân càng thêm ấm áp.
Đức Thị là một địa phương thuần nông, với hơn 85% người dân làm nông nghiệp. Sau một ngày tất bật với công việc đồng áng hay khi kết thúc mùa vụ, những dịp kỷ niệm của xã, thôn, lễ hội xuân, bà con lại tụ họp tại sân nhà văn hóa thôn để cùng luyện tập, cất lên lời ca, tiếng hát, điệu hò khoan nhịp nhàng, xua tan đi những vất vả, lo toan bộn bề trong cuộc sống hàng ngày, làm cho thôn xóm thêm rộn ràng.
Xuất phát từ nhu cầu giải trí, phục vụ lao động sản xuất của bà con, ông Đặng Văn Hải, một trong những nghệ nhân đàn và hát dân ca lâu năm của thôn đã nung nấu ý định thành lập nên CLB đàn và hát dân ca thôn Đức Thị nhằm tập hợp bà con trong thôn, những người có chung niềm đam mê ca hát lại với nhau, cùng luyện tập, phục vụ đời sống tinh thần cho người dân địa phương. Ông Đặng Văn Hải chia sẻ: “Hiện nay, chúng tôi đã tập hợp được gần 50 người, ở tất cả các lứa tuổi. Sân nhà tôi chính là sân khấu. Các loại nhạc cụ dân tộc hỗ trợ gồm đàn nhị, nguyệt, sáo, đàn bầu đều do chính các nghệ nhân dân gian trong thôn và có thêm các thành viên trong câu lạc bộ đàn hát dân ca xã Đức Ninh hỗ trợ. Vậy là đã đầy đủ một ban nhạc”.
Bà Phan Thị Huyên, thôn Đức Thị cho biết: “Khi mới tham gia múa hát, vì chúng tôi đều là nông dân quen với ruộng vườn nên ai cũng lóng ngóng không biết hát, múa như thế nào cho đúng nhạc điệu. Thế nhưng, qua quá trình tập luyện, hiện chúng tôi ai cũng dần bắt nhịp được với các làn điệu dân ca mượt mà, sâu lắng. Khi được hát, tâm hồn chúng tôi như trẻ lại, càng thêm yêu cuộc sống, yêu mảnh đất, con người cùng với ruộng đồng quê hương”.
![]() |
Tiết mục văn nghệ do người dân thôn Đức Thị biễu diễn. |
Quả đúng như vậy, những người nông dân trong đời thường đã lên chức ông, chức bà, thế nhưng, khi hòa nhịp với ánh đèn sân khấu, họ đã hóa thân thành những diễn viên thực thụ, say sưa múa hát như những chàng trai, cô gái ở lứa tuổi đôi mươi ngày nào.
Bà Trương Thị Thịnh, thôn Đức Thị chia sẻ: “Ngày nào cũng vậy, sau khi công việc ruộng vườn, nhà cửa xong xuôi, tôi cố gắng thu xếp cơm nước thật nhanh để dành thời gian đi tập luyện với anh chị em trong đội văn nghệ của thôn. Mỗi buổi sinh hoạt, tập luyện như vậy không đơn thuần là nơi thể hiện niềm đam mê ca hát mà còn là nơi chia sẻ kinh nghiệm trong cuộc sống, giúp tôi cảm thấy lạc quan và yêu đời hơn”.
Để có được sự đa dạng và tạo nên nét riêng trong các tiết mục dân ca, với lợi thế của một nhạc công chuyên sâu về đàn nhị, nguyệt, ông Đặng Văn Hải đã không ngừng học hỏi, nghiên cứu những giai điệu cổ, những giá trị văn hóa mang bản sắc của làng để sáng tác, viết nên những giai điệu mới. Những sáng tác của ông dựa trên các làn điệu quen thuộc của dân ca Bình Trị Thiên ...với ca từ giản dị, gần gũi đời sống, sinh hoạt của người dân, dễ nhớ, dễ thuộc nên đã được bà con sử dụng biểu diễn ở nhiều nơi.
Ông Đặng Quang Tuyên, trưởng thôn Đức Thị cho biết: “Hầu hết anh chị em đến tham gia sinh hoạt tại đây đều dựa trên tinh thần tự nguyện. Mỗi khi địa phương có sự kiện, đội văn nghệ đều tập luyện những tiết mục đặc sắc để biểu diễn. Tuy là tiết mục “cây nhà lá vườn” nhưng mọi người luôn thể hiện hết mình, mang đến cho người xem nhiều cảm xúc. Hoạt động văn nghệ không chỉ làm phong phú đời sống tinh thần của của nhân dân, mà còn góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương. Nhờ đó, nhiều năm nay, trên địa bàn thôn không có vụ bạo lực gia đình xảy ra, 93% số hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa. Đặc biệt, một số thành viên trong đội văn nghệ của thôn là thành viên CLB đàn hát dân ca xã Đức Ninh lâu nay hoạt động khá mạnh, đã giành được giải thưởng tại các hội diễn, liên hoan văn nghệ quần chúng của thành phố. Cấp ủy, chính quyền thôn luôn tạo mọi điều kiện để câu lạc bộ đàn hát dân ca của thôn sớm được thành lập và hoạt động thường xuyên, nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho bà con”.
Mỗi tháng Giêng về, khi đất trời vào xuân, không khí hội hè, đình đám ở làng quê lại rộn ràng như mời gọi, thúc giục mọi người hòa mình vào dòng người bên những làn điệu dân ca, câu hát nghĩa tình, thiết tha. Rời xa những điệu nhạc, lời ca của đội văn nghệ thôn Đức Thị, lòng tôi vẫn còn bâng khuâng trong lời hát, giọng ngâm tha thiết và đắm say qua lời bày tỏ của người dân nơi đây: “Ban ngày sản xuất tăng gia/ Tối về tiếng hát, lời ca ân tình/ Xóm thôn đổi sắc chuyển mình/ Cất cao giọng hát nhớ tình quê hương”.
Cái Huệ